Ngày 29/5, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Huyền Như và Võ Anh Tuấn phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 1 ngàn tỷ đồng tiếp tục diễn ra. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank đã “phản pháo” lại những quan điểm của các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các nguyên đơn dân sự.
|
2 bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. |
Các luật sư nhắc lại nhận định của cấp sơ thẩm, theo đó Huỳnh Thị Huyền Như đã thực hiện các hành vi và thủ đoạn gian dối chiếm đoạt trót lọt 1.085 tỷ của 5 Công ty: Công ty SBBS 210 tỷ, Công ty Bảo hiểm Toàn cầu 125 tỷ, Công ty CK Phương Đông 380 tỷ, Công ty An Lộc 170 tỷ, Công ty Hưng Yên 200 tỷ. Từ hành vi lừa đảo này, Huỳnh Thị Huyền Như đã bị tuyên phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. HĐXX đã áp dụng khoản 1 Điều 42 BLHS 1999, buộc Huỳnh Thị Huyền Như phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho 5 Công ty.
Tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản“ mà TAND TP.HCM đã tuyên đối với Huỳnh Thị Huyền Như không bị Viện kiểm sát kháng nghị và Huỳnh Thị Huyền Như không kháng cáo nên căn cứ vào Điều 343 BLTTHS năm 2015 thì phần Bản án hình sự sơ thẩm số 56/2018/HSST về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Huỳnh Thị Huyền Như đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Về hình sự, Tòa đã khẳng định Huỳnh Thị Huyền Như có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 5 công ty và xác định rõ số tiền Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt của từng công ty. Trên cơ sở đó, Tòa tuyên Huyền Như phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho 5 công ty, trong đó có 4 công ty (nguyên đơn dân sự) có kháng cáo.
SBBS “sập bẫy” lãi suất, Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối dẫn dụ
Tranh luận về nội dung kháng cáo của Công ty SBBS, luật sư bảo vệ cho Vietinbank cho rằng, Huỳnh Thị Huyền Như đã có ý đồ chiếm đoạt tiền của Công ty SBBS ngay từ đầu và ý đồ này xuyên suốt toàn bộ chuỗi hành vi lừa đảo của Như. Nó thể hiện qua việc Huyền Như với tư cách cá nhân đã giả danh Vietinbank Chi nhánh Nhà bè thỏa thuận với Vũ Thị Mỹ Linh là Kế toán trưởng Công ty SBBS về việc gửi tiền vào Chi nhánh Nhà Bè với lãi suất cao: lãi suất được ghi trong hợp đồng là 14%, lãi suất chênh ngoài hợp đồng và tiền % cho Linh và Vũ Minh Hải (nhân viên Công ty CP CK Ocean Bank – người giới thiệu Như với Linh) là 16% đến 18%/năm và sẽ được trả ngay sau khi tiền chuyển vào tài khoản thanh toán.
Sau khi thỏa thuận với Huyền Như, Vũ Thị Mỹ Linh đã báo cáo lãnh đạo Công ty SBBS là bà Stephine Yei (hay Yei Pheck Joo), Tổng giám đốc và ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc tài chính về việc ủy thác đầu tư vốn cho NHCT- CN Nhà Bè, lãi suất từ 16-21%; lãi suất ghi trong hợp đồng là 14% và đã được bà Joo, ông Long chấp thuận.
Về vấn đề này, Vũ Thị Mỹ Linh khai nhận đã thỏa thuận với Huyền Như từ trước với lãi suất dao động từ 17% đến 23%/năm tùy từng thời điểm... và đã báo cáo với lãnh đạo công ty mức lãi suất từ 16% đến 21% tùy theo từng hợp đồng, còn phần chênh lệch lãi suất còn lại anh Vũ Minh Hải là người nhận tiền và chia lại cho Linh.
Thỏa thuận trên là “thỏa thuận ngầm”, bất hợp pháp giữa cá nhân Huỳnh Thị Huyền Như giả danh CN Nhà Bè với Kế toán trưởng Vũ Thị Mỹ Linh, thể hiện ý đồ nhằm vào tiền của SBBS và cũng là thủ đoạn của Như để thực hiện mục đích chiếm đoạt tiền của Công ty SBBS.
Sau khi thỏa thuận với Công ty SBBS, biết SBBS đã “sập bẫy” lãi suất, Huyền Như đã tiếp tục các thủ đoạn gian dối dẫn dụ Công ty SBBS làm theo sự sắp đặt của mình để chiếm đoạt cho được tiền của Công ty SBBS bằng cách làm giả nhiều Hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Công ty SBBS với Vietinbank-CN Nhà Bè rồi chuyển cho Công ty SBBS để ký.
