Biết người dân sẽ nhận được tiền đền bù từ dự án, nhiều đối tượng cho vay nặng lãi đã tìm đến, dụ dỗ cho mượn tiền.
Tin nên đọc
Quảng Ninh: Thiếu đồng nhất trong đền bù giải phóng mặt bằng
Phải có hóa đơn đám ma, 8 bệnh nhân sốc phản vệ do chạy thận mới được đền bù
Vụ 800m2 đất đền bù chưa nổi 200 triệu đồng: Đề nghị hủy bỏ quyết định thu hồi
"Khóc dở, mếu dở" vì trót ôm chung cư cũ chờ đền bù
Các đối tượng cho vay nặng lãi dụ dỗ hàng trăm hộ gia đình đồng bào thuộc diện được đền bù Dự án thủy lợi hồ chứa nước Nước Trong vay tiền với lãi suất 50% để mua sắm, tiêu xài.
Đến khi nhận được tiền đền bù thì bị cấn trừ, trả nợ với lãi suất “cắt cổ”. Điều này khiến không ít gia đình lâm vào cảnh nợ nần, cơ hội thoát nghèo tan tành.
|
Người dân thôn Nước Biếc đối mặt với trắng tay, nợ nần vì lãi suất “cắt cổ”. |
Lãi suất “cắt cổ”
Dự án thủy lợi hồ chứa nước Nước Trong được đầu tư xây dựng từ năm 2008. Vùng lòng hồ nằm ở hai xã Di Lăng và Sơn Bao (huyện Sơn Hà) và 4 xã Trà Phong, Trà Xinh, Trà Trung, Trà Thọ (huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi).
Tổng số hộ dân phải di dời là 450 hộ, số tiền đền bù là 342 tỷ đồng. Biết người dân sẽ nhận được tiền đền bù từ dự án, nhiều đối tượng cho vay nặng lãi đã tìm đến những nơi này, dụ dỗ người dân với lời ngon ngọt: “Muốn mượn bao nhiêu cũng được, khi nào nhận tiền đền bù thì trả”.
Bị đánh đúng tâm lý, nhiều gia đình mạnh tay mượn tiền mua sắm hoặc ném vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Đến ngày nhận tiền đền bù, họ mới ngơ ngác, choáng váng khi bị các chủ nợ đến nhà đòi tiền ngay trên tay vì món nợ trước đó.
Ông Đinh Văn Nhít - Trưởng thôn Nước Biếc (xã Trà Thọ) cho biết, có khoảng 20/37 hộ dân đã vay mượn tiền của tư thương, với lãi suất rất cao, chủ yếu để mua sắm, ăn chơi, nhậu nhẹt.
Khi nhận tiền đền bù đến hàng trăm triệu đồng nhưng vẫn không đủ trả nợ. Bó gối trong căn nhà trống hoác, anh Đinh Văn Khánh (30 tuổi, ngụ thôn Nước Biếc) vẫn còn tiếc ngẩn ngơ vì chiếc xe máy mới mua vừa bị siết nợ.
Anh cho biết, khi biết tin đất của gia đình nằm trong diện được đền bù, nhiều người lạ đã đến đưa tiền cho anh tiêu xài. Họ nói cứ xài thoải mái, muốn lấy bao nhiêu cũng có nên anh chẳng nhớ mình mượn bao nhiêu tiền.
Chỉ đến khi được nhận tiền đền bù, anh mới biết mình nợ cả vốn lẫn lãi lên đến 400 triệu đồng. “Cứ cần là họ đưa, họ bảo cứ xài đi. Lấy tiền cũng không cần giấy tờ gì nên tôi cứ lấy.
Ai ngờ nhận đền bù xong thì họ đòi 400 triệu đồng, mới xin trả được 40 triệu thôi. Không đủ tiền trả thì họ xiết đồ. Giờ phải bán thêm 2 ha đất rừng để trả chứ không là khó sống”, anh Khánh buồn bã cho biết.
Vợ chồng ông Đinh Văn Trăm (60 tuổi, ngụ thôn Tre, xã Trà Thọ) vừa nhận hơn 700 triệu đồng đền bù từ dự án, nhưng công việc của ông vẫn như cũ, quẩn quanh một chỏm lúa rẫy để lấy gạo ăn và vài ha rừng để trồng cây.
