Phương án giao khác mức bằng hầm chui là khả thi nhất, nhưng có ưu điểm, hạn chế khác nhau được mổ xẻ trong mắt các chuyên gia giao thông vận tải.
Ngày 5/5, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Đà Nẵng phối hợp Liên hiệp các hội KH&KT TP Đà Nẵng, Hội KHKT Cầu đường Đà Nẵng tổ chức Hội thảo về giải pháp thiết kế tổ chức giao thông nút giao thông phía Tây cầu Rồng và cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý.
Chia sẻ trong buổi hội thảo, ông Bùi Hồng Trung - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết, hiện tại có 18 vị trí ùn tắc cục bộ tại các nút giao thông, chưa kể nút giao dọc đường sắt, đường bộ, nút giao nằm trên tuyến quốc lộ, đường cao tốc do Trung ương quản lý.
|
Hội thảo liên quan giải quyết ùn tắc giao thông tại TP Đà Nẵng trong tương lai. |
Đặc thù TP Đà Nẵng đều đi qua trục Bắc Nam theo hướng Trần Phú, Ngô Quyền đi qua các cầu: sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Thuận Phước... Tại các nút giao thông thường xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Với tốc độ tăng trưởng lưu lượng xe như hiện tại (khoảng 14,5 %/năm), tình trạng ùn tắc giao thông nút sẽ diễn ra thường xuyên trong 1-2 năm tới.
Quan điểm thiết kế: Hạn chế tối đa cảnh quan khu vực (đặc biệt khu vực Cổ viện Chàm, cầu Rồng), hạn chế phân tán lưu lượng, công tác GPMB, không ảnh hưởng dòng chảy sông Hàn, cũng như giá thành hợp lý.
Trước đó, có phương án cùng mức hay khác mức bằng cầu vượt, nhưng kinh phí xây dựng quá đắt đỏ, khả năng thông hành công cao hay kiến trúc ảnh hưởng cảnh quan nên không xem xét các phương án này. Phương án giao khác mức bằng hầm chui là khả thi nhất, nhưng cũng có ưu điểm, hạn chế khác nhau.
|
Ông Lê Văn Trung - Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng chia sẻ về các phương án. |
Liên quan các phương án, ông Lê Văn Trung - Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, về việc cải tạo nút giao thông phía Tây cầu Rồng có 3 phương án. Tuy nhiên, phương án giao khác mức bằng hầm chui tại nút được xem là phù hợp nhất.
Trong quá trình khảo sát các đơn vị Tư vấn tập trung nghiên cứu đưa ra 2 nhóm phương án chính: Phương án xây dựng 1 hầm cộng Nút tín hiệu giao thông và phương án xây dựng 2 hầm đơn riêng biệt.
|
Phương án giao khác mức bằng hầm chui là khả thi nhất, nhưng cũng có ưu điểm, hạn chế khác nhau. |
"Tư vấn kiến nghị chọn 2 hầm gồm đơn gồm 1 hầm nối liền đường Trần Phú với đường 2/9 (dài 120m) và 1 hầm nối liền Bạch Đằng nối dài - đường 2/9 đến Bạch Đằng (dài 120m). Chiều dài đoạn hầm hở mỗi bên từ 110 - 135m; bề rộng mỗi hầm 8m. Đóng dải phân cách và xóa bỏ hoàn toàn giao cắt tại nút giao. Kinh phí xây dựng thep phương án này dự kiến 350 tỷ đồng", ông Trung cho biết.
Về nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý được Tư vấn kiến nghị chọn phương án tổ chức nút giao khác mức 3 tầng gồm: Hầm chui bắt đầu từ Bộ chỉ huy QK5 chui qua nút Núi Thành kéo dài qua 2/9 và tiếp tục chui dưới nút đường Bạch Đằng nối dài, kết thúc cách đầu cầu Trần Thị Lý 175m. Cầu vượt thép thiết kế theo hướng trục đường 2/9. Phương án này có kinh phí dự kiến khoảng 520 tỷ đồng.
Các chuyên gia nói gì về các phương án?
Ngay sau thuyết trình của Sở GTVT TP Đà Nẵng, hội trường sớm nóng lên theo từng ý kiến của các chuyên gia có mặt tại hội thảo. Mở đầu cuộc thảo luận, ông Nguyễn Thành Tiến - Phó Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng đánh giá: Quan điểm nghiên cứu thiết kế, đã khác mức thì phải thông suốt, thiết kế chưa nói đến yếu tố phát sinh: chưa có tuyến ven biển ở đâu, như thế nào trong việc kết nối Đông Tây.
