![]() |
4h sáng, trời còn mờ sương, tôi đi tập thể dục như thường lệ. Con đường vắng vẻ, chỉ có vài ánh đèn đường leo lét. Đang bước những bước nhẹ nhàng, tôi giật mình khi nghe tiếng gọi từ phía sau: Anh ơi, mua giúp em vé số ạ!
Tôi quay lại, bắt gặp một người đàn ông ngồi trên chiếc xe lăn cũ kỹ. Anh cười, một nụ cười hiền lành, nhưng khuôn mặt đầy vết khắc khổ. Trên chiếc xe lăn, anh Bị sốt bại liệt từ khi còn nhỏ cả hai tay, hai chân, chỉ còn đôi mắt sáng ngời và nụ cười như muốn xoa dịu sự tàn nhẫn của số phận.
Tôi hỏi em: Sao em đi bán sớm vậy?
Em trả lời bằng giọng thật thà: Em ở quê xa lắm,nhà nghèo không có tiền về quê ăn Tết. Ở lại đây, em chẳng làm gì được như người khác, chỉ bán vé số phụ lo với ba mẹ. Nhà em nghèo lắm, anh ạ!
Nghe những lời ấy, tôi không khỏi chạnh lòng. Giữa cái lạnh sớm mai của những ngày cuối năm trời se lạnh, hình ảnh em ngồi trên chiếc xe lăn, len lỏi qua những con đường để bán từng tờ vé số, khiến tôi suy nghĩ mãi. Em tàn tật, cơ thể không còn lành lặn, nhưng em không buông xuôi số phận. Em vẫn cố gắng, bằng tất cả sức lực và nghị lực còn lại, để kiếm từng đồng tiền chính đáng, phụ giúp gia đình.
Tôi chợt nghĩ đến những người mạnh khỏe nhưng lại chọn con đường không đúng, làm những việc không tốt cho xã hội, đôi khi còn gây tổn thương cho người khác. Họ có đầy đủ sức khỏe, khả năng để xây dựng cuộc sống, nhưng lại không biết trân trọng. Trong khi đó, những con người như em – Liệt đi cả tay chân, nhưng không mất đi ý chí – vẫn kiên cường từng ngày, từng giờ, để sống một cách đáng tự hào.
Nhìn theo bóng của em lăn chiếc xe đi xa, tôi thấy lòng mình trĩu nặng, nhưng đồng thời cũng sáng lên hy vọng. Em là minh chứng rằng, dù cuộc sống có khắc nghiệt đến đâu, con người vẫn có thể ngẩng cao đầu và bước tiếp, miễn là ta có lòng tin và sự cố gắng. Và từ nụ cười trên khuôn mặt của em,tôi học được bài học về giá trị của lao động chân chính và sức mạnh của ý chí con người. Xin chúc em năm mới nhiều sức khỏe nhiều niềm vui hơn em nhé.