Sáng nay, 7/4, Quốc hội bỏ phiếu bầu Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng Chính phủ. Nếu đắc cử, ông Phúc sẽ trở thành Thủ tướng thứ 7 trong lịch sử Việt Nam và rất có thể sẽ là Thủ tướng trong nhiệm kỳ mới.
Chiều qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chính thức giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc – Uỷ viên Bộ Chính trị để Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ thay cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được miễn nhiệm trước đó. Ông Nguyễn Xuân Phúc là ứng viên duy nhất cho vị trí lãnh đạo Chính phủ.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên hành lang Quốc hội chiều 6/4, trước khi được chính thức đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng mới. |
Được Quốc hội khoá XIII bầu khi đã sắp kết thúc nhiệm kỳ, tân Thủ tướng sẽ đảm nhận cương vị trong khoảng 3 tháng, cho đến khi Quốc hội khoá XIV họp kỳ đầu tiên, dự kiến vào tháng 7 tới đây. Tại kỳ họp này, Quốc hội một lần nữa bầu các lãnh đạo chủ chốt của nhà nước, trong đó có Thủ tướng Chính phủ cũng như sắp xếp, kiện toàn toàn diện bộ máy các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Nếu đắc cử Thủ tướng tại kỳ họp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải tiếp tục qua các cuộc “sát hạch” như kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội vào tháng 5, một lần nữa ứng cử vị trí lãnh đạo Chính phủ tại Quốc hội khoá mới vào tháng 7. Dù vậy, có thể hiểu, tân Thủ tướng sẽ có rất nhiều lợi thế chắc chắn để trở thành người chèo lái nội các nhiệm kỳ 5 năm tới.
Dự kiến, khoảng 9-10h sáng nay, tân Thủ tướng sẽ thực hiện nghi lễ tuyên thệ nhậm chức, tương tự như Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước đã thực hiện trước đó. Nhiều đại biểu cũng như dư luận rất mong chờ Thủ tướng mới sẽ có những cam kết cụ thể hơn liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ của mình như khẳng định quyết tâm chống tham nhũng, giải quyết triệt để tình trạng công chức “cắp ô”, chặn đứng tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm…