Người khuyết tật là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận pháp luật. Nhận thức rõ thực tế này, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Kiên Giang đã xây dựng Kế hoạch TGPL hàng năm với mục tiêu: bảo đảm tất cả người khuyết tật thuộc diện có khó khăn về tài chính được tiếp cận dịch vụ pháp lý miễn phí, tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để hỗ trợ kịp thời các trường hợp thuộc diện được TGPL. Đồng thời, Trung tâm còn tập trung nâng cao năng lực đội ngũ trợ giúp viên pháp lý nhằm xử lý có hiệu quả các vụ việc liên quan đến người khuyết tật.
Năm 2024, Trung tâm hoàn thành 31 vụ việc TGPL tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng cho người khuyết tật, trong đó có nhiều vụ việc phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì và chuyên môn cao của đội ngũ người thực hiện TGPL. Những vụ việc này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi cho người yếu thế mà còn tạo tiền lệ quan trọng trong công tác thực thi công lý.
![]() |
Những câu chuyện đầy xúc động
Một trường hợp điển hình là ông Nguyễn Văn K (sinh năm 1969), cư trú tại ấp 7 Biển, xã Nam Thái A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Ông từng là trụ cột gia đình, nhưng sau một cơn tai biến 5 năm trước nên bị liệt toàn thân, mất khả năng lao động. Gia đình ông thuộc diện hộ nghèo và ngày càng kiệt quệ về tài chính. Trong một buổi tập huấn TGPL và hòa giải ở cơ sở tại địa phương, Trung tâm phát hiện hoàn cảnh của ông nên lo các thủ tục cần thiết, kể cả linh hoạt trong việc chi phí giám định y khoa mà không có trong quy định của pháp luật. Nhờ sự giúp đỡ này, ông K được công nhận là người khuyết tật nặng, đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng. Đây là một trong nhiều câu chuyện thể hiện sự tận tâm của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, không chỉ dừng lại ở việc “đại diện ngoài tố tụng” mà còn theo sát, trợ giúp từ thủ tục đến quyền lợi thực tế.
Bên cạnh việc giúp người khuyết tật tiếp cận chính sách xã hội, Trung tâm còn tham gia bảo vệ quyền lợi của họ trong các vụ án hình sự. Một trường hợp cụ thể là anh Trần Văn H, người “có hạn chế khả năng nhận thức điều khiển hành vi và có biến đổi nhân cách” bị truy tố trong vụ án cố ý gây thương tích. Thế nên, anh H gặp khó khăn trong quá trình tham gia tố tụng, dẫn đến nhiều yếu tố bất lợi. Khi biết đến vụ án, trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa, đề nghị đưa đi giám định. Kết quả cho thấy anh H không thể nhận thức đầy đủ hành vi của mình như một người bình thường. Nhờ sự vào cuộc của trợ giúp viên pháp lý, Tòa án đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ, giúp anh H được hưởng mức án “cải tạo không giam giữ” thay vì án treo như đề nghị của Viện kiểm sát.
Một câu chuyện khác đầy tính nhân văn là trường hợp của anh Hùng E và chị Thị T, đôi vợ chồng khuyết tật đặc biệt nặng, hoàn toàn mất thị lực. Họ kết hôn đã nhiều năm, nhưng do khó khăn trong cuộc sống, mâu thuẫn gia đình bên chồng phát sinh, khiến anh Hùng E đơn phương xin ly hôn và giành quyền nuôi con nhỏ. Chị Thị T cũng kiên quyết muốn giữ quyền nuôi con. Khi vụ án chuẩn bị đưa ra xét xử do trước đó hòa giải không thành, chị Thị T được người quen giới thiệu đến Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Kiên Giang. Trung tâm đã cử luật sư và trợ giúp viên pháp lý cho cả hai bên, giúp họ hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ pháp lý của mình. Sau quá trình hòa giải, anh Hùng E và chị Thị T đã quyết định rút đơn kiện, tiếp tục chung sống để cùng nhau chăm sóc con cái. Đây là một minh chứng cho thấy TGPL không chỉ bảo vệ quyền lợi mà còn góp phần hàn gắn các mối quan hệ gia đình, giúp người khuyết tật có cuộc sống ổn định hơn.
