Việc thu hồi tài sản của quan tham 10 năm qua đã gợi lên nhiều vấn đề đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải sớm có những chính sách, biện pháp để điều chỉnh.
GS-TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN, nhận xét những diễn biến trong phòng chống tham nhũng gần đây khiến người dân cả nước phấn khởi, song đối chiếu việc thu hồi tài sản 10 năm qua đã gợi lên nhiều vấn đề đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải sớm có những chính sách, biện pháp để điều chỉnh.
|
GS-TS Lê Hồng Hạnh - Ảnh: Hoàng Trang |
Theo GS-TS Lê Hồng Hạnh, tổng kết 10 năm thực thi luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) từ năm 2006 - 2016 cho thấy thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện gần 60.000 tỉ đồng và trên 400 ha đất. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi cho nhà nước chỉ khoảng gần 5.000 tỉ đồng và hơn 200 ha đất. Với mức thu hồi thấp như vậy và kéo dài trong suốt 10 năm thì chúng ta gần như đang gửi thông điệp: “Cứ tham nhũng đi vì các người cũng giữ cho mình đến xấp xỉ 90% tài sản tham nhũng được”.
“Chúng ta đang xử lý nhiều đại án tham nhũng, hết nghị quyết này đến nghị quyết khác được thông qua song vẫn liên tiếp có “biệt phủ ở Yên Bái”, có “tẩu tán nhân sự” ở Thanh Hóa, có “phố quan” ở Lào Cai, và nhiều vụ tham nhũng lớn vẫn liên tục xuất hiện trên báo chí. Gần như những người có cơ hội tham nhũng khá nhờn như vi rút nhờn kháng sinh rồi”, GS-TS Lê Hồng Hạnh nói.
Thực tế vừa qua cho thấy, nhiều vụ án tham nhũng khi bị phát hiện bắt giữ thì nhiều tài sản tham nhũng đã bị tẩu tán không có khả năng thu hồi, ông nhìn nhận như thế nào về việc này?
Nếu nói chân thành, là bi quan. Bi quan vì liệu với kết quả như thế này thì PCTN có thực sự mang lại những gì mà chúng ta kỳ vọng không, hay cuối cùng chúng ta cũng chỉ có thể làm được việc “cho thôi chức”, “cách chức nguyên này, nguyên nọ”. Muốn chống tham nhũng hiệu quả thì phải làm cho những người đã tham nhũng phải “nôn ra” hết, nôn sạch những thứ đã ăn bẩn của dân, của nhà nước, của doanh nghiệp và bản thân phải chịu tù tội. Còn những người đang muốn tham nhũng để “hy sinh đời bố, củng cố đời con, đời cháu” thì không còn dám làm điều đó.
Chúng ta phát hiện một quan chức đang giàu lên một cách bất thường, dạng như Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái thì có thể áp dụng biện pháp tạm giữ, phong tỏa, truy nguyên tức là truy xuất về nguồn gốc của tài sản đó, giữ đó cho đến khi có bản án rồi thì tịch thu nó |
Nguyên nhân việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp nằm ở đâu, thưa ông?Thẩm phán có dám truy tài sản của bí thư, chủ tịch?
Theo tôi, có khá nhiều nguyên nhân. Một là, sự minh bạch về tài sản. Tài sản các quan chức không được minh bạch từ khi được bổ nhiệm. Nếu minh bạch được từ đầu thì dễ dàng đối chiếu để xác định sự giàu lên bất minh của họ, từ đó thu hồi tài sản tham nhũng. Tôi sử dụng và nhấn mạnh thuật ngữ minh bạch mà không sử dụng thuật ngữ công khai. Cách công khai tài sản, cách thực hiện quy trình công khai tài sản như hiện nay không mang lại hiệu quả. Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái, chủ sở hữu “biệt phủ” ở Yên Bái chẳng đã công khai và làm đúng quy trình đó thôi. Minh bạch tài sản đòi hỏi anh không chỉ kê tài sản mà phải chứng minh được nguồn tài sản đó từ đâu chứ không phải đến lúc bị điều tra mới khai là “thừa kế của bố mẹ” hay do “em kết nghĩa tặng”, “do nuôi gà”, “làm chổi đót”... mà có.
Hai là, trong số gần 90% tài sản tham nhũng chưa thu hồi được này có một bộ phận được sử dụng để nuôi “bộ phận không nhỏ” các quan chức từ T.Ư đến địa phương. Chưa truy nguyên được đường đi của phần tài sản không nhỏ này thì làm sao thu hồi được. Đã đến lúc, tài nguyên đất nước, ngân sách nhà nước, dự án phát triển quốc gia, địa phương cần được giao cho các doanh nghiệp thông qua những cuộc đấu thầu minh bạch theo các tiêu chí trong các hiệp định WTO, FTA mà VN đã ký.
Thứ ba, vẫn là điều mà Công ước quốc tế về PCTN yêu cầu là VN cần phải đảm bảo cho tư pháp độc lập. Tư pháp có độc lập thì việc xét xử các vụ án tham nhũng mới thoát khỏi những chi phối tiêu cực. Thử hình dung, một thẩm phán huyện, tỉnh ở nước ta có đủ can đảm để truy nguyên tài sản của bí thư, chủ tịch, của giám đốc công an tỉnh, của bí thư, chủ tịch, trưởng công an huyện khi các vị này có dính đến tham nhũng.
Cuối cùng, chúng ta quá bị lệ thuộc vào nguyên tắc thu hồi phải có bản án của tòa án. Chờ khi tòa án xử xong, nếu qua cả ba giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm hay tái thẩm đã mất hàng năm trời thì những kẻ tham nhũng đủ thời gian, đủ thủ đoạn để tẩu tán tài sản. Như đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói “tẩu tán nhân sự” còn thực hiện được thì tẩu tán tài sản có khó khăn gì mà không thực hiện được.
Cơ chế đặc biệt nào để thu hồi tài sản tham nhũng ?
Hiện nay chúng ta đang gấp rút sửa đổi luật PCTN để khắc phục những hạn chế nói chung trong PCTN, từ góc độ là nhà nghiên cứu có quan tâm nhiều đến các chính sách pháp luật về PCTN, ông có những đề xuất gì?
Một là, cần nội luật hóa tối đa các quy định của Công ước quốc tế về PCTN nếu như các cơ quan thi thành pháp luật của VN chưa quen với việc áp dụng trực tiếp các công ước quốc tế. Hai là, các quy định pháp luật phải hướng đến việc truy nguyên nguồn gốc tài sản bất minh của bất cứ quan chức nào khi có những dấu hiệu giàu có bất thường. Ví dụ, con một lãnh đạo nào đó chưa tốt nghiệp đại học, chưa đi làm đã xài những siêu xe trị giá đến vài chục tỉ, sở hữu nhiều chung cư cao cấp thì e là có vấn đề về thu nhập từ bố, mẹ. Các cơ quan PCTN cần truy nguyên thu nhập của người bố, người mẹ, thậm chí cả những người thân khác. Cuối cùng là các quy định về PCTN cần phải được gắn với các quy định, các yêu cầu về minh bạch tài sản, coi đây là giải pháp vừa phòng tham nhũng, vừa thuận lợi hóa cho quá trình chứng minh tài sản, xác định sự giàu lên bất thường của những người nắm quyền lực, nắm tài sản, tài nguyên của đất nước, tức là thuận lợi hóa cho quá trình xử lý những kẻ đã tham nhũng.
Trong bối cảnh chống tham nhũng đang rất nóng hiện nay, để chờ hoàn thiện thể chế vốn phải theo một quy trình lâu dài và sẽ khó đáp ứng được yêu cầu. Liệu chúng ta có thể áp dụng những cơ chế đặc biệt nào đó?
Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng rất nhiều biện pháp thu hồi tham nhũng hiệu quả theo thủ tục tiền tư pháp, tức trước khi tòa án xét xử, nhất là các biện pháp phong tỏa, tạm giữ, truy nguyên tài sản tham nhũng. Đây là những giải pháp mà VN hoàn toàn có thể áp dụng. Chẳng hạn, chúng ta phát hiện một quan chức đang giàu lên một cách bất thường, dạng như Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái thì có thể áp dụng biện pháp tạm giữ, phong tỏa, truy nguyên tức là truy xuất về nguồn gốc của tài sản đó, giữ đó cho đến khi có bản án rồi thì tịch thu nó. Các giải pháp này được quy định rõ trong Công ước quốc tế về PCTN mà VN là thành viên.
Đối với các biện pháp trên, quan chức nào đó nếu không giải trình được nguồn gốc tài sản thì tòa án sẽ phong tỏa và buộc chứng minh tài sản đó được hình thành từ những nguồn gốc nào, nếu anh không chứng minh được sẽ bị khép vào hành vi làm giàu bất chính và bị điều tra về tham nhũng. Khi có bản án, tài sản của anh sẽ bị tịch thu hoặc để đảm bảo việc thi hành bản án sau này.
Kể cả như vậy thì việc thực hiện sẽ không dễ thưa ông, chẳng hạn trường hợp Trịnh Xuân Thanh mới đây ra đầu thú, nhưng nhiều tài sản khác đã bị chuyển nhượng thì việc truy liệu có ra?
Trong PCTN, đừng nghĩ viên đá được ném xuống ao bèo rồi thì thôi vì có thấy dấu vết gì nữa đâu. Với chống tham nhũng thì phải lặn tìm cho ra viên đá đó. Việc Trịnh Xuân Thanh đã bán một số bất động sản, chẳng hạn biệt thự ở Tam Đảo thì phải làm rõ việc chuyển nhượng này, giá trị ra sao. Nếu không tạm giữ được chỗ này cũng phải làm rõ những tài sản khác của ông ta hoặc người thân để kết luận tài sản này là di biến từ biệt thự ở Tam Đảo.
Di biến về tài sản tại VN quả thật là vấn đề phức tạp nhưng đây là đòi hỏi mà pháp luật phải hoàn thiện. Trong đó phải tính toán đến việc quy định các giao dịch về tài sản có giá trị lớn phải thông qua tài khoản, đồng thời cho phép các cơ quan thực hiện nhiệm vụ truy nguyên tài sản yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các tổ chức, cơ quan khác cung cấp số liệu về các giao dịch có dính đến tài sản tham nhũng. Các tổ chức này không được lấy lý do bí mật thông tin khách hàng hoặc thông tin nhạy cảm liên quan đến lãnh đạo để từ chối. Đây cũng là quy định của Công ước quốc tế về PCTN.