Những ngày qua do ảnh hưởng của thời tiết số lượng trẻ mắc các bệnh như viêm phổi, viêm họng và viêm tai giữa tăng đột biến. Tuy nhiên, do các dấu hiệu nhận biết 3 loại bệnh này khá giống nhau, nên các bà mẹ thường bị nhầm lẫn. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết và cách phân biệt 3 loại bệnh này.
Video: PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ những dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm phổi và cách xử lý khi trẻ bị viêm phổi.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiệt độ hạ thấp đột ngột kèm theo mưa kéo dài khiến cho số lượng trẻ mắc bệnh viêm phổi gia tăng.
Ghi nhận tại khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày khoa tiếp nhận hơn 100 trẻ bị viêm phổi đến nhập viện. Do sai lầm của cha mẹ, không nhận biết rõ ràng các dấu hiệu mắc bệnh nên khi đưa đến viện, các bé đều trong tình trạng bệnh đã chuyển nặng.
Trẻ bị viêm phổi
Trao đổi với Phapluatplus.vn, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đã chia sẻ một số dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm phổi: “Triệu trứng ho và sốt là triệu trứng dễ nhận biết nhất của trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, trẻ còn xuất hiện những biểu hiện bất thường như khó thở hơn ngày thường, hoặc phát ra những tiếng thở bất thường”.
“Dấu hiệu quan trọng nhất để nhận biết là trẻ thở lõm lồng ngực hay rút lõm lồng ngực. Tuy trời rét như vậy, những nếu các cháu có hiện tượng ho sốt, thì các bậc cha mẹ cũng nên vén áo của cháu nên, kiểm tra xem cháu có thở lõm ngực hay không. Nếu thấy trẻ thở kéo lõm lồng ngực thì lúc đó phải đưa trẻ đến viện ngay”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng lưu ý các bậc cha mẹ, nên quan sát biểu hiện của trẻ, nếu thấy những dấu hiệu bất thường nên đưa trẻ đến cơ sở ý tế gần nhất để thăm khám.
Tránh trường hợp vì sợ trời rét, không đưa trẻ đi khám khiến bệnh trở nặng sẽ gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
|
Số lượng trẻ bị viêm phổi tăng đột biến trong những ngày qua tại bệnh viện Bạch Mai. Ảnh Ngọc Nga |
Trẻ bị viêm họng
Trẻ ho và sốt cũng là dấu hiệu đầu tiên khi trẻ bị viêm họng. Chính vì điều này, khiến các bà mẹ thường bị nhầm lẫn giữa bệnh viêm họng và viêm phổi ở trẻ.
Trẻ bị viêm họng sẽ có thể bị sốt cao từ 38 - 40oC, khàn tiếng, rát họng, họng đau khi nuốt thức ăn, hoặc nói, ho khan, chảy nước mũi… Ở những trẻ nhỏ, chưa thể nói được thì có thể nhận biết khi thấy trẻ quấy khóc, bỏ bú, mệt mỏi.
Viêm phổi ở trẻ chỉ kéo dài từ 2-4 ngày, khi đó cơ thể trẻ có cơ chế tự "chiến đấu" với vi khuẩn. Nếu dùng kháng sinh thì trẻ sẽ khỏi rất nhanh, tuy nhiên việc dùng kháng sinh ở trẻ sẽ làm hệ miễn dịch ở trẻ kém phát triển. Nếu buộc phải dùng thuốc, cần có sự hướng dẫn từ bác sĩ để tránh những hệ quả không đáng có sau khi điều trị.
Tuy có cũng dấu hiệu với bệnh viêm phổi là ho và sốt, nhưng trẻ bị viêm phổi sẽ biểu hiện rõ ràng hơn khi thở, cụ thể là khó thở, thở khò khè và đặc biệt là thở kéo lõm lồng ngực. Còn đối với trẻ bị viêm họng, trẻ sẽ biểu hiện ở mức độ nhẹ hơn như quấy khóc, bỏ bú, mệt mỏi...
Chính vì vậy, các bà mẹ cần phải chú ý đến các triệu trứng ho và sốt. Nếu thấy những dấu hiệu bất thường khác thì nên đưa trẻ đi khám ngay, tránh tình trạng bệnh chuyển nặng.
Trẻ bị viêm tai giữa
Viêm tai giữa cũng là một trong những bệnh trẻ nhỏ thường hay mắc phải. Nguyên nhân là do cảm lạnh, khi trẻ nằm bú sữa bình không cẩn thận khiến sữa tràn vào trong tai gây viêm, hoặc do chọc ngoáy vào tai, do chất xuất tiết ở mũi họng lan lên tai giữa khiến tai giữa bị viêm nhiễm....
|
Trẻ thường kéo, giật tai kèm theo đó là sốt, bỏ bú là những dấu hiệu của bệnh viêm tai giữa. Ảnh: minh họa. |
Biểu hiện ở trẻ khi bị viêm tai giữa là: sốt, thường là sốt cao 39 - 40 oC, nhức đầu, trẻ lớn có thể kêu đau tai, còn trẻ nhỏ thì có thể kéo giật tai mạnh, hoặc có biểu hiện khó chịu và khóc nhiều hơn bình thường.
Trẻ bỏ bú, mệt mỏi, khó ngủ. Bên cạnh đó trẻ không phản ứng với tiếng động nhỏ, hoặc nói to bất thường, bật radio, tivi với âm lượng lớn hơn thường ngày.
Nhìn bề ngoài có thể thấy, dấu hiệu nhận biết 3 loại bệnh trên đều có những điểm giống nhau như: sốt cao, ho, trẻ mệt mỏi, bỏ bú... Tuy nhiên, khi quan sát kỹ sẽ thấy trẻ có thêm những biểu hiện khác nữa đặc trưng cho từng loại bệnh.