Do tin Như nên từ ngày 18/5/2011 đến ngày 16/8/2011, Tổng Giám đốc Công ty SBBS (bà Yei Pheck Joo) đã ký 14 Hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giả (với tổng số tiền là 245 tỷ đồng), lãi suất ghi trong hợp đồng là 14%/năm.
Để Công ty SBBS tin mà ký tiếp các hợp đồng giả và chuyển tiền vào TKTT, Huyền Như đã dùng tiền cá nhân thanh toán tiền lãi chênh theo hợp đồng giả cho Công ty SBBS ngay sau khi Công ty SBBS chuyển tiền vào TKTT theo từng Hợp đồng giả với tổng số tiền là 4,2 tỷ đồng. Như cũng dùng tiền cá nhân thanh toán cho Công ty SBBS 7,126 tỷ đồng tiền lãi 14% hàng tháng. Tổng số tiền lãi suất chênh và lãi 14% theo các Hợp đồng giả Như đã thanh toán cho Công ty SBBS là hơn 11 tỷ đồng. Như cũng dùng tiền cá nhân thanh toán 9,9 tỷ đồng tiền % cho Vũ Thị Mỹ Linh, ngoài ra như còn chi tiền % cho Vũ Minh Hải.
Trong quá trình giao dịch “ngầm“ với Huỳnh Thị Huyền Như, từ đầu đến cuối, Công ty SBBS đã liên tiếp có những lỗ hổng tạo điều kiện cho Như chiếm đoạt tài sản của Công ty, cụ thể: thỏa thuận giữa Công ty SBBS với Huyền Như để hưởng lãi suất chênh ngoài hợp đồng là trái pháp luật, vi phạm chế độ kế toán… Tổng Giám đốc Yei Pheck Joo đã bất cẩn, thiếu trách nhiệm ký nhiều Hợp đồng giả trong thời gian dài. Kế toán trưởng Vũ Thị Mỹ Linh vì vụ lợi đã thiếu trách nhiệm trong việc để xẩy ra việc Công ty SBBS ký, thực hiện Hợp đồng giả với Huỳnh Thị Huyền Như trong thời gian dài để Như lừa mất tài sản.
Luật sư phía Vietinbank cũng cho rằng, Vietinbank hoàn toàn không biết việc thỏa thuận “ngầm” về lãi suất vượt trần và giao dịch trái pháp luật giữa Công ty SBBS với cá nhân Huyền Như. Vietinbank không ký Hợp đồng UTĐTV với SBBS, không trả tiền lãi 14% và không trả tiền lãi chênh cho Công ty SBBS. Ngay sau khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, Vietinbank đã chủ động báo cáo cơ quan chức năng đề nghị điều tra làm rõ để xử lý.
Tóm lại, với những nội dung đã được trình bày và phân tích tại ba nhóm căn cứ trên đây, có thể khẳng định: Huỳnh Thị Huyền Như đã thực hiện các hành vi và thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của Công ty SBBS. Công ty SBBS đã thực hiện thỏa thuận ngầm, giao dịch bất hợp pháp với cá nhân Huỳnh Thị Huyền Như. Do lòng ham lãi suất cao nên đã “sập bẫy” của Huyền Như. Do vậy Vietinbank hoàn toàn không có trách nhiệm bồi thường cho Công ty SBBS, mà nghĩa vụ đó thuộc về Huyền Như như bản án sơ thẩm đã tuyên.
Nguyên đơn không có quyền kháng cáo về tội danh
Đối đáp với luật sư của Công ty CPCK Phương Đông khi cho rằng bị cáo Như phạm tội tham ô và để nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại, luật sư phía Vietinbank cho rằng, ý kiến này của Luật sư là trái với quy định tại Điều 63 và Điều 330 BLTTHS vì nguyên đơn không có quyền kháng cáo về tội danh và hơn nữa phần Bản án sơ thẩm về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản“ đối với bị cáo Như đã có hiệu lực pháp luật do không bị kháng nghị và bị cáo Như không kháng cáo. Phần bản án có hiệu lực này chỉ có thể được xem xét ở cấp phúc thẩm nếu việc xem xét đó theo hướng giảm nhẹ cho bị cáo mà không được phép xem xét làm bất lợi cho bị cáo.
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.