Sáng 13/04, Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) đã chính thức công bố phương pháp “Chống tái sử dụng ma túy bằng liệu pháp tâm lý” và bộ tài liệu “Qui trình điều trị nghiện khép kín” sau 3 năm nghiên cứu và đưa vào triển khai, ứng dụng tại Việt Nam.
|
PGS.TS.Mạc Văn Trang phát biểu khai mạc chương trình. |
Theo PGS.TS.Mạc Văn Trang - Viện trưởng Viện PSD, phương pháp mới có thể đáp ứng được tỷ lệ cai nghiện thành công lên tới 60%, mở ra hướng đi mới trong điều trị chống tái nghiện.
Cũng theo PGS.TS.Mạc Văn Trang, phương pháp “Chống tái sử dụng ma túy bằng liệu pháp tâm lý” gồm 4 giai đoạn chính bao gồm: Tư vấn đầu vào; Cắt cơn, phục hồi thể chất và tâm lý; Chống tái sử dụng ma túy bằng biện pháp tâm lý và Hỗ trợ học viên tái hòa nhập xã hội.
Trong đó giai đoạn thứ 3 là giai đoạn quan trọng nhất giúp người nghiện hình thành, củng cố động cơ cai nghiện; giải quyết các rối loạn thể chất và tâm lý do dùng ma túy; đào tạo kĩ năng chống lại các tình huống gây căng thẳng tâm lý.
Bên cạnh đó, giai đoạn này cũng giúp người nghiện phục hồi cảm xúc tích cực, có ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Sau đó người nghiện sẽ được khôi phục kĩ năng lao động, học tập, hình thành mối quan hệ tích cực, tiến tới hòa nhập với gia đình, cộng đồng.
|
Anh Trần Lê Tuấn và mẹ. |
Chia sẻ với Phapluatplus.vn về hiệu quả của phương pháp trên, anh Trần Lê Tuấn (38 tuổi, Hà Nội), người “dính” vào ma túy từ năm 18 tuổi, trải qua hơn 10 năm với 6 lần cai nghiện không thành công, anh được coi là một trong những trường hợp khó cai nghiện nhất tại PSD cho biết: “PSD đã thay đổi được suy nghĩ của tôi, từ lúc không có lòng tin rằng mình có thể cai nghiện được tôi đã đứng lên và chứng minh cho mọi người thấy người nghiện hoàn toàn có thể hoàn lương”.
Được biết, khi đến với PSD, anh Tuấn chỉ mất có 6 tháng để thoát khỏi căn bệnh xã hội này. Chia sẻ dấu mốc quan trọng của cuộc đời, anh Tuấn nói: “Ngày 31/1/2015 tôi chính thức đoạn tuyệt được ma túy”.
Như vậy, với những kết quả thành công trong công trình nghiên cứu của viện PSD, hy vọng rằng những người nghiện và gia đình bệnh nhân sẽ có thêm một sự lựa chọn để giúp con em mình quay trở lại, hòa nhập với cuộc sống bình thường.