Người luật sư cũng phải dồn hết tâm sức, nghiên cứu hồ sơ, đấu tranh với các cơ quan tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho người dân.
|
Nghề luật sư là thắp sáng niềm tin cho người dân (nguồn: Dân trí). |
Với những quốc gia phát triển, luật sư gắn với từng gia đình, từng doanh nghiệp, từng sự kiện pháp lý nhưng ở nước ta, hầu hết người dân chỉ tìm đến luật sư như tìm đến “cái phao” cuối cùng, tìm đến niềm hi vọng cho những bế tắc pháp lý của mình và gia đình.
Với ai vướng vào những rắc rồi pháp lý, đặc biệt là rơi vào vòng lao lý mới thấm thía rằng luật sư như một ngọn đèn ở cuối đường hầm, bao nhiêu niềm tin, bao nhiêu hy vọng dồn cả vào đấy.
Đáp lại hi vọng ấy, người luật sư cũng đã dồn hết tâm sức, nghiên cứu hồ sơ, đấu tranh với các cơ quan tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho người dân.
Hàng loạt những vụ án được giải quyết, hàng nghìn người thoát khỏi oan sai nhờ sự tham gia của luật sư như: luật sư Phạm Hồng Hải, luật sư Trần Vũ Hải gắn liền với kỳ án vườn điều; …Luật sư luôn đóng vai trò chính trong việc làm sáng tỏ hầu hết các vụ án oan, sai.
Những “chuyên gia pháp lý” với lòng yêu nghề, sự dũng cảm và tôn chỉ bảo vệ công lý đã đấu tranh bền bỉ, “mưu trí” để chỉ ra những chứng cứ ngụy tạo, các vi phạm tố tụng nghiêm trọng, sự thật được làm sáng tỏ, bảo đảm công lý được thực thi, đó là nguồn năng lượng để thắp lên ngọn đèn hy vọng cho các thân chủ.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng: nghề luật không phải là nghề đổi trắng thay đen. Người luật sư cũng không có quyền năng để biến sai thành đúng, mà chỉ bảo vệ cho cái đúng.
Luật sư xoáy xoay vào các quy định pháp luật nhằm tìm ra những “lỗ hổng” để bảo vệ tốt nhất cho thân chủ góp phần bảo vệ công lý, giúp làm rõ sự thật khách quan của vụ án nhưng đó là sự “lách luật” chứ không phải làm trái pháp luật rồi che giấu để không bị phát hiện. Đồng thời giám sát nhằm đảm bảo quá trình tiến hành tố tụng diễn ra nghiêm minh, đúng pháp luật.
Đôi khi, con người ta có thể qua tất cả mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống nhờ có niềm tin, hy vọng. Chỉ cần có hy vọng thì dù trong lao ngục, trong đau khổ nhất, con người cũng có thể vượt qua, mỉm cười, giống như người tử tù Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn…
Phải có hy vọng, phải có niềm tin thì con người mới có sức mạnh để đấu tranh. Và nghề luật sư có thể tiếp thêm niềm tin ấy. Người dân tìm đến luật sư với niềm tin về sự trọn vẹn của công lý, lẽ phải. Còn người luật sư với cái tâm, cái tài của mình duy trì, thắp sáng lên ngọn đèn hy vọng kia. Dù rằng quá trình đấu tranh bảo vệ lẽ phải ấy có thể kéo dài hàng năm, thậm chí hàng chục năm.
Khi khách hàng đến với Luật sư trước hết vì họ ở đang vị trí cô thế trước các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc ít ra là cô thế ngay trước đối phương của mình; sau nữa vì họ cần tìm một sự bảo đảm về mặt tinh thần vì họ tin ở khả năng chuyên môn của Luật sư.
Những rắc rối pháp lý cùng áp lực khi tham gia tố tụng và nỗi lo lắng vì sự thiếu hiểu biết của bản thân đã khiến cho khách hàng bối rối, bào mòn tinh thần của họ do đó, họ tìm đến luật sư để tìm lại niềm tin của mình. Việc gia cố tinh thần cho khách hàng sẽ là yếu tố vô cùng quan trọng, đặc biệt trong những vụ án hình sự.
Trong hoạt động tư vấn pháp lý, mặc dù số lượng người tìm đến luật sư trước khi tham gia các giao dịch còn khá khiêm tốn nhưng cũng đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây.
Rõ ràng rằng, luật sư tư vấn, hướng dẫn cụ thể trước khi thực hiện giao dịch bao giờ cũng cũng là giải pháp ít tốn kém nhất, an toàn nhất và an tâm nhất. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều người tìm đến dịch vụ luật sư tư vấn. Ở đây, họ không đứng trước sự yếu thế nào, cũng không trong hoàn cảnh khó khăn nhưng cái họ mua đó là sự an toàn cho tương lai.
Nghề luật chưa bao giờ là công việc dễ dàng, nông nổi, sự thắng thua của một vụ án chỉ trong tích tắc nhưng lại gắn liền với sự nổi - chìm của cả một đời người. Geothe (Đức) đã nói “có hai sức mạnh mang đến sự yên ổn: pháp luật và đạo đức”, luật sư là một thành phần đại diện của pháp luật, niềm tin của người dân gửi gắm vào luật sư đó là niềm tin gửi gắm vào sự công bằng và lẽ phải.