![]() |
Những rào cản cần tháo gỡ
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song công tác TGPL cho người khuyết tật vẫn gặp nhiều thách thức. Một trong những rào cản lớn nhất là chi phí giám định y khoa – điều kiện cần để được hưởng chế độ trợ cấp. Bên cạnh đó, người khuyết tật còn phải gánh thêm chi phí đi lại, ăn ở, dù hoàn cảnh rất khó khăn, do chính sách hiện tại chưa bao quát hết.
Không chỉ vướng mắc về tài chính, cơ chế phân bổ kinh phí giám định cũng rườm rà và kém hiệu quả. Thay vì cấp trực tiếp cho đơn vị thực hiện giám định, kinh phí phải qua nhiều cấp trung gian, dẫn đến chậm trễ, thiếu hụt, thậm chí có nơi không có kinh phí để triển khai. Điều này khiến nhiều người khuyết tật buộc phải tự chi trả hoặc không thể thực hiện giám định, làm gián đoạn quá trình công nhận và hưởng trợ cấp. Sự thiếu đồng bộ giữa các địa phương càng khiến vấn đề thêm trầm trọng: có nơi hỗ trợ tốt, trong khi nơi khác lại thiếu kinh phí hoặc không có cơ chế linh hoạt.
Đáng nói, chi phí giám định y khoa chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng ngân sách bảo trợ xã hội, nhưng lại trở thành trở ngại lớn đối với người khuyết tật. Để khắc phục tình trạng này, cần miễn toàn bộ chi phí giám định y khoa cho tất cả người khuyết tật, đồng thời cấp kinh phí trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho Trung tâm Giám định y khoa, thay vì phân bổ qua nhiều cấp trung gian. Bên cạnh đó, cần mở rộng quyền giám định cho các bệnh viện tuyến dưới có đủ chuyên môn, giúp người khuyết tật không phải di chuyển xa.
Câu chuyện của ông Nguyễn Văn K – người bị liệt toàn thân suốt 5 năm qua mới có kết luận khuyết tật nặng là do: chính quyền xã không giám công nhận theo thẩm quyền, trong khi ông không có khả năng chi trả chi phí giám định y khoa (khoảng hơn 2 triệu đồng) cùng các khoản thuê xe taxi đi lại 03 lần và ăn ở – là minh chứng rõ ràng cho những bất cập trong chính sách hiện tại.
![]() |
Hướng tới một chính sách công bằng hơn
Việc sửa đổi toàn diện, thay thế Nghị định 28/2012/NĐ-CP, Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH,…vốn đã không còn phù hợp, là điều cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho người khuyết tật. Hiện nay, chỉ một số nhóm như hộ nghèo, trẻ em,… được miễn phí giám định y khoa, trong khi nhiều người khuyết tật khác vẫn phải tự lo liệu, dù hoàn cảnh khó khăn. Ngay cả những người thuộc diện hộ nghèo cũng vậy, rất nhiều nơi tất tần tật họ phải chịu phí giám định y khoa, đi lại, ăn ở, điều mà chính sách hiện tại chưa đề cập đầy đủ. Trường hợp được miễn phí, nhưng cơ chế hỗ trợ chưa đồng bộ, cho nên họ vẫn không được hưởng; nếu đã nộp trước rồi, khi thanh toán lại cũng rất nhiêu khê nên đành chịu.
Thay thế các quy định lỗi thời bằng một chính sách mới sẽ giúp hệ thống trợ giúp người khuyết tật trở nên công bằng, minh bạch và hiệu quả hơn, đảm bảo mọi người khuyết tật đều có cơ hội được công nhận và hưởng quyền lợi chính đáng mà không bị cản trở bởi gánh nặng tài chính, hay thủ tục hành chính rườm rà. Đồng thời, cải cách cơ chế cấp phát kinh phí sẽ giúp đơn giản hóa quy trình, giảm tình trạng phân bổ chậm trễ, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách trên toàn quốc.
Vậy nên, rất cần miễn hoàn toàn chi phí giám định y khoa và hỗ trợ chi phí đi lại cho người khuyết tật, phân cấp cho tuyến dưới đủ điều kiện, thậm chí triển khai dịch vụ giám định lưu động tận nơi cho những trường hợp không thể di chuyển. Đồng thời, cần cải cách thủ tục hành chính để không phân biệt nơi cư trú hay địa giới hành chính, bổ sung đề án trợ giúp cho người khuyết tật cấp quốc gia để giải quyết các rào cản này.
Nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4), hãy cùng lan tỏa những giá trị nhân văn và đồng hành với người khuyết tật trên hành trình tìm kiếm công bằng.