Luật sư đưa ra quan điểm cần phải chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra, làm rõ những bất nhất trong 2 biên bản nghiệm thu PCCC trong hồ sơ năng lực tại gói thầu do Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp làm chủ đầu tư.
Dấu hiệu bưng bít thông tin bất chấp việc Chủ tịch Hội đồng trường đã chỉ đạo?
Ngày 23/9, Báo Pháp luật Việt Nam đã đăng tải bài viết: “Dấu hỏi từ 02 biên bản "bất nhất" trong hồ sơ năng lực tại gói thầu của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp” phản ánh về sự việc Liên danh Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Thăng Long - Công ty Cổ phần Cơ điện và công nghệ EMC bị phán ánh đã sử dụng Giấy xác nhận, biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục PCCC của một dự án khác có dấu hiệu bất nhất nhưng vẫn được trúng thầu Gói thầu "Thi công xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị thuộc Dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp nhà A - Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp do Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp làm chủ đầu tư với giá trúng thầu là 33.592.052.407 đồng.
|
Quyết định số 745/QĐ-MTCN-XD&DA về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của Gói thầu Thi công xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị thuộc Dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp nhà A - Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho Liên danh Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Thăng Long - Công ty Cổ phần Cơ điện và công nghệ EMC. |
Theo phản ánh đã xuất hiện 02 biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục PCCC, số 35/CVXD/PCCC ngày 20/07/2021 biên bản nghiệm thu đối với Công trình "Trung tâm học liệu và Giảng đường đa năng - Trường Đại học Thương Mại"; gói thầu "Thi công xây lắp, cung cấp và lắp đặt thiết bị công trình" (không bao gồm phần điện, hệ thống điều hòa, thông gió) cùng giờ nghiệm thu, cùng có các thành phần đại diện pháp luật ký tên, đóng dấu nhưng khác nhau về thành phần (tên người), chức vụ, chuyên môn tham gia trong 2 biên bản.
Cụ thể, một Biên bản nghiệm thu có thành phần trực tiếp nghiệm thu đối với đại diện Tư vấn giám sát (TVGS) của Công ty Cổ phần TDS Việt Nam có ông Quách Thành Nam, chức vụ Giám đốc; Nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Cơ điện và Công nghệ EMC, có 3 thành viên trong biên bản (trong đó có ông Bùi Văn Hân, chức vụ Cán bộ kỹ thuật).
|
Hai biên bản nghiệm thu PCCC tại dự án của Trường Đại học Thương Mại được Công ty cổ phần cơ điện và công nghệ EMC sử dụng làm hồ sơ năng lực cần được chủ đầu tư và cơ quan chức năng làm rõ. |
Trong khi đó, một biên bản nghiệm thu khác lại có thành phần trực tiếp nghiệm thu đối với đại diện TVGS của Công ty Cổ phần TDS Việt Nam lại là ông Phí Đức Thịnh, chức vụ Trưởng đoàn TVGS; Nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Cơ điện và Công nghệ EMC lại chỉ có 2 thành viên trong biên bản (không có cán bộ kỹ thuật là ông Bùi Văn Hân).
Chưa hết, đối với biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục hệ thống PCCC, ngày 1/8/2020 của Gói thầu 03 "Mua sắm và lắp đặt thiết bị PCCC" thuộc dự án Trường Tiểu học trong khu dân cư mới Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông cũng xuất hiện hai biên bản với cùng nội dung, có dấu xác nhận đầy đủ của chủ đầu tư là Ban QLDA ĐTXD quận Hà Đông, tư vấn giám sát là Công ty TNHH DTSAFE, thiết kế PCCC là Công ty TNHH Xây dựng thương mại T và T Hà Nội, nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Cơ điện và Công nghệ EMC.
|
Hai biên bản nghiệm thu PCCC thuộc dự án Trường Tiểu học trong khu dân cư mới Vạn Phúc cũng có nhiều điểm bất nhất cần được chủ đầu tư và cơ quan chức năng làm rõ. |
Điểm khác biệt duy nhất đối với 02 Biên bản này là thành phần (tên người), chức vụ, chuyên môn tham gia trực tiếp nghiệm thu.
Cụ thể, một biên bản có thành phần trực tiếp nghiệm thu đối với nhà thầu thi công là ông Nguyễn Hữu Thành, chức vụ kỹ thuật an toàn lao động; biên bản còn lại thì lại là ông Phạm Việt Hưng, chức vụ kỹ thuật.
Để khách quan thêm thông tin về các biên bản nghiệm thu PCCC mà Công ty Cổ phần cơ điện và công nghệ EMC sử dụng để đáp ứng năng lực tại gói thầu này, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã tìm đến trụ sở Công ty Cổ phần cơ điện và công nghệ EMC tại số 2 ngách 59/39 ngõ 59, đường Mễ Trì, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội tại thời điểm phóng viên ghi nhận luôn trong tình trạng đóng cửa và được người dân cho biết không có công ty nào hoạt động ở đây.
|
Theo người dân thì tại địa chỉ số 2 ngách 59/39 ngõ 59, đường Mễ Trì, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội tại thời điểm phóng viên có mặt luôn trong tình trạng đóng cửa. |
Sau đó, phóng viên đã nhiều lần liên hệ qua số điện thoại được đăng ký công khai trên mã số thuế của Công ty EMC nhưng không liên lạc được.
