Chục năm gần đây, có thể thấy, các nhà làm phim trẻ, làm phim độc lập xuất hiện ngày càng nhiều. Họ có thể chuyên và không chuyên nghiệp nhưng đều có chung một niềm đam mê với môn “nghệ thuật thứ 7”.
|
Các đạo diễn, quay phim chia sẻ quá trình làm phim. |
Với sự nhiệt huyết và năng động, những nhà làm phim này đã đem đến cho nền Điện ảnh Việt Nam sự phong phú về nội dung, hình ảnh chất lượng và họ dám “liều mình” “mang chuông đi đánh xứ người”. Những “tiếng chuông” ấy ngày một vang xa, mang lại niềm tự hào cho Điện ảnh Việt Nam.
“Ai cũng có thể làm phim” nếu có đam mê
“Ai cũng có thể làm phim” là chủ đề của sự kiện điện ảnh vừa được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Việt Nam thu hút nhiều bạn trẻ yêu môn “nghệ thuật thứ 7” tham dự. Sự kiện có sự tham gia của 3 diễn giả: Đạo diễn Lương Đình Dũng, NSND Lý Thái Dũng - Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, Tùy viên nghe nhìn 5 nước Đông Nam Á của Đại Sứ Quán Pháp - Mr. Federic Alliod.
Đạo diễn Lương Đình Dũng - người đã đoạt giải “Phim Châu Á xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Iran FIFF lần thứ 36, thành viên lựa chọn phim quốc tế của LHP quốc tế Black Nights, đồng thời là đại diện của Điện ảnh Việt Nam tham dự Giải Oscar lần thứ 90 chia sẻ với các bạn trẻ hành trình từ một công nhân thợ rèn, đào đá đỏ, công nhân bốc vác đến đạo diễn phim nhằm khích lệ và cổ vũ tinh thần cho các bạn vượt qua khó khăn và kiên trì theo đuổi đam mê của mình.
Trước nạn xâm hại tình dục trẻ em, Đạo diễn Lương Đình Dũng đang thực hiện Dự án phim “578” về đề tài ấu dâm. Đạo diễn thẳng thắn cho rằng, với slogan: “Bộ phim của chúng ta - tiếng nói của chúng ta”, tôi mong “578” về đề tài ấu dâm sẽ là tiếng nói của cả cộng đồng”.
Trong sự kiện, ekip phim “578” cũng chính thức giới thiệu phim ngắn “Câm lặng” - câu chuyện gây xúc động mạnh về đề tài ấu dâm. “Câm lặng” là một trong chuỗi clip viral được ra mắt khán giả, song hành Dự án phim hành động “578” nhằm lan tỏa thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng về ngăn chặn nạn xâm hại tình dục trẻ em.
Chục năm gần đây, có thể thấy, các nhà làm phim trẻ, làm phim độc lập xuất hiện ngày càng nhiều. Họ có thể chuyên và không chuyên nghiệp nhưng đều có chung một niềm đam mê môn “nghệ thuật thứ 7”. Những phim truyện dài như “Bi! Đừng sợ”. “Cha, con và...” (Phan Đăng Di), “Đập cánh giữa không trung” (Nguyễn Hoàng Điệp), “Cha cõng con” (Lương Đình Dũng)... đã lọt vào những LHP quốc tế danh giá như Cannes, Venice, Berlin… mà ít có một phim Nhà nước “rinh” được những giải thưởng lớn như vậy.
Ví như, tại LHP Quốc tế Arizona lần thứ 26 diễn ra ở Nhà hát Trung tâm TP Touson (Mỹ), phim “Cha cõng con” đoạt giải “Phim truyện nước ngoài xuất sắc nhất” và giải “Quay phim ấn tượng nhất” do Ban giám khảo bình chọn dành cho Nhà quay phim Lý Thái Dũng. Tại LHP Quốc tế Boston (Mỹ) lần thứ 15, “Cha cõng con” đã được vinh danh giải “Phim có cốt chuyện hay nhất”. Đây là một giải thưởng quan trọng của LHP có 3.218 phim tham dự đến từ nhiều quốc gia trên thế giới này.
Đạt giải thưởng cao, tất cả các nhà làm phim này đều có một điểm chung, họ đều tự xoay sở những khoản tiền tài trợ cùng với bỏ tiền túi của mình để thực hiện dự án phim hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng. “Kinh phí sản xuất một bộ phim độc lập thường khoảng 600.000 - 700.000 USD, nhưng rất hiếm dự án nào được đầu tư toàn bộ. Chúng tôi phải chia dự án ra để lấy tiền từ 3, 4 quỹ đi quay. Khi quay xong, lại xin tiền từ nhà đầu tư hoặc quỹ khác để làm hậu kỳ. Tiền từ các quỹ này rót cho dự án cao nhất là 200.000 USD và thấp nhất là 10.000 USD” - Đạo diễn Phan Đăng Di từng chia sẻ.
Sẽ có quỹ “Hình ảnh Việt Nam”
Mong có quỹ đầu tư vào điện ảnh để “nghệ thuật thứ 7” sẽ phát triển mạnh mẽ, Đạo diễn Lương Đình Dũng là thành viên Quỹ “Hình ảnh Việt Nam” cho hay, Quỹ sẽ ra mắt vào ngày ra mắt phim “578”. Theo đó, Quỹ “Hình ảnh Việt Nam” sẽ tập trung vào mục tiêu “Tất cả mọi người đều được quyền xem phim trên màn hình ảnh rộng dù ở bất cứ nơi đâu”.
Ban đầu Quỹ sẽ tập trung mở các khoá đào tạo điện ảnh cho tất cả học sinh trên toàn quốc, những nơi khó khăn, mong muốn từ đây “Hình ảnh Việt Nam” ở mọi nơi sẽ được xuất hiện nhiều hơn, đa dạng hơn và đáp ứng yêu cầu nghệ thuật nhiều hơn.
Song hành Quỹ cũng đầu tư mỗi năm 5 phim và đi theo cách riêng biệt, vừa đáp ứng khán giả trong nước về phim nghệ thuật và tập trung hướng đến đưa phim ra nước ngoài nhằm quảng bá Điện ảnh Việt Nam. Đạo diễn Lương Đình Dũng tự tin rằng trong 5 năm với 25 phim, Điện ảnh Việt Nam sẽ “phá lưới” và dành chiến thắng lớn tại các LHP và trước các khán giả quốc tế. Đó là cách quảng bá điện ảnh, văn hoá, con người Việt Nam hiệu quả và nhanh nhất.