Nhà đầu tư bức xúc, đòi quyền lợi
Mới đây, gần một trăm người dân là nhà đầu tư Dự án FLC Grandhotel Hạ Long kéo đến Ban tiếp công dân của tỉnh Quảng Ninh, yêu cầu được trình bày sự việc và giải quyết những vướng mắc khi Chủ đầu tư Dự án FLC Grandhotel Hạ Long đã có dấu hiệu lừa dối khách hàng khi truyền thông sai sự thật, thổi phồng tính khả thi của Dự án FLC Grandhotel Hạ Long để lôi kéo khách hàng mua căn hộ nghỉ dưỡng có cam kết nguồn thu nhập nhưng đến này nhiều nhà đầu tư phải nhận qủa đắng buộc phải đấu tranh đòi quyền lợi.
Trả lời báo chí, ông Vũ Văn Chiến, Trưởng Ban tiếp công dân tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Liên quan tới vụ việc trên, đồng chí Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh đã 2 lần tiếp và lắng nghe ý kiến của công dân là nhà đầu tư Dự án FLC Grandhotel Hạ Long. Tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo về vụ việc.
Theo quy định của luật tiếp công dân thì đối với một vụ việc chỉ tiếp 1 lần. Nhưng riêng vụ này đã tiếp 2 lần và có văn bản chỉ đạo khắp nơi rồi. Hiện tại, vụ việc đang trong thẩm quyền giải quyết của Tòa án Nhân dân TP. Hạ Long.
Hiện đang có vướng mắc về đường hướng xử lý nên Tòa án Nhân dân TP. Hạ Long đã báo cáo Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Tòa án Nhân dân tỉnh đang xin ý kiến Ban thường vụ Tỉnh ủy”. Trưởng ban tiếp công dân tỉnh Quảng Ninh thông tin.
Tìm hiểu của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam được biết, Dự án FLC Grandhotel Hạ Long do Công ty cổ phần tập đoàn FLC (Công ty FLC) có địa chỉ tại cột 3, cột 8 phường Hồng Hải, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh được xây dựng từ 2017 đến năm 2019 thì hoàn thành.
Những người mua căn hộ đều được Công ty FLC cam kết thuê lại với tiền thuê 12%/ năm trong 8 năm đầu tiên khi dự án đi vào hoạt động trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sau đó chủ sở hữu căn hộ (CSH) và đơn vị quản lí vận hành chia theo tỷ lệ 85/15 lợi nhuận sau thuế.
Thực tế thì Công ty FLC chỉ định công ty FLC Hạ Long ký hợp đồng thuê và quản lí tài sản (HĐTTS) với CSH theo đúng cam kết như trên.
Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, đại diện một nhà đầu tư cho biết: “ Công ty cổ phần tập đoàn FLC (Công ty FLC) đã hứa hẹn những NĐT nào mua căn hộ sẽ được Công ty FLC thuê lại với tiền thuê cố định là 12%/năm, trong 8 năm đầu khi NĐT đã đóng đủ 95% tiền.
Công ty cam kết sẽ trả tiền thuê trong bất kỳ hoàn cảnh nào, không có trường hợp bất khả kháng. Sau 8 năm, thì hai bên sẽ chia sẻ lợi nhuận theo tỉ lệ 85/15.
Trong đó, NĐT được trả nhiều hơn, đồng thời các nhân viên bán hàng của Công ty FLC và các công ty BĐS mà FLC thuê để bán dự án này đều hứa hẹn, dự án sẽ được cấp sổ đỏ lâu dài vĩnh viễn chứ không phải 50 năm như một số dự án khác.
Trước khi ký hợp đồng mua bán (HĐMB), Công ty FLC thông qua một công ty khác đã ký kết một hợp đồng tư vấn với NĐT để những NĐT nào quan tâm đến căn hộ thì chuyển khoản trước cho công ty tư vấn này 1 khoản tiền tương đương 20-25% giá trị căn hộ. Lúc đó, Công ty FLC có cho NĐT xem HĐMB mẫu. Nhận thấy không có gì bất lợi, NĐT đồng ý ký hợp đồng tư vấn.
Sau đó, khi đã đủ điều kiện mở bán, Công ty FLC ký HĐMB với NĐT, nhưng nội dung có khác đôi chút với hợp đồng mẫu trước đây.
Một số NĐT thắc mắc thì không được nhân viên công ty giải thích đầy đủ. Do lo sợ không ký HĐMB thì mất số tiền đã đặt cọc thông qua hợp đồng tư vấn trước kia nên NĐT vẫn ký hợp đồng.
NĐT đã nộp đủ 95% số tiền giá trị căn hộ theo HĐMB và sau đó đã nhận bàn giao căn hộ vào tháng 01 năm 2019 ngay khi dự án hoàn thành.
Cũng trong khoảng thời gian này, Công ty FLC chỉ định Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Hạ Long (FLC Hạ Long) là đơn vị đứng ra khai thác vận hành dự án trên ký hợp đồng thuê và quản lý tài sản với NĐT, lúc này đã là chủ sở hữu (CSH) hợp pháp của căn hộ.
