Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị.
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp, việc thu hồi tài sản tham nhũng của các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) chưa đạt kết quả như mong muốn nên đã phần nào gây ra tâm lý bức xúc trong xã hội.
|
Kịp thời áp dụng các biện pháp để thu hồi tối đa tài sản tham nhũng. |
Kết thúc 3 tháng công tác đầu năm 2019, toàn hệ thống THADS đã thi hành xong trên 125 nghìn việc trong số có điều kiện, đạt tỉ lệ 38,06% (tăng 2,05% so với cùng kỳ năm 2018). Về tiền, đã thi hành xong trên 7 nghìn tỷ đồng trong số có điều kiện, đạt tỉ lệ 7,49% (tăng 0,49% so với cùng kỳ năm 2018).
Tuy nhiên, kết quả THADS chưa có nhiều đột phá, đặc biệt, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn chưa được quan tâm đúng mức và còn nhiều tồn tại. Việc thu hồi tài sản tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ tiền và tài sản thu hồi còn thấp hơn so với tổng số thiệt hại mà các đối tượng chiếm đoạt, gây thất thoát.
Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số Thủ trưởng cơ quan THADS chưa được sát sao, quyết liệt, không nắm được tình hình công việc. Nhận thức của Chấp hành viên về các vụ án tham nhũng, kinh tế còn chưa đầy đủ nên chưa có tác động kịp thời để thu hồi tài sản cho Nhà nước; chưa kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc để xử lý; còn tình trạng Chấp hành viên không nghiên cứu kỹ hồ sơ, không cập nhật các quy định pháp luật.
Công tác thẩm định giá, bán đấu giá còn một số vi phạm; cơ quan uỷ thác thi hành án còn thiếu trách nhiệm trong cung cấp thông tin, chậm xử lý tài sản. Các đối tượng phạm tội đã sử dụng hết số tiền, tài sản hoặc dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu tài sản do phạm tội mà có, tẩu tán tài sản ra nước ngoài gây khó khăn cho việc xác minh thu hồi tài sản.
Để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý, thu hồi tài sản trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, Hệ thống cơ quan THADS cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng.
Theo đó, người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, giải quyết tố cáo, xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Tập trung xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện.
Trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.
Cùng với đó, các cơ quan THADS cần quán triệt và tiếp thu đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Trong đó yêu cầu: “Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát”. Đồng thời tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Tổng cục THADS cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong toàn hệ thống, trọng tâm là thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; định kỳ làm việc với các cơ quan thi hành án có lượng án lớn, nhiều vướng mắc; tăng cường phối hợp, đề cao vai trò của cấp uỷ địa phương.
Các cơ quan THADS địa phương cần tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành; rà soát, phân loại án và có biện pháp đôn đốc, xử lý dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành. Tập trung kiểm tra, giám sát việc xác minh điều kiện thi hành án; bảo đảm phân loại án chính xác, kịp thời.
Thực hiện nghiêm các quy định về kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, bảo đảm tính khách quan trong công tác này. Tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc giao tài sản đã bán đấu giá thành.
Các Cục, Chi cục THADS tập trung quyết liệt, chỉ đạo, đôn đốc, xây dựng kế hoạch, tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Tập trung nguồn lực thi hành án đối với thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng; thường xuyên rà soát, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật để nâng cao hiệu quả công tác này.