Thanh tra, kiểm tra, xử phạt, quản lý nhà nước… hàng loạt vấn đề cần chỉnh đốn trong câu chuyện an toàn thực phẩm. Nhưng theo góc nhìn của ĐB Dương Minh Ánh - TP Hà Nội - nước sông bị ô nhiễm trầm trọng, nguồn nước tưới bẩn thì làm sao có thực phẩm sạch?
|
ĐB Dương Minh Ánh - TP Hà Nội. |
Phát biểu trong phiên thảo luận về báo cáo giám sát của Quốc hội đối với ATTP, từ thực tế nơi cử tri của mình đang sinh sống, ĐB Dương Minh Ánh nói:
Để có được sản phẩm rau quả tươi sống và thực phẩm chăn nuôi sạch và an toàn thì trước nhất nguồn nước và môi trường đất, môi trường không khí phải được đảm bảo là sạch, nhưng hiện nay việc ô nhiễm môi trường nước đã trở nên rất trầm trọng tại khu vực 2 con sông Đáy và sông Nhuệ.
Đây là nguyên nhân gây ra nguồn thực phẩm hàng ngày, hàng giờ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt, sức khỏe của người dân ở 5 tỉnh từ Thành phố Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và tỉnh Hòa Bình.
Dẫn con số thống kê của các cục quản lý tài nguyên môi trường, ĐB cho biết: Năm 2016 trên toàn lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy mỗi ngày tiếp nhận khoảng 3.811 triệu m3 nước thải, trong đó nước thải từ trồng trọt và chăn nuôi chiếm 67%, khoảng 2,55 triệu m3 mỗi ngày, nước thải sinh hoạt chiếm 16% với 610.000 m3 mỗi ngày, nước thải công nghiệp là 16,68% m3 mỗi ngày, nước thải y tế chiếm 0,4% khoảng 15.000 m3 mỗi ngày. Nguồn nước thải ra ở khắp dọc sông và đang có xu hướng ô nhiễm ngày càng gia tăng.
Cụ thể tại sông Nhuệ, tình trạng nước bị ô nhiễm nghiêm trọng ở đoạn sông chảy qua địa phận Thanh Trì, tiếp giáp với sông Tô Lịch, tiếp đến huyện Thường Tín, huyện Phú Xuyên các thông số cơ bản đều vượt quy chuẩn cho phép đến hàng chục, hàng trăm lần.
Ở sông Đáy, chất lượng nước cũng bị ngày một suy giảm bởi tiếp nhận nước thải từ huyện Đan Phượng, Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ, với tình trạng ô nhiễm nêu trên không những sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và chất lượng sống của người dân 2 bên bờ sông mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và tỉnh Hòa Bình.
“Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 57 phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường khu vực sông Nhuệ, sông Đáy. Cùng với đó là sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương với hàng trăm dự án, công trình hạ tầng với mô hình bảo vệ môi trường được triển khai hướng tới mục tiêu năm 2020 sẽ đưa sông Đáy, sông Nhuệ trở lại sự trong sạch, nhưng tôi e rằng mục tiêu đó khó có thể đạt được như chúng ta mong muốn trong thời gian 3 năm tới đây.” – bà nói.
Theo ĐB, muốn giải quyết vấn đề thực phẩm sạch như rau, quả tươi sống, thực phẩm chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thì trước hết phải giải quyết dứt điểm nguồn nước tưới tiêu và môi trường đất sạch.
Phải tập trung mọi nguồn lực cùng với quyết tâm cao mới có hy vọng cải thiện được nguồn nước, cải thiện được đời sống người dân.
“Cử tri đang rất trông chờ ở Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sẽ vào cuộc sớm và quyết liệt hơn nữa thì mới mong giải cứu được 2 con sông, trả lại tên cho 2 dòng sông và cứu lấy cuộc sống, sức khỏe của 12 triệu người dân sống xung quanh khu vực ven sông", bà nói.