Theo hợp đồng thuê tài sản thì, Công ty FLC Hạ Long phải thanh toán tiền thuê cho CSH 1 năm 2 kỳ với lãi suất là 12%/ năm trong 8 năm liên tiếp trong bất kỳ hoàn cảnh nào kể từ khi bàn giao căn hộ cho Công ty FLC Hạ Long quản lí, vận hành.
Khi đến hạn thanh toán tiền thuê căn hộ kỳ 1 năm 2019 (vào tháng 6 cùng năm), Công ty FLC Hạ Long đã không thực hiện trả tiền theo cam kết.
Liên tiếp từ đó đến nay, Công ty FLC Hạ Long luôn viện dẫn các lí do khác nhau để trì hoãn và cố tình không trả tiền cho CSH như giao kết trong hợp đồng thuê tài sản.
Nhiều chủ sở hữu đã cùng nhau đi đòi quyền lợi nhiều lần nhưng không đạt kết quả. Mặc dù, rất nhiều chủ sở hữu hiện nay vẫn phải trả lãi ngân hàng vì trước đây đã thế chấp nhà hoặc chính căn hộ đó để vay tiền mua sản phẩm của Công ty FLC.
Báo cáo tài chính của Công ty FLC Hạ Long nói lên điều gì?
Theo báo cáo tài chính của Công ty FLC Hạ Long gửi Cục thuế Quảng Ninh, thì kể từ năm 2019 đến nay mỗi năm công ty đều có doanh thu trên dưới 300 tỉ đồng, riêng doanh thu cho thuê condotel trong 2019-2021 là từ 90 – 200 tỉ đồng.
Năm 2020 khách sạn đón 4000 khách quốc tế đến cách li có thu phí. Vậy mà khi đến hạn trả tiền thuê, Công ty FLC Hạ Long đều cho rằng do dịch Covid ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh nên đây là trường hợp bất khả kháng?
Để phù phép biến lãi thành lỗ nhằm thoái thác nghĩa vụ trả tiền thuê nhà, công ty FLC Hạ Long liên tục tăng giá vốn hàng bán và chi phí quản lí doanh nghiệp để báo cáo lợi nhuận âm.
Điển hình, doanh thu năm 2020 là 302 tỉ thì chi phí QLDN là 65 tỉ, trong khi đó doanh thu năm 2022 là 259 tỉ thì chi phí QLDN 87 tỉ? Cá biệt năm 2021 DT tăng 21% từ 302 tỉ lên 368 tỉ nhưng Chi phí QLDN tăng 300% từ 65 tỉ lên 195 tỉ ?
Không những thế năm 2019 Công ty FLC Hạ Long chuyển tiền cho các đối tượng khác vay số tiền 454 tỷ đồng. Đáng chú ý là những công ty kể trên đều là người nhà họ Trịnh Văn Quyết ở Vĩnh Thịnh hoặc có trụ sở ở chính trụ sở của FLC Landmark Lê Đức Thọ hoặc trong khuôn viên FLC Sầm Sơn.
Báo cáo tài chính thể hiện rõ, năm 2021 công ty FLC Hạ Long thế chấp toàn bộ tài sản và quyền tài sản phát sinh từ các HĐTTS ký kết giữa Cty FLC Hạ Long và CSH cùng các tài sản khác cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – CN Quảng Ninh lấy 600 tỉ.
Đồng thời cũng trong năm 2021, Công ty FLC Hạ Long chuyển tiền 750 tỉ về Công ty cổ phần tập đoàn FLC (Công ty FLC – Công ty mẹ góp 100% vốn vào công ty FLC Hạ Long) dưới dạng Hợp đồng đặt cọc thuê tài sản. Tuy nhiên khi đối chiếu sổ sách tại Công ty FLC thì không thấy bút toán 750 tỉ đồng này?
Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho biết: “Trong bản báo cáo tài chính của Công ty FLC Hạ Long có nhiều dấu hiệu gian lận báo cáo tài chính, điều chuyển tiền lòng vòng từ cho vay, góp vốn, mua các công cụ nợ giữa Công ty TNHH FLC Hạ Long với các Công ty trong hệ sinh thái thuộc tập đoàn FLC (Báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2019), có dấu hiệu vi phạm quy định về giao dịch liên kết không được phép thực hiện và tạo nhiều bút toán kế toán giả để phù phép ghi tăng chi phí được tính trừ khi xác định Thuế TNDN trên báo cáo tài chính biến lãi thành lỗ, lỗ ít thành lỗ nhiều nhằm mục đích chiếm đoạt tiền Thuế và tài sản của Chủ sở hữu”.
Trước những bức xúc kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ xói mòn lòng tin của dân vào doanh nghiệp, vào môi trường đầu tư của tỉnh, dư luận đang mong chờ những động thái từ Chính quyền tỉnh Quảng Ninh sớm ban hành những chỉ thị để hướng dẫn các cơ quan chức năng giải quyết vụ việc, tránh tình trạng tụ tập đông người, khiếu kiện tập thể gây mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Tags: