Cụ thể, UBND TP.HCM cho biết đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, phối hợp cùng đơn vị thu gom rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tiếp tục duy trì người, máy móc dọn rác trên kênh này.
Đồng thời chỉ đạo các bên liên quan sớm hoàn tất thủ tục về đơn giá, đấu thầu đơn vị thu gom rác kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đảm bảo môi trường đô thị.
Giám đốc Trung tâm quản lý đường thủy (thuộc Sở GTVT TP.HCM) Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đối với các tuyến kênh trên TP.HCM hay riêng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, từ năm 2019, UBND TP.HCM giao trung tâm phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện việc đấu thầu các đơn vị thu gom rác.
Đến tháng 9-2023, TP.HCM có ban hành bộ định mức giá mới (do Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu).
Sau đó, trung tâm bắt đầu áp dụng, đồng nghĩa với việc xây dựng lại các phương án về đơn giá và đấu thầu để trình UBND TP duyệt.
Rác ùn ứ trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè |
Hiện nay, các phương án thì trung tâm đã lập trình xong, còn đơn giá cũng trình Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải TP.HCM trình UBND TP duyệt.
Do cần thời gian làm hồ sơ (áp dụng bộ định mức mới) theo trình tự, nên từ đầu năm 2024 đến nay vẫn đang trong thời gian triển khai, đấu thầu.
Trong thời gian chờ đợi, trung tâm vẫn phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (đơn vị trực tiếp thu gom rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) để duy trì người, máy móc gom rác trên kênh, đảm bảo thu gom rác, đặc biệt trong đợt Tết Nguyên đán 2024.
Tuy nhiên, đến thời gian gần đây việc duy trì lực lượng thu gom giảm hơn trước do gặp vấn đề về kinh phí.
Vì vậy, đơn vị thu gom đã tạm thời dùng dây thép để gom rác về một chỗ (gần cầu số 1), không cho rác đổ từ thượng nguồn về hạ lưu. Tuy nhiên, bên trong hợp lưu phía thượng nguồn cầu số 1 kết nối vào những cống, mương hở thì rác thải sinh hoạt rất nhiều. Vào những ngày nước lớn, khi thủy triều lên thì những rác thải này bị hút ra ngoài, khoảng một tuần trở lại đây rác dày đặc.
"Đa số rác thải trên kênh là rác thải sinh hoạt. Người dân cần giữ vệ sinh, không xả rác ra sông, kênh, rạch, nhất là những rạch nhánh bên trong chi lưu của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè", ông Tuấn khuyến nghị.
Rác dồn ứ cộng thêm việc nước kênh cạn khiến môi trường sống của các loài vật dưới kênh bị ảnh hưởng |
Theo Sở GTVT TP.HCM, việc quản lý tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 10 km đang được giao cho 2 đơn vị quản lý theo chức năng riêng.
Cụ thể, đoạn từ ngã ba sông Sài Gòn (TP Thủ Đức) đến cầu Lê Văn Sỹ (Q.3) là tuyến đường thủy nội địa được phân cấp cho Sở GTVT quản lý, còn đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến đầu đường Út Tịch (Q.Tân Bình) là tuyến thoát nước được phân cấp cho Sở Xây dựng quản lý.
Sở GTVT cho biết hiện Trung tâm Quản lý Đường thủy đã xây dựng kế hoạch, phương án vớt, thu gom chất thải rắn trên sông, kênh, rạch trong năm 2024 (gồm số lượng tuyến, tần suất, thời gian, công nghệ, dự toán kinh phí) để trình UBND TP.HCM xem xét chấp thuận.
Về công tác vớt, thu gom rác trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến đầu đường Út Tịch do Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng thực hiện, còn đoạn từ ngã ba sông Sài Gòn đến cầu Lê Văn Sỹ do Trung tâm Quản lý Đường thủy thuộc Sở GTVT đảm nhận.
Cũng theo Sở GTVT, thực tế trong quá trình vớt rác trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rác chủ yếu từ các cửa xả cống hộp dọc tuyến kênh, nhiều nhất từ cửa xả cống hộp trên đường Út Tịch trôi vào gây ô nhiêm môi trường và mỹ quan đô thị, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác vớt, thu gom chất thải rắn của Trung tâm Quản lý Đường thủy.
Giám đốc Trung tâm Quản lý Đường thủy TP.HCM nhìn nhận việc vớt rác trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè phải đồng bộ. Do vậy, sắp tới trung tâm sẽ báo cáo UBND TP.HCM đề xuất giao về cho một đơn vị thực hiện đồng bộ để không ngắt khúc.
Thông thường, đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc phải vớt hơn 10 tấn rác mỗi ngày để ngăn ô nhiễm dòng kênh |
TP.HCM hiện có khoảng 170 kênh rạch với gần 700km bị lục bình, cỏ dại phát triển ngăn cản dòng chảy, gia tăng ô nhiễm khu vực nội thành và tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Ngoài số lục bình tại chỗ, số khác theo dòng nước di chuyển từ đầu nguồn thuộc các tỉnh lân cận đã khiến sông rạch Sài Gòn ngập tràn lục bình.
Theo Sở Tài chính, mỗi năm ngân sách thành phố bố trí khoảng 1.132 tỉ đồng cho công tác duy tu hệ thống thoát nước và 2.848 tỉ đồng cho thu gom rác.
Dài gần 10 km, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, đổ ra sông Sài Gòn. Sau khi hoàn thành cải tạo hơn 10 năm trước, đây được xem là dòng kênh đẹp nhất nội đô TP.HCM.