Thứ 2, phải tính rõ hơn khu vực nhu cầu kết nối Đông Tây như thế nào. Bao nhiêu lượng xe đi qua hệ thống trục này để dừng lại khu vực ở phía Đông, đi vào Hội An, phát sinh tại khu vực tây Cầu Trần Thị Lý...
|
Ông Nguyễn Thành Tiến - Phó Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng phát biểu. |
Khả năng ùn tắc toàn phát sinh tại nhu cầu tại chỗ (khu nhà hàng tiệc cưới đường 2/9)... để biết khả năng xử lý. Ví dụ việc di chuyển từ Đà Nẵng vào Hội An có lưu lượng lớn để có phương án tính từ xa.
Rõ ràng giao thông Đà Nẵng có những thuận lợi: khả năng phân luồng đa dạng (HN, TP HCM là xuyên tâm nên khó khăn bố trí GTVT nên phải sử dụng đường vành đai). Thiết kế các cầu khả năng thông hành xe gấp 2-3 lần so với thực tiễn.
Trừ cầu sông Hàn, khả năng thông hành lớn hơn thực tiễn và chỉ lo việc tổ chức phương tiện đi lại trên các tuyến. Từ đó, phải đánh giá toàn diện chứ không sơ bộ, phải dựa nhu cầu tương lai, đánh giá hết tính chất lưu thông Đông Tây gồm những đối tượng nào để phân tích, phân luồng.
|
Một trong những phương án hầm chui khác mức thiết kế nút giao thông Tây cầu Rồng. |
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giảng viên khoa kết cấu công trình, Đại học GTVT Hà Nội, phương án 2 hầm sẽ giải quyết tốt vấn đề ùn tắc. Tuy nhiên, hướng lưu thông từ sân bay Quốc tế Đà Nẵng về đường Bạch Đằng cần lưu ý để tránh việc trộn dòng phương tiện.
Cũng như từ đường Nguyễn Văn Linh muốn di chuyển qua đường Bạch Đằng sẽ phải vòng qua đường 2/9, xuống đường Bạch Đằng nối dài để qua hầm về đường Bạch Đằng. Dễ gây xung đột và trộn dòng tại vị trí đường 2/9 qua Bạch Đằng nối dài.
Vị trí nút giao cầu Trần Thị Lý, ông Nghĩa đề xuất có đường ven sông Hàn để tạo cảnh quan và giải quyết tốt ùn tắc. Như vậy cầu vượt ở nút giao này có thể không cần thiết, tiết kiệm được kinh phí. Đồng thời giảm diện tích hở của hầm để tăng diện tích sử dụng của mặt đường bên trên.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng cho rằng việc đầu tư hai hầm tách biệt tại nút giao Tây cầu Rồng cũng cần phải có phương án phân luồng từ xa để tránh xung đột chứ không phải chỉ giải quyết ngay tại trục chính.
"Nút giao cầu Trần Thị Lý làm nút giao thông khác mức 3 tầng là hợp lý. Nhưng cũng cần xem lại là làm ngay hay phân kỳ đầu tư. Nếu với 520 tỷ đồng mà làm được nút giao 3 tầng như vậy là quá tốt", ông Thọ nói.
|
Các chuyên gia có nhiều đóng góp xoay quanh các thiết kế được Sở GTVT đưa ra. |
Về quan điểm của mình, ông Đặng Hoàng Hiệp, Trưởng phòng thiết kế đường - Trung tâm tư vấn quốc tế Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) nhận định phương án hai hầm chui tại nút giao thông Tây cầu Rồng sẽ giải quyết được hiệu quả vấn đề ùn tắc giao thông của Đà Nẵng.
TEDI cũng đề xuất cần có phương án cụ thể để các phương tiện lưu thông một cách thuận lợi nhất như rút ngắn độ dài hầm để giảm chi phí đầu tư và khi các phương tiện rẽ trái đi lại cũng thuận lợi hơn.
Việc cải tạo nút giao thông Tây cầu Trần Thị Lý cần xem xét phân kỳ đầu tư. Giai đoạn một làm hầm, giai đoạn 2 mới xem xét làm cầu. Việc đầu tư hầm rất cần thiết vì nhà ga sân bay Quốc tế Đà Nẵng thì lúc đó lưu lượng phương tiện trên đường Duy Tân rất lớn. Còn cầu vượt thì cần xem xét vì ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh khu vực.