Theo quy hoạch tỉnh Bình Dương tầm nhìn đến 2050, các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng sẽ được quy hoạch thành Khu vực 3, nhằm hình thành các khu công nghiệp thế hệ mới, thu hút phát triển mô hình đô thị - công nghiệp - dịch vụ sinh thái, bảo tồn và phát triển các hành lang sinh thái sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Thị Tính... tăng độ phủ xanh, phát triển năng lượng tái tạo.
Phú Giáo - Đô thị xanh
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh vừa ký ban hành Quyết định số 2973/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phú Giáo đến năm 2040.
Theo đó, phạm vi nghiên cứu theo địa giới hành chính huyện Phú Giáo với diện tích 54.443,85 hecta, gồm thị trấn Phước Vĩnh và 10 xã (An Bình, An Linh, An Long, An Thái, Tân Long, Phước Hòa, Phước Sang, Vĩnh Hòa, Tân Hiệp, Tam Lập).
Phía Bắc của huyện Phú Giáo giáp huyện Đồng Phú và huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; phía Nam giáp sông Bé và huyện Bắc Tân Uyên; phía Đông giáp sông Mã Đà và huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai; phía Tây giáp huyện Bàu Bàng.
|
UBND tỉnh Bình Dương định hướng phát triển huyện Phú Giáo đến năm 2040, phát triển theo hướng công nghiệp - đô thị, dịch vụ - nông nghiệp. |
Nhìn chung, đất đai, khí hậu và sông suối của huyện Phú Giáo rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp và ngành này đang trở thành một thế mạnh của huyện.
Tính đến nay, toàn huyện có hơn 500 trang trại chăn nuôi, trồng trọt, tạo lợi thế đưa nền nông nghiệp của huyện đi lên theo hướng sản xuất lớn.
Theo phê duyệt, thời hạn lập quy hoạch giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2040. Đến năm 2030 quy mô dân số khoảng 160.000 người; đến năm 2040 khoảng 240.000 người.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho biết, đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phú Giáo đến năm 2040 nhằm cụ thể hóa quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hình sự phát triển không gian toàn huyện, bao gồm sự phát triển của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, định hướng sử dụng đất, các đô thị, các khu chức năng hướng đến một đô thị xanh, đô thị sáng tạo hướng đến hiện đại và thông minh.
|
Huyện Phú Giáo sẽ là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng của tỉnh. |
UBND tỉnh Bình Dương định hướng phát triển huyện Phú Giáo đến năm 2030 theo hướng nông nghiệp - công nghiệp - đô thị, dịch vụ; đến năm 2040, phát triển theo hướng công nghiệp - đô thị, dịch vụ - nông nghiệp; là huyện cửa ngõ phía Đông Bắc của tỉnh, kết nối với tỉnh Bình Phước và khu vực Tây Nguyên; vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng của tỉnh, trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ đóng vai trò chủ lực, vùng sản xuất công nghiệp mới của tỉnh với định hướng phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với phát triển đô thị tại một số khu vực, đảm bảo phát triển kinh tế ổn định và bền vững, vùng bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo vệ cảnh quan sinh thái cho khu vực phía Đông Bắc tỉnh Bình Dương.
Bắc Tân Uyên – Cực phát triển phía Đông
Tại quyết định số 2947/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bắc Tân Uyên đến năm 2040, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt toàn bộ phạm vi nghiên cứu theo địa giới hành chính huyện Bắc Tân Uyên với diện tích 40.030,8 hecta; gồm 2 thị trấn Tân Thành, Tân Bình và 8 xã (Bình Mỹ, Tân Lập, Đất Cuốc, Tân Định, Hiếu Liêm, Lạc An, Thường Tân, Tân Mỹ).
Phía Bắc của huyện giáp huyện Phú Giáo và huyện Bàu Bàng; phía Nam giáp TP. Tân Uyên và sông Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai); phía Đông giáp sông Bé và sông Đồng Nai, phía Tây giáp TP. Bến Cát. Trong đó, thời hạn lập quy hoạch giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2040.
