Ngày 10/4, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai năm 2025 trên địa bàn huyện Gia Viễn; Nho Quan và TP Tam Điệp; TP Hoa Lư.
Tại huyện Gia Viễn, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác thực hiện Dự án Trạm bơm Gia Trấn, xã Gia Trấn. Trạm bơm Gia Trấn được UBND tỉnh phê duyệt dự án từ tháng 01/2025 với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh (đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025). Dự án sẽ xây dựng bổ sung cụm công trình đầu mối: Nhà trạm, bể hút, bể xả, cống xả, hệ thống trạm biến áp và một số công trình phụ trợ; Nâng cấp, sửa chữa bể xả của trạm bơm Gia Trấn I và Gia Trấn II; Xây dựng cống trong khu vực trạm bơm.
Mục tiêu dự án là đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước phục vụ phòng, chống lụt bão, đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản của nhân dân, cùng các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất khu vực phía Bắc đê Tả sông Hoàng Long nói chung và khu vực đô thị Gián Khẩu nói riêng; góp phần chủ động trong công tác phòng chống lụt bão trong tình hình biến đổi khí hậu, mưa lũ diễn biến bất thường, cực đoan trong thời gian tới.
 |
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cùng đoàn công tác kiểm tra công tác an toàn hồ đập trên địa bàn. |
Tại huyện Nho Quan, Đoàn kiểm tra sạt trượt tuyến đập tràn hồ Yên Quang (Đập tràn từ hồ 3 qua hồ 4) xã Yên Quang; Tràn hồ Yên Quang 3 xuống hồ Yên Quang 4 dài 152,0m có kết cấu bằng đá xây bọc bê tông cốt thép. Hiện mái hạ lưu đập tràn bị trượt có nguy cơ vỡ đập tràn gây mất nước hồ Yên Quang 3 và mất an toàn hồ Yên Quang 4. Đây là các công trình cần được đầu tư nâng cấp, sửa chữa đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai.
Kiểm tra hồ Thường Xung (tuyến đập chính) thuộc địa bàn xã Văn Phú được xây dựng từ năm 1974 và được đầu tư cải tạo nâng cấp năm 2011, đến nay dự án đang thực hiện dở dang và dừng thi công do không được bố trí nguồn vốn. Để phát huy tốt hiệu quả của dự án cần đầu tư khép kín tuyến đập chính và hoàn thiện một số hạng mục phụ trợ: đường quản lý ven hồ, kênh tiêu thoát lũ và các công trình trên kênh.
Kiểm tra công tác vận hành hồ Đồng Chương xã Phú Lộc cho thấy, cống lấy nước hồ bị hỏng gioăng cao su gây rò, thất thoát nước; kênh thoát lũ hiện trạng nhiều cây cối và bụi rậm gây cản trở dòng chảy thoát lũ. Mái hạ lưu thân đập chính và mái hạ lưu vai phải tràn xả lũ (phía giáp núi) bị thấm, rò rỉ nước, nhiều vị trí thấm ngấm chảy thành dòng. Cống qua đường trên QL45 (cống trên kênh thoát lũ sau tràn xả lũ 200 m) khẩu độ nhỏ chưa đảm bảo lưu lượng thoát lũ. Sửa chữa cánh cống lấy nước, trị rò thân đập chính, vai phải tràn xả lũ; Kiên cố hoá đoạn kênh thoát lũ và nâng cấp các cống thoát lũ qua đường QL45.
Qua kiểm tra thực tế và nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc bảo đảm phương án phòng chống thiên tai theo quy định, đồng thời lưu ý, đặc thù các kênh, hồ của các huyện; với những dòng chảy chưa lưu thông mạnh, các huyện cần đặc biệt quan tâm đến việc khơi thông dòng chảy để chống úng cho các khu dân cư và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư phối hợp với nhà thầu đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công trong mùa mưa bão; chủ động rà soát lại các trọng điểm, xung yếu, trên cơ sở đó tính toán phương án đầu tư hợp lý theo từng giai đoạn.
Đối với một số tuyến hồ, đập đang thi công, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo nhà thầu xây lắp đẩy nhanh tiến độ thi công, ưu tiên thi công những điểm xung yếu trước, đảm bảo hoàn thành trước mùa mưa bão. Ông Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh: huyện Nho Quan và Gia Viễn là trọng điểm trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn,do vậy các địa phương trên cần thực hiện tốt phương án PCTT&TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”; vận hành, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các tuyến đê, hồ đập; kịp thời phát hiện, chỉ đạo thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, doanh nghiệp.
 |
Ông Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình, cùng đoàn kiểm tra đoạn đê bao khu vực Hầm chui Tổ dân phố 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp. |
Cùng ngày, tại TP Tam Điệp, ông Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình và Đoàn công tác đã kiểm tra đoạn đê bao khu vực Hầm chui Tổ dân phố 12, phường Tân Bình: Đây là khu vực tuyến đê bao dài khoảng 80m tính từ mặt đường gom khu vực hầm chui Tổ 12 đến trạm bơm Quang Hiển. Khu vực này thuộc một trong những điểm công trình hoàn trả của dự án đường cao tốc Bắc Nam; được thiết kế và thi công với cao trình chống lũ ở mức +2.5m. Tại khu vực trọng điểm, mùa mưa bão thường xảy ra tình trạng mực nước sông bến Đang dâng cao, nước tràn vào gây ngập úng cục bộ khu vực sản xuất nông nghiệp, dân cư và ảnh hưởng trực tiếp khả năng bơm điều tiết nước của Trạm bơm Quang Hiển đối với các khu vực sản xuất nông nghiệp khác.
