Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 95/QĐ-TTg ngày 14/01/2025 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Kế hoạch, về dự án đầu tư công, ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn, tạo xung lực mới trong tăng trưởng và phát triển thành phố Đà Nẵng theo tinh thần các Nghị quyết.
Kết luận của Bộ Chính trị và của Quốc hội, gồm: Các dự án tạo không gian phát triển mới và năng lực mới, thúc đẩy sự phát triển của thành phố theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững; các dự án hạ tầng kỹ thuật (giao thông kết hợp đô thị (TOD), hạ tầng phục vụ Khu thương mại tự do, Khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ du lịch); hạ tầng xã hội, hạ tầng thông tin, truyền thông, chuyển đổi số cấp thiết, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, các dự án thủy lợi, đê, kè, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường, đổi mới sáng tạo, bảo đảm quốc phòng - an ninh...
Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Thu hút đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng đã và đang được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công.
Thu hút đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các vùng động lực của thành phố.
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm: hệ thống cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng logistics; hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, trí tuệ nhân tạo; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao; phát triển nguồn điện; cấp nước sạch; cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, khoa học và đổi mới sáng tạo, môi trường, thương mại, dịch vụ.
Kế hoạch sử dụng đất
Về kế hoạch sử dụng đất 05 năm 2021 - 2025: Xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025, các kế hoạch sử dụng đất quận, huyện, đảm bảo quỹ đất để triển khai thực hiện các định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, các dự án đã được xác định theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
|
Ảnh minh hoạ. |
Xây dựng kế hoạch sử dụng đất 05 năm 2026 - 2030: Đà Nẵng cần xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2026 - 2030, các kế hoạch sử dụng đất quận, huyện, đảm bảo quỹ đất để triển khai thực hiện các định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, các dự án đã được xác định theo các quy hoạch quốc gia, quy hoạch thành phố.
Đồng thời, quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai để có phương án quy hoạch, kêu gọi đầu tư phù hợp nhằm đẩy mạnh khơi thông nguồn lực đất đai; nâng cao chất lượng lập, quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý quy hoạch kiến trúc đi vào chiều sâu, hướng tới xây dựng các đô thị xanh, thành phố thông minh; triển khai có hiệu quả Kết luận số 77-KL/TW ngày 02 tháng 5 năm 2024 của Bộ Chính trị về Đề án "Phương án tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố".
Nguồn lực thực hiện quy hoạch: Giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến cần huy động khoảng 800 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển (theo giá hiện hành), tương đương khoảng 40% GRDP, trong đó vốn đầu tư khu vực kinh tế Nhà nước chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư (giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 25 - 30% và giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 20 - 25%); vốn đầu tư khu vực kinh tế ngoài Nhà nước cần huy động ở mức cao, dự kiến khoảng 60 - 65% tổng vốn đầu tư; thu hút vốn FDI khoảng 10 - 15% tổng vốn đầu tư.
Tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm
Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, Quyết định nêu rõ: Thu hút đầu tư phát triển theo quy hoạch đã được phát triển. Xúc tiến đầu tư theo trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên triển khai các dự án động lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao, có khả năng thu hồi vốn nhanh, có sức lan tỏa tới các dự án khác.
Tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển thành phố và các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, quản trị hiện đại… Mở rộng kết nối thị trường trong nước và ngoài nước; tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao năng suất lao động, trình độ công nghệ của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của thành phố, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tăng cường đối thoại, gặp gỡ và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đầu tư, sản xuất kinh doanh tại địa phương; đa dạng hoá đối tác, hình thức đầu tư; tập trung mời gọi các nhà đầu tư trong nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin; tập trung các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài tại các thị trường trọng điểm, kết nối các đối tác trong lĩnh vực mà thành phố ưu tiên; tăng cường các hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế, hợp tác quốc tế, chủ động liên hệ và trao đổi, hợp tác với các tổ chức để phối hợp hiệu quả trong các hoạt động xúc tiến đầu tư; xúc tiến đăng cai, tổ chức các sự kiện quốc tế theo hướng gắn kết ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế; kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với các nguồn lực ngoài nước; đổi mới, đa dạng hóa cách thức tổ chức các hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư; xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả Đề án thu hút nguồn nhân lực khu vực công và đề án phát triển nguồn nhân lực khu vực tư để thu hút lao động chất lượng cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn.
Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thông qua kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, bổ sung cơ sở vật chất để thực hành đầy đủ và chuyên sâu, xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp với thực tế, sử dụng những chuyên gia của doanh nghiệp hướng dẫn thực hành có kỹ năng tay nghề cao…
Tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ và các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ.
Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17 tháng 6 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, gắn liền với triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Quyết định nêu rõ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng: Công bố, tuyên truyền, phổ biến thông tin về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tới các cơ quan, tổ chức liên quan, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo đồng thuận và điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án phát triển đã được xác định trong Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quán triệt và giao nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến từng sở, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện để triển khai thực hiện.
Đồng thời nghiên cứu, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thành phố.