Thu nhập ít ỏi, không đủ chi tiêu, khoản tiền đền bù cao ngất như một ánh sáng hy vọng cho gia đình ông. Nhưng sau niềm vui ngắn ngủi, ông ngỡ ngàng chua xót khi vừa nhận về thì người lạ đã đến nhà đòi nợ.
Trò chuyện mới hay, trước khi nhận được tiền đền bù từ dự án, con trai ông đã vay tiền của các đối tượng cho vay nặng lãi với lãi suất 50%.
Thế là số tiền nhận được mang ra trả nợ cả gốc lẫn lãi, gia đình lại rơi vào cảnh trắng tay. “Con tôi lấy cái gì tôi cũng không biết. Nhiều người lạ đến đây bảo tôi trả tiền, tôi lấy tiền đất được đền bù gửi trong sổ tiết kiệm để trả. Giờ tôi buồn lắm. Cơm ăn cũng không có, cơm nguội cũng không”, ông Trăm buồn bã nói.
Cùng tâm trạng với ông Trăm, ông Hồ Văn Tập (57 tuổi, ngụ thôn Tre) cho biết: “Tôi có biết gì đâu, bọn người lạ xuất hiện bảo tôi là có vay tiền xài không, vay thì họ cho vay, không cần trả gấp. Họ bảo sau này nhận tiền đền bù dự án rồi trả lại cũng không sao.
Vậy nên tôi cứ mạnh tay vay rồi xây nhà mới, mua sắm vật dụng trong nhà. Bây giờ nhận tiền, họ tới nhà đưa sổ ra bảo có tên tôi vay, có chứng cứ hẳn hoi trong sổ, cứ vay một triệu thì phải trả một triệu rưỡi. Tôi nhận hơn 600 triệu giờ phải trả hết không còn đồng nào cả”.
Tuyên truyền nhưng… bất lực
Theo ông Hồ Tấn Vũ - Chủ tịch UBND xã Trà Thọ, địa phương có 158 hộ nhận đền bù hồ thủy lợi, tổng 3 đợt là 39 tỷ đồng. Trong đó có 19 tỷ đồng đầu tư khu tái định cư, 20 tỷ đồng được trao cho người dân. Khoảng 80% người dân nhận tiền đền bù đã vay tín dụng đen lãi suất 50%.
Nhiều người trả nợ xong lâm vào cảnh tay trắng. “Đa phần những người vay là người trẻ. Họ vay để mua xe máy, điện thoại xịn và đổ vào những cuộc chơi bời quán xá. Cha mẹ không hề hay biết. Một số người nhận tiền đền bù cách đây hơn 1 tháng, họ liền bị chủ nợ giành giật tiền trên đường về”, ông Vũ cho biết.
Nói rồi, ông Vũ cho biết thêm: “Chính quyền rất đau xót, khi những đồng tiền hỗ trợ, đền bù của dự án cho người dân lại rơi vào tay kẻ xấu. Về thực trạng này, chính quyền các cấp cũng tuyên truyền đến người dân nằm trong diện được đền bù nhưng bất lực”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, huyện Tây Trà phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 75%. Số tiền đền bù từ dự án thủy lợi hồ chứ nước Nước Trong cho mỗi hộ gia đình sẽ giúp đồng bào có cuộc sống tốt hơn ở nơi tái định cư.
Tuy nhiên, vấn nạn tín dụng đen đã làm cái nghèo đeo bám dai dẳng trên những làng bản của bà con vùng cao. Ông Hoàng Như Lâm - Phó chủ tịch huyện Tây Trà: “Chỉ tính trong tháng 9/2017, đã có 160 hộ dân ở huyện đã nhận đền bù bổ sung hơn 60 tỷ đồng, thì gần 2/3 gia đình phải trả nợ cho các ông chủ, bà chủ cho vay nặng lãi từ những năm trước đó.
Theo thông tin sơ bộ thì đây là những giao dịch giữa người dân với nhau, lãi suất chưa rõ ràng. Chúng tôi đang yêu cầu lực lượng công an điều tra làm rõ”.
Thiết nghĩ, trước tình trạng này, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh tay để ngăn chặn triệt để vấn nạn cho vay lãi suất “cắt cổ” này.
Từ đó, giúp người dân tái định cư đến nơi ở mới có được nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống lâu dài.