Một vụ án cướp giật vé số do ba thanh thiếu niên thực hiện tại thành phố Rạch Giá đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tội phạm vị thành niên. Không chỉ gây thiệt hại về tài sản, vụ án còn đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục đạo đức, pháp luật cho giới trẻ.
 |
Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo là người chưa thành niên. (Ảnh minh họa) |
Chiều ngày 09/11/2024, Huỳnh Minh S (trên 16 tuổi) rủ Lê Thành T đi tìm những người bán vé số để cướp giật lấy tiền tiêu xài. T đồng ý và rủ thêm Lê Thành C (dưới 16 tuổi) cùng tham gia. Cả ba sử dụng xe mô tô để thực hiện hành vi cướp giật vé số, chẳng may bà Lê Thị M đang đi bán dạo trên đường Phan Thị Ràng, thuộc thành phố Rạch Giá đã trở thành nạn nhân.
Bị bất ngờ, bà M vừa chạy bộ đuổi theo vừa truy hô cướp nên các đối tượng nhanh chóng bị người dân bắt giữ. Tang vật thu được là chiếc xe gây án cùng 75 tờ vé số kiến thiết, trị giá 750.000 đồng.
C và S bị bắt giam để điều tra, truy tố và xét xử về tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại khoản 2 Điều 171 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù, do “Dùng thủ đoạn nguy hiểm” (xe mô tô), gây mất an toàn giao thông và có thể gây thương tích cho người bị hại. Còn Lê Thành T là người dưới 14 tuổi, chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên không bị khởi tố.
Trong vụ án này, trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang được chỉ định bào chữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hai bị cáo chưa thành niên: Huỳnh Minh S (là người bị buộc tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi) và Lê Thành C (trẻ em từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi).
Người bào chữa đã đưa ra các lập luận nhấn mạnh hoàn cảnh gia đình của các bị cáo: cha mẹ ly hôn từ khi các bị cáo còn rất nhỏ, thiếu sự quan tâm và giáo dục đầy đủ của người thân, trình độ học vấn thấp (S mù chữ, C chỉ học đến lớp 6). Những yếu tố này đã giúp Tòa án cân nhắc giảm nhẹ hình phạt, nhưng không nhằm phủ nhận trách nhiệm của họ trước pháp luật.
Việc có sự hỗ trợ từ trợ giúp viên pháp lý đã đảm bảo rằng các bị cáo được xét xử công bằng, không bị áp đặt mức án quá nặng so với khả năng nhận thức và hành vi phạm tội của họ. Điều này phù hợp với chính sách khoan hồng đối với người chưa thành niên phạm tội, nhằm tạo cơ hội cho họ cải tạo và tái hòa nhập xã hội.
Sau khi xem xét, cân nhắc toàn diện vụ án, ý kiến của Viện kiểm sát, lời bào chữa của trợ giúp viên pháp lý, xét các tình tiết giảm nhẹ “Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” và yếu tố lỗi một phần từ phía gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em; áp dụng chính sách đối với người chưa thành niên phạm tội, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Huỳnh Minh S 1 năm 6 tháng tù, Lâm Thành C 1 năm tù. Đây là mức án phù hợp, vừa mang tính răn đe nhưng vẫn tạo cơ hội cho các bị cáo cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng.
Vụ án này là một bài học sâu sắc không chỉ đối với hai bị cáo mà còn đối với những thanh thiếu niên khác. Việc thiếu sự quan tâm, giáo dục đúng đắn từ gia đình và nhà trường có thể đẩy các em vào con đường sai lầm.
Do đó, bên cạnh việc thực thi pháp luật nghiêm minh, gia đình, nhà trường và xã hội cần có các biện pháp hỗ trợ, phổ cập, xóa mù chữ, giáo dục và định hướng kịp thời để ngăn ngừa những trường hợp tương tự xảy ra.
Hy vọng rằng, sau khi hoàn thành thời gian cải tạo, Huỳnh Minh S và Lâm Thành C sẽ nhận ra sai lầm, sửa đổi bản thân. Đồng thời, gia đình và nhà trường cần tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để giúp các em không tái phạm và trở thành những công dân có ích.