Kiểm tra tại nút giao đường cao tốc với đường Đông Tây, Xã Quang Sơn: Hệ thống cống thu nước từ tuyến đường Đông Tây được thiết kế thu nước chủ yếu từ mặt đường, nước được thu vào hệ thống thu nước trung dọc tuyến đường và được bố trí 1 số điểm cửa xả. Tuy nhiên, tại một số điểm đã được bố trí cửa xả thoát nước hiện nay chưa được bố trí hệ thống rãnh thoát nước để thoát đi mà xả trực tiếp vào diện tích đất sản xuất hiện đang trồng dứa của công nhân Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao và xã viên Hợp tác xã Quang Sỏi ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của công nhân và xã viên đang có đất sản xuất tại khu vực cửa xả nước tuyến đường Đông Tây. Tại đê hữu sông Cầu Do (đoạn từ thôn Đàm Khánh Đông đến trạm bơm xã Yên Thắng), phường Yên Bình. Tuyến đê hữu sông Cầu Do đoạn km0 + 900 + km1+500 dài 600m. Hiện trạng mặt đê thấp không đảm bảo chống lũ theo nhiệm vụ thiết kế, cần được nâng cấp.
Tại TP Ninh Bình, ông Mai Văn Tuất đã kiểm tra trạm bơm Tam Đồng, Xã Ninh Vân: Trạm bơm Tam Đồng được xây dựng năm 1976 là trạm bơm ly tâm trục ngang với quy mô 8 máyx1000 m³/h. Trạm bơm tưới tiêu kết hợp, tưới cho 46ha đất nông nghiệp, tiêu cho diện tích đất nông nghiệp và khu vực nông thôn và đô thị, nguồn nước tưới lấy từ sông Hệ Dưỡng. Các máy bơm đã cũ, tường bể xả bong tróc, nứt vỡ, máy bơm rung lắc, tiếng ồn lớn. Hiệu suất các máy bơm chỉ đạt 75%.
 |
Đoàn công tác kiểm tra hệ thống cống thu nước từ tuyến đường Đông Tây. |
Đoàn cũng kiểm tra trạm bơm Vườn Liễu, Xã Ninh Hoà: Trạm bơm Vườn Liễu được xây dựng năm 2010 là trạm bơm ly tâm trục ngang với quy mô 2 máy x 1200 m³/h. Trạm bơm chuyên tiêu, Diện tích tiêu: 50ha; đất nông nghiệp và 45ha đất khu vực nông thôn và đô thị. Nhà trạm mái bằng đã xuống cấp, tường xung quanh nhà trạm bong tróc, nứt vỡ, mái nhà thấm dột. Nền nhà lún sụt lồi lõm. Bể xả sát nhà dân, hiện trạng đã nứt vỡ nước chảy tràn ra ngoài ảnh hưởng đến các nhà dân xung quanh; các máy bơm đã cũ nát, tiếng ồn lớn, hiệu suất đạt 75%, cần được nâng cấp trạm bơm, di chuyển sang vị trí khác.
Kiểm tra Âu Chanh, xã Trường Yên, được xây dựng năm 1957 và tu sửa năm 2005. Hiện nay, thân âu đã xuất hiện các dấu hiệu mất an toàn như vết nứt, vùng thấm. Âu được đánh giá là công trình dưới đê xung yếu không đảm bảo an toàn chống lũ. Mặt khác chiều rộng đỉnh âu nhỏ hơn chiều rộng mặt đê dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu của công tác ứng cứu, hộ đê trong mùa mưa bão cần được xây dựng phương án bảo vệ.
Tại Cống Cam Giá xã Ninh Khánh, được xây dựng năm 1984 trên đê hữu Đáy, cống có nhiệm vụ tưới, tiêu tự chảy kết hợp cho diện tích sản xuất nông nghiệp, tiêu thoát nước cho khu vực nông thôn và đô thị, kể cả vùng nội thị thành phố Ninh Bình; tổng diện tích tiêu khoảng 496 ha. Hiện trạng cống đã xuống cấp; thân cống ngắn, dàn van hư hỏng nghiêm trọng, cánh phai bằng thép đã han gỉ, gioăng cao su lão hóa không còn kín nước, nước rò qua hèm phai và ngầm qua đáy, cánh cống đã han gỉ, đóng mở bằng vít me quay tay, cần thiết xây dựng mới.
Qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo của các địa phương, ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các ngành liên quan đã tham gia ý kiến đánh giá và làm rõ thực trạng các công trình phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên TP Hoa Lư và TP Tam Điệp. Đại diện các ngành cũng đề xuất các phương án khắc phục và đề nghị phải đẩy nhanh tiến độ các công trình đang thực hiện đầu tư trước mùa mưa bão năm 2025. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng các địa phương cần phải phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng khi đề xuất phương án xây mới hoặc sửa chữa công trình đảm tính tổng thể, phù hợp với quy hoạch địa phương cũng như đáp ứng công năng sử