Thời gian gần đây xảy ra không ít những “sự cố” về việc tiêm vắc xin Quinvaxem cho trẻ nhỏ. Bộ Y tế đã đưa ra những lý giải rằng, các ca tai biến, tử vong trẻ sau khi tiêm vắc xin là ngẫu nhiên. Mặc dù vậy, hiện tại Quinvaxem đã và đang trở thành nỗi ám ảnh với nhiều gia đình có trẻ nhỏ.
Hoang mang khi chọn vắc xin
Vắc xin Quinvaxem được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2010, đến nay sau 5 năm triển khai đã có hàng ngàn mũi vắc xin được tiêm cho trẻ nhỏ ở Việt Nam. Tính từ đầu năm 2015 đến nay đã có khoảng 5 triệu liều vắc xin Quinvaxem được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cung ứng cho Việt Nam và phân bổ đến các địa phương để sử dụng đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc.
Tính từ đầu năm 2015 đã có khoảng 3,5 triệu liều vắc xin được tiêm cho trẻ, ghi nhận 16 trường hợp phản ứng nặng với vắc xin. 8 trường hợp tử vong trong đó có 7 trường hợp kết luận là sốc thuốc phản vệ và một trường hợp được xác định là sốc nhiễm trùng nặng.
Để lý giải cặn kẽ nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, cách đây ít ngày Bộ Y tế đã có thông báo rằng: Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ từ 2-4 tuổi không liên quan đến vắc xin. Hay nói cách khác, một số trường hợp trẻ đột tử xuất phát từ việc trùng với thời gian tiêm vắc xin, hiện tượng trẻ tử vong có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
|
Rất nhiều phụ huynh đưa con tới Viện vệ sinh dịch tễ để tiêm vắc xin dịch vụ Ảnh: Thu Hường |
Mới đây, ngày 10/11 chuyên gia về tiêm chủng của tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Kohei Toda đã trả lời những thắc mắc về chất lượng vắc xin. Vắc xin Quinvaxem đã được WHO tiền thẩm định về chất lượng vào năm 2006. Từ 2010 đến nay, Việt Nam đã sử dụng khoảng 24,9 triệu liều.
Tuy đã có những kết luận từ Bộ Y tế, và từ chuyên gia tiêm chủng của tổ chức Y tế thế giới về độ an toàn của Quinvaxem nhưng nỗi lo của nhiều gia đình có trẻ nhỏ vẫn chưa được giải quyết. Việc lựa chọn những loại vắc xin dịch vụ vẫn là ưu tiên hàng đầu của nhiều người.
Chị Nguyễn Thị Hồng (Định Công – Hoàng Mai) cho biết: “Gia đình tôi không dám tiêm vắc xin Quinvaxem mà tôi chọn vắc xin Penatxim để tiêm cho cháu. Vì sợ lắm, ở cơ quan mình có mấy chị cho cháu đi tiêm loại đó về mà thấy các cháu bị sốt cao.”
Cùng quan điểm với chị Hồng, bà Vũ Thu Hằng (Láng Hạ - Đống Đa) cũng cho biết: “Cháu nhà tôi mới được 3 tháng tuổi, nhưng giờ hết vắc xin dịch vụ nên tôi không dám tiêm cho cháu nữa. Sợ cháu nó bị sốc thuốc”.
Đây là thực trạng chung của các bậc phụ huynh có con nhỏ cần tiêm vắc xin phòng bệnh. Nhiều gia đình khi đến các phòng tiêm chủng khi biết đã hết các loại vắc xin dịch vụ đã dừng không tiêm cho trẻ. Có phụ huynh muốn tách mũi tiêm riêng cho trẻ thay vì lựa chọn tiêm vắc xin tổng hợp.
Cần tạo sự tin tưởng với người dân
Chúng ta không thể phủ nhận việc sử dụng các loại vắc xin tổng hợp như Quinvaxem đã có đóng góp rất lớn trong việc hạn chế bùng phát các loại dịch bệnh. Sử dụng 1 loại vắc xin thay cho nhiều loại, và hạn chế số lần tiêm có thể giúp tiết kiệm tiền bạc và công sức. Tuy nhiên, những sự việc xảy ra gần đây khiến cho dư luận thêm một lần nữa hoang mang về chất lượng của các loại vắc xin đặc biệt là quinvaxem.
Hệ lụy nhãn tiền là, hiện nay còn xuất hiện loại hình “dịch vụ tiêm vắc xin tại nhà”, một minh chứng cho sự tin tưởng của người dân vào dịch vụ y tế đang dần mất đi. Đáng nói, việc tiêm vắc xin tại nhà khi không có đủ các thiết bị hỗ trợ sẽ có thể xảy ra những sự cố đáng tiếc.
|
Nhiều gia đình sau khi biết "sự cố" của Quinvaxem đã không cho con đi tiêm vắc xin này Ảnh: Thu Hường |
Trao đổi với phapluatplus.vn bà Dương Thị Hồng- Phó viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Dù là vắc xin dịch vụ hay vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì việc tiêm chủng vắc xin tại nhà là trái với các quy định hiện hành về tổ chức tiêm chủng.”
“Việc tiêm chủng tại nhà, do thiếu nguồn nhân lực trẻ sẽ không được khám phân loại, tư vấn đầy đủ trước tiêm chủng và đặc biệt là thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ cần thiết để đảm bảo an toàn như hộp chống sốc, phương tiện cấp cứu tại chỗ… để có thể xử lý kịp thời và hiệu quả những phản ứng nặng có thể xảy ra sau khi trẻ được tiêm chủng.” bà Hồng nhấn mạnh.
Tạo sự tin tưởng của người dân với các dịch vụ y tế nước ta là điều rất quan trọng. Đặc biệt là sau những sự việc xảy ra gần đây. Vì vậy, cần nhiều hơn nữa sự vào cuộc của các cơ quan chức năng giúp hạn chế những rủi ro trong khi tiêm vắc xin cho trẻ. Kiểm định lại chất lượng các loại vắc xin, kiểm tra khâu bảo quản để hạn chế những rủi ro không đáng có.