Xây dựng Luật thay thế Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 20/2012/QH13 ngày 20/11/2012 của Quốc hội) Bộ Tư pháp cho biết sẽ quy định chặt chẽ hơn về điều kiện miễn đào tạo nghề, miễn giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư
Hơn 18.200 luật sư nhưng “chất lượng chưa đồng đều”
Bộ Tư pháp cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, trong cả nước đã có hơn 18.200 luật sư hoạt động trong hơn 5.400 tổ chức hành nghề luật sư (tăng khoảng 14.000 luật sư so với năm 2006) đã dần đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng cao của cá nhân, tổ chức. Đồng thời, với số lượng tổ chức hành nghề luật sư như hiện nay đã tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với dịch vụ của luật sư.
Một số tổ chức hành nghề luật sư bước đầu phát huy được thế mạnh, xây dựng được thương hiệu của mình, tạo được sự tín nhiệm trên thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, với việc chuyển giao nhiều nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước cho tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, Luật Luật sư đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng để tổ chức xã hội - nghề nghiệp có thể phát huy tối đa tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của mình. Nhà nước chỉ thực hiện chức năng định hướng, điều tiết và hỗ trợ phát triển nghề luật sư.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Luật sư năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục. Chất lượng luật sư chưa đồng đều, chưa tương xứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và tạo lập được niềm tin với người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Phẩm chất đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của một số ít luật sư hạn chế. Còn hiện tượng luật sư có biểu hiện lệch lạc về tư tưởng chính trị.
|
Ảnh minh hoạ. |
Một số quy định trong Luật Luật sư còn dẫn đến cách hiểu và áp dụng không thống nhất; Một số quy định chưa cụ thể hoặc không còn phù hợp. Còn thiếu các quy định tạo điều kiện phát triển tổ chức hành nghề luật sư có quy mô lớn; quy định về tiêu chuẩn, điều kiện luật sư nước ngoài được hành nghề tại Việt Nam, việc cấp, gia hạn Giấy phép hành nghề tại Việt Nam, trình tự, thủ tục tạm ngừng hoạt động, thay đổi nội dung Giấy phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam… Đặc biệt, tình trạng cá nhân, tổ chức không phải là luật sư nhưng cung cấp dịch vụ như luật sư vẫn tồn tại ở nhiều địa phương. Điều này gây ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ pháp lý của luật sư, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định về an ninh, trật tự, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Làm rõ phạm vi cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư
Xây dựng Luật thay thế Luật Luật sư hiện hành, Bộ Tư pháp cho biết, sẽ bổ sung tiêu chuẩn có “bản lĩnh nghề nghiệp” và giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chuẩn trở thành luật sư.
Quy định người muốn tập sự hành nghề luật sư sẽ đăng ký gia nhập một Đoàn Luật sư với tư cách luật sư tập sự. Luật sư tập sự là thành viên không đầy đủ của các Đoàn Luật sư. Đoàn Luật sư có trách nhiệm giám sát, quản lý luật sư tập sự đến khi họ thi đỗ kỳ thi quốc gia để trở thành luật sư. Đồng thời, sửa đổi các quyền và nghĩa vụ của luật sư tập sự để bảo đảm cho luật sư tập sự có nhiều cơ hội thực hành nghề hơn trong thực tế.
Đồng thời, dự thảo quy định chặt chẽ hơn về miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo hướng người được miễn đào tạo nghề luật sư, miễn tập sư hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư hiện nay sẽ phải qua khóa đào tạo nghề ngắn hạn; quy định về kỳ thi luật sư quốc gia để cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; Bổ sung nghĩa vụ bồi dưỡng bắt buộc đối với luật sư về trách nhiệm nghề nghiệp và chủ trương, chính sách đảng, nhà nước có liên quan đến nghề luật sư.
Việc quy định về chế định luật sư tập sự và quy định chặt chẽ hơn về điều kiện miễn đào tạo nghề, miễn giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư để bảo đảm, nâng cao chất lượng luật sư, tăng cường trách nhiệm tự quản, vai trò quản lý của các Đoàn Luật sư
Dự thảo cũng làm rõ phạm vi cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, từ đó quy định chỉ luật sư mới được cung cấp dịch vụ pháp lý và chỉ tổ chức hành nghề luật sư được kinh doanh dịch vụ pháp lý; Quy định cụ thể hơn điều kiện hành nghề của luật sư nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài để thu hút các cá nhân, tổ chức có uy tín, thương hiệu vào hành nghề tại Việt Nam.
Bổ sung các quy định nhằm nội địa hóa các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài theo hướng giảm điều kiện bảo đảm có tối thiểu 02 luật sư nước ngoài có mặt và hành nghề 183 ngày trở lên trong khoảng thời gian liên tục 12 tháng để tạo cơ hội cho luật sư Việt Nam được phát triển thành luật sư thành viên hoặc trở thành người đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư đó.
Các quy định nói trên theo Bộ Tư pháp sẽ giải quyết một số vướng mắc của thực tiễn; Khắc phục vướng mắc của Luật Luật sư về một số quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư chưa được thống nhất, phù hợp thực tế và yêu cầu quản lý; tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức hành nghề luật sư hoạt động chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho luật sư Việt Nam làm việc tại các hãng luật, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài có cơ hội phát triển, đồng thời, khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài có kinh nghiệm, uy tín vào hoạt động tại Việt Nam.