Theo dự báo, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 180.000 - 250.000 người; dự báo đến năm 2040 khoảng 300.000 người.
|
Huyện Bắc Tân Uyên trở thành thị xã Bắc Tân Uyên trong giai đoạn 2030 - 2040. |
Quyết định phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bắc Tân Uyên đến năm 2040 nhằm cụ thể hoá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được định hướng trong Quy hoạch tỉnh Bình Dương tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, xây dựng định hướng phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội; xây dựng huyện Bắc Tân Uyên thành cực phát triển phía Đông của tỉnh, gắn với hệ thống giao thông cấp vùng, đáp ứng mục tiêu đưa huyện Bắc Tân Uyên trở thành thị xã Bắc Tân Uyên trong giai đoạn 2030 - 2040.
UBND tỉnh định hướng phát triển Bắc Tân Uyên theo hướng công nghiệp - đô thị - nông nghiệp sinh thái, huyện cửa ngõ phía Đông của tỉnh, kết nối với tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp phía Đông của tỉnh, trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ đóng vai trò chủ lực, vùng sản xuất công nghiệp mới của khu vực phía Bắc tỉnh với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các khu vực sản xuất dọc theo các tuyến đường cấp vùng; vùng bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo vệ cảnh quan sinh thái cho khu vực phía Đông tỉnh Bình Dương.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương xác lập các giai đoạn nâng cấp đô thị Bắc Tân Uyên gồm 2 giai đoạn. Trước mắt đến năm 2030, trên địa bàn huyện có 4 đô thị gồm thị trấn Tân Thành đạt tiêu chí đô thị loại IV; thị trấn Tân Bình đô thị loại V; công nhận đô thị Bình Mỹ và đô thị Tân Lập là đô thị loại V; xây dựng các đô thị hiện đại và bền vững, hướng đến đô thị loại IV. Giai đoạn 2030-2050, nâng cao các tiêu chí của đô thị Bắc Tân Uyên đạt đô thị loại IV và thành lập thị xã Bắc Tân Uyên.
UBND tỉnh giao UBND huyện Bắc Tân Uyên có trách nhiệm lập đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bắc Tân Uyên đến năm 2040 theo đúng nội dung điều chỉnh nhiệm vụ được phê duyệt, đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
TP. Bến Cát phát triển đô thị dọc đường Vành đai 4
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt khu vực phát triển đô thị dọc đường Vành đai 4, TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương bao gồm một phần của phường An Tây, phường An Điền và xã Phú An. Thời hạn thực hiện dự kiến đến năm 2040, quy mô diện tích khoảng 2.702 ha.
UBND tỉnh Bình Dương giao UBND TP. Bến Cát thực hiện chức năng của Ban quản lý khu vực phát triển đô thị này.
Theo phê duyệt, khu vực phát triển đô thị dọc đường Vành đai 4 - TP Bến Cát với chức năng chính là khu đô thị cảng - logistic - dịch vụ, là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh, cửa ngõ kết nối với TP HCM qua tuyến giao thông Vành đai 4.
|
Khu vực phát triển đô thị dọc đường Vành đai 4 - TP Bến Cát với chức năng chính là khu đô thị cảng - logistic - dịch vụ, là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh. |
Sơ bộ khái toán tổng vốn đầu tư khu vực của 3 nhóm dự án là phát triển hạ tầng kỹ thuật khung, dự án hạ tầng xã hội khung, dự án phát triển đô thị.
Trong đó dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật khung thuộc một phần dự án Đường Vành đai 4 được xác định trong tổng vốn đầu của Dự án Đường vành đai 4, các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật khung trong ranh giới dự án phát triển đô thị được xác định trong tổng vốn đầu tư của các dự án phát triển đô thị.
Theo đó, dự án phát triển đô thị dự kiến khoảng 130 tỷ đồng, dự án hạ tầng xã hội khung dự kiến khoảng 3.406 tỷ đồng. Nguồn lực đầu tư cho phát triển đô thị đề xuất từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, xã hội hóa, trái phiếu.