Chiều 13/12, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo xây dựng Dự thảo Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác giám định tư pháp (GĐTP). Cùng dự có Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và đại diện nhiều đơn vị của các cơ quan tham gia ký kết Quy chế tới đây.
7 nội dung phối hợp về GĐTP
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến cho biết, quan hệ phối hợp giữa ngành Tư pháp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quản lý GĐTP được quan tâm, cải thiện một bước nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập.
Chẳng hạn như một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa quan tâm, phối hợp với Bộ Tư pháp cũng như các bộ, ngành quản lý lĩnh vực giám định trong công tác GĐTP; thông tin, phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp Trung ương và cấp tỉnh với ngành Tư pháp chủ yếu mang tính sự vụ; chưa kịp thời thông tin, phối hợp giải quyết nhiều vướng mắc, khó khăn trong tổ chức, hoạt động, quản lý GĐTP.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc phối hợp, thông tin giữa các cơ quan trưng cầu giám định với cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý chung về GĐTP và đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng đối với GĐTP thì việc xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác GĐTP đã được giao Bộ Tư pháp chủ trì.
Theo đó, sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện và sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TANDTC và VKSNDTC.
|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo xây dựng Dự thảo Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác giám định tư pháp. |
Cũng theo bà Yến, Dự thảo Quy chế dự kiến đưa ra 7 nội dung phối hợp gồm phối hợp trong xây dựng văn bản về GĐTP; phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc về GĐTP trong hoạt động tố tụng; phối hợp trong việc hướng dẫn thống kê và cung cấp thông tin, số liệu thống kê về GĐTP trong hoạt động tố tụng; phối hợp trong kiểm tra về GĐTP; phối hợp trong tổ chức họp giao ban liên ngành về GĐTP; phối hợp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về GĐTP; phối hợp trong cung cấp, trao đổi thông tin về GĐTP phục vụ họp, hội nghị và trong trường hợp cần thiết khác.
Về tổ chức thực hiện, Dự thảo Quy chế quy định cụ thể mỗi cơ quan chỉ định 1 đơn vị đầu mối trong phối hợp liên ngành về GĐTP; trách nhiệm của từng bộ, ngành; kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phối hợp…
Không kỳ vọng giải quyết hết các vướng mắc về GĐTP
Góp ý vào Dự thảo Quy chế, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (TANDTC) Nguyễn Chí Công đề nghị rà soát, cân nhắc nội dung phối hợp trong xây dựng văn bản về GĐTP bởi công tác xây dựng văn bản phải tuân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Liên quan đến quy định đầu mối trong phối hợp liên ngành hay cung cấp số liệu thống kê, ông Công cho rằng, trong bối cảnh tinh giản biên chế mà lượng án hàng năm đều tăng 10% thì nếu phát sinh đầu việc mới (thống kê về GĐTP trong tố tụng từ TAND cấp huyện trở lên) sẽ khó khả thi.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (VKSNDTC) Hoàng Thị Quỳnh Chi lại quan niệm thống kê liên ngành về GĐTP là một nội dung rất quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về GĐTP nên ngành Kiểm sát không “ngại” vấn đề con người.
Tuy nhiên, Quy chế cần quy định cụ thể sẽ phối hợp như thế nào, trong thời gian bao lâu, trách nhiệm ra sao; đồng thời đề nghị bổ sung một số bộ tham gia ký kết Quy chế cũng như thêm một số nguyên tắc phối hợp.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) Nguyễn Duy Ngọc đánh giá, Dự thảo Quy chế đáp ứng được yêu cầu hiện nay khi mà có nhiều vấn đề nổi lên trong công tác GDTP như văn bản đang thiếu, số lượng người và chất lượng chưa đảm bảo, ngân sách phục vụ khó khăn.
Bộ Công an đã nhất trí cử cơ quan đầu mối là Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp nhưng theo ông Ngọc, phải quy định thời gian thống kê để thống nhất thực hiện.
Cá nhân ông Ngọc lại mong muốn Bộ Tư pháp rà soát giúp những văn bản thiếu trong hoạt động giám định để phục vụ công tác này, nhất là chuẩn hóa quy chuẩn của các bộ, ngành…
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh vai trò của Quy chế là nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa Luật GĐTP; tăng cường phối hợp, nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan và đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Qua các ý kiến thảo luận, Bộ trưởng vui mừng nhận thấy các đại biểu đã thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Quy chế, về hình thức văn bản.
Theo Bộ trưởng, với Quy chế này không nên kỳ vọng sẽ giải quyết hết các vướng mắc hiện hành về GĐTP. Do đó, cơ quan ký kết Quy chế không mở rộng nhưng sẽ bổ sung một quy định về mời các cơ quan khác tham gia trong một số trường hợp.
Cam kết thực hiện trách nhiệm của Bộ Tư pháp đối với công tác GĐTP, trong đó có hoạt động, Bộ trưởng khẳng định, việc thống kê và thông tin liên ngành về GĐTP vô cùng quan trọng, được coi là “dữ liệu đầu vào, cần thiết” để các bộ, ngành biết và đánh giá những mặt tốt, không tốt của công tác này.