Nhằm làm rõ những bất nhấp trong 2 biên bản mà nhà thầu sử dụng để trúng thầu cũng như tìm hiểu hướng xử lý sự việc này, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã đến Trường đại học Mỹ Thuật Công nghiệp đặt lịch và nội dung làm việc theo yêu cầu của TS. Phạm Hùng Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
Tuy nhiên hơn 2 tháng trôi qua phóng viên đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin vào số điện thoại cá nhân của TS. Phạm Hùng Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nhưng không nhận được phản hồi.
|
Trụ sở Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. |
Tiếp đến ngày 11/12, phóng viên tiếp tục liên hệ với TS. Bùi Trung Dũng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho biết: “Sự việc này tôi đã trao đổi với thầy Cường hiệu trưởng nhà trưởng rồi, chắc thầy Cường xem xét rồi trao đổi lại với bạn (Tức -PV) sau...”.
Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho biết thêm: “Trao đổi qua thì anh thấy thầy Cường nói là đã gửi công văn tới Công ty Cổ phần Cơ điện và công nghệ EMC và Công ty tư vấn thì công ty tư vấn khẳng định làm đúng theo quy định của pháp luật, còn công ty nhà thầu (Tức - Công ty Cổ phần Cơ điện và công nghệ EMC) họ có văn bản cam đoan với nhà trường là họ chịu trách nhiệm trước pháp luật...”.
Trả lời câu hỏi của Báo Pháp luật Việt Nam về việc đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Thăng Long - Công ty Cổ phần Cơ điện và công nghệ EMC bị phản ánh sử dụng các biên bản nghiệm thu PCCC có dấu hiệu giả mạo chữ ký, con dấu thì nhà trường đã báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an hay không?
TS. Bùi Trung Dũng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho hay: “Việc này tôi sẽ trao đổi với thầy Cường, Hiệu trưởng để có hướng xử lý và thông tin lại sau...”.
Qua trao đổi với TS. Bùi Trung Dũng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp được biết ông Dũng đã chỉ đạo và trao đổi với ông Phạm Hùng Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp làm việc cung cấp thông tin của Báo Pháp luật Việt Nam nhưng không hiểu vì lý do gì mà phóng viên đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại thì chỉ nhận được phản hồi: “Tôi đang họp..” rồi tắt máy, trong khi đó phóng viên đã nhắn tin đề nghị Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp sắp xếp thời gian làm việc nhưng cũng không nhận được phản hồi từ phía vị Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
Luật sư kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để làm rõ dấu rõ dấu hiệu vi phạm!
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật thuộc Đoàn Luật sư TP HCM cho biết: “Trong gói thầu này nhà thầu bị nghi ngờ do nộp hồ sơ dự thầu có dấu hiệu giả mạo, không trung thực nhưng vẫn trúng thầu. Điều này có thể ảnh hướng đến cạnh tranh công bằng minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu.
Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để xem xét, làm rõ vụ việc...Bởi căn cứ khoản 4 Điều 16 Luật Đấu thầu năm 2023 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đấu thầu, trong đó, bao gồm hành vi gian lận như sau: "Làm giả hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu; cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư...”, luật sư Bình đưa ra quan điểm.
|
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật . |
Cũng theo luật sư Bình cho biết: “ Ở đây có dấu hiệu của hành vi làm giả tài liệu con dấu của cơ quan, tổ chức, sử dụng tài liệu con dấu giả. Đây là hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu hình sự, cơ quan điều tra cần phải xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật nếu có sai phạm.
Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần thu hồi các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu mà Công ty Cổ phần Cơ điện và công nghệ EMC đã kê khai tại các gói thầu để tiến hành giám định chữ ký con dấu ở trong các tài liệu này.
Trường hợp Viện Khoa học hình sự kết luận chữ ký con dấu trong các văn bản hồ sơ mà Công ty Cổ phần Cơ điện và công nghệ EMC đã dùng để kê khai trong quá trình đấu thầu. Nếu có cơ sở và căn cứ thì cơ quan điều tra cần phải khởi tố vụ án hình sự về tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, tội sử dụng tài liệu giả theo quy định tại điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 để xử lý với người vi phạm theo quy định của pháp luật...”., luật sư Bình khẳng định.
Từ đó luật sư Bình đưa ra quan điểm: “Trong trường hợp này chủ đầu tư mà cụ thể là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cần phải tiến hành tạm dừng gói thầu này và kiến nghị cơ quan Công an vào cuộc làm rõ dấu hiệu giả mạo hồ sơ, chữ ký, con dấu trong 2 biên bản mà nhà thầu đã sử dụng làm hồ sơ năng lực để trúng thầu tại gói thầu này...”.
Trước thực trạng nêu trên, Báo Pháp luật Việt Nam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Thanh tra, Cục giám sát chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng vào cuộc làm rõ những bất nhất tại gói thầu này, nếu phát hiện ra sai phạm cần chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.