Biết “vợ hờ” có dính líu đến việc buôn bán ma túy, Sơn ra sức khuyên răn vợ không nên đi vào con đường lầm lỗi đó.
Tuy nhiên, vợ Sơn đã không nghe. Để rồi trong một đêm, khi mâu thuẫn xảy ra, Sơn đã hắt xăng thiêu đốt người phụ nữ đang chung sống với mình. Hối hận cũng đã muộn, Sơn không thể cứu vãn được lỗi lầm đã gây ra trong quá khứ.
|
Phạm nhân Đặng Văn Sơn. |
Phạm nhân này bảo, nếu được quay ngược lại thời gian, nhất định anh sẽ bình tĩnh hơn để có cách ứng xử khác.
Chúng tôi đến Trại giam Vĩnh Quang (Tổng cục VII - Bộ Công an, nằm dưới chân dãy Tam Đảo, Vĩnh Phúc) vào một ngày cuối năm. Từ cổng chính vào đến phân trại số 1, chúng tôi nhìn thấy từng tốp phạm nhân đang làm công việc của mình.
Trên gương mặt họ là sự tĩnh lặng. Trong số hàng nghìn phạm nhân đang thi hành án tại đây, chúng tôi khá ấn tượng với Đặng Anh Sơn (SN 1974, ở Tây Hồ, Hà Nội). Dù đã cắt tóc ngắn đến gần như cạo trọc, vẫn thấy dù mới 45 tuổi, người đàn ông này tóc đã bạc trắng .
Cơn giận dữ vì phát hiện vợ đi buôn ma túy
Theo lời kể của anh Sơn, anh từng có một gia đình hạnh phúc, vợ đẹp, con ngoan. Nhưng hạnh phúc ấy ngắn ngủi, họ chia tay đường ai nấy đi. Năm năm sau, khi lấy lại được cân bằng sau đổ vỡ hôn nhân, anh Sơn được bạn bè giới thiệu, quen biết với chị Đỗ Thị Oanh (SN 1982, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Cũng như Sơn, đường tình duyên của chị Oanh khá lận đận. Với người chồng thứ nhất, họ có với nhau một mặt con. Nhưng sau nhiều năm sinh sống, vợ chồng họ chia tay. Để lại con trai cho chồng cũ nuôi, chị đi bước nữa, có thêm một con trai với người chồng mới. Nhưng rồi mối lương duyên này cũng không kéo dài lâu. Đến năm 2013, hai người chia tay.
“Sau khi được bạn bè giới thiệu thì tôi và Oanh bắt đầu tìm hiểu nhau. Nửa năm sau nảy sinh tình cảm, sau đó dọn về chung sống với nhau như vợ chồng. Quá trình chung sống, tôi phát hiện cô ấy liên quan tới việc mua bán ma túy”, anh Sơn chia sẻ và cho biết thời điểm đó, anh được “vợ hờ” cho biết trước đó có yêu một người đàn ông tên Thắng.
Từ khi yêu người đàn ông này, chị đã “sa chân” vào con đường lầm lỗi, trở thành một mắt xích trong đường dây buôn bán ma túy từ Việt Nam sang Trung Quốc. Sau đó, Thắng bị Công an Trung Quốc bắt giữ, đường dây ma túy theo đó mà chấm dứt. Nghe thế, Sơn đã khuyên can Oanh rũ bỏ quá khứ, cùng mình làm ăn lương thiện.
“Lúc đó, cuộc sống của chúng tôi vô cùng hạnh phúc. Nhưng rồi, quá khứ lại lặp lại”, anh Sơn buồn bã kể lại. Bởi quá trình sống cùng nhau, Sơn thấy “vợ hờ” thường xuyên thấy có những cuộc điện thoại bí ẩn.
Mỗi lần nghe điện thoại, Oanh đều bỏ ra ngoài khiến Sơn dấy lên nỗi hoài nghi “vợ hờ” đang quay lại con đường mua bán, vận chuyển ma túy. “Sao anh lại nghĩ vợ quay lại con đường lầm lỗi mà không phải là điều gì khác”? Sơn cho rằng: “Tôi là người từng trải nên việc đó không qua mắt tôi được”.
Sơn kể khi biết “vợ hờ” quay lại con đường mua bán ma túy, anh đã ra sức khuyên can. Bởi anh biết chắc đây là hành vi vi phạm pháp luật, bị bắt thì cái chết là điều không tránh khỏi. Nhưng vì Oanh không nghe khiến mâu thuẫn giữa hai người liên tục xảy ra. Đỉnh điểm là đêm một ngày đầu thu năm 2014. Ánh mắt xa xăm, phạm nhân tuổi ngoại tứ tuần cho biết, đêm định mệnh đó là ngày 3/8/2014.
Khi đó, hai người đang ở nhà thì xảy ra mâu thuẫn. “Lúc đó, tôi tiếp tục can ngăn cô ấy không được đi buôn ma túy nữa. Cô ấy không những không nghe, trái lại còn tỏ thái độ thách thức với tôi khiến cơn giận trong người tôi bùng phát, không kiềm chế được bản thân và gây ra vụ án đau lòng”, Sơn ngậm ngùi.
Sai lầm phải trả giá suốt phần đời còn lại
Theo hồ sơ vụ việc, khi mâu thuẫn xảy ra, Sơn vào nhà vệ sinh lấy can xăng, rồi mang vào phòng ngủ của hai người. Đứng trước mặt Oanh, Sơn nói: “Nếu mà em còn cố tình làm việc này nữa thì cả anh và em cùng chết”. Bị chồng đe dọa, nạn nhân bật dậy.
Tức giận, Sơn dốc can xăng đổ lên đầu “vợ hờ”. Bị “chồng hờ” tưới xăng lên đầu, chị Oanh lập tức dùng tay phải gạt can xăng ra đồng thời tỏ thái độ “không sợ”. Thấy vậy, Sơn bật bật lửa lên, giữ ánh lửa, tiến về phía chị Oanh đe dọa. Trong lúc tiến tới, Sơn vấp phải chiếc chăn trải ở dưới nền nhà. Mất đà, Sơn lao về phía nạn nhân cùng chiếc bật lửa đang đỏ lửa khiến người phụ nữ này bùng cháy.
Thấy lửa bùng lên, hoảng sợ, Sơn lấy chăn trùm vào đầu chị Oanh dập lửa. Còn nạn nhân, sau khi bị biến thành ngọn đuốc sống đã sợ hãi, giãy giụa khiến chân của “chồng hờ” đá phải can xăng khiến số xăng còn lại trong bình chảy ra, bén vào chân Sơn. Sau một hồi vật lộn, lửa cũng được dập tắt nhưng phải đến ngày 5/8/2014, dì ruột của nạn nhân mới đưa cô gái này vào phòng khám tư.
“Nhìn vợ nằm trên giường bệnh, trên người băng kín, tôi rất đau đớn và hoảng loạn. Có bao nhiêu tiền dành dụm trong nhà, tôi đều dùng vào việc điều trị cho vợ với hi vọng cô ấy có thể khỏi. Nhưng sau khoảng hai tuần điều trị, cô ấy đã không qua khỏi”, Sơn ngậm ngùi nói.
Theo lời nhận xét của Sơn, ngoài việc dính líu tới ma túy thì Oanh là người phụ nữ rất tốt tính, hòa đồng với những người xung quanh. Bên cạnh đó, Oanh là người hay giúp đỡ người khác, được lòng cả gia đình nhà Sơn. Sơn bảo bản thân mình sinh ra trong gia đình gia giáo có mẹ là giáo viên, bố là cán bộ công ty xe khách nên từ nhỏ tới lớn đã được cha mẹ dạy điều hay, lẽ phải.
Do đó, khi biết “vợ hờ” buôn bán ma túy, anh đã ra sức ngăn cản vì gia đình cũng thuộc diện khá giả, có của ăn, của để, không nhất thiết phải bất chấp tất cả để có được tiền. Sơn bảo nếu được quay ngược thời gian, anh sẽ không bao giờ thực hiện hành vi dại dột trên. Đây cũng là sai lầm mà suốt phần đời còn lại, Sơn mang theo trong sự ăn năn, day dứt, hối hận. Bởi vây, mới hơn 40 tuổi, tóc anh đã bạc trắng.
Kết thúc câu chuyện về quá khứ đau thương, Sơn bảo từ khi vào trại giam thụ án, trả giá cho sai lầm của mình, anh luôn động viên những phạm nhân mới vào, phạm nhân tuổi đời còn trẻ về những bài học trong cuộc sống. Giờ mong muốn lớn nhất của anh là cải tạo thật tốt để trở về với gia đình, con cái. “Tuần trước, con gái tôi lên thăm. Có lần, con còn lên cùng vợ cũ của tôi. Gặp nhau, cô ấy cũng động viên tôi cố gắng cải tạo tốt để về với gia đình”, Sơn nói.
Theo chia sẻ của cán bộ trại giam, phạm nhân Sơn chấp hành nội quy của trại giam tốt, luôn tích cực, cố gắng cải tạo. Nghe những điều chia sẻ ấy và nhìn ánh mắt còn chất chứa nỗi buồn của Sơn, tôi tin phạm nhân này sẽ hướng về nẻo thiện, trở thành người có ích sau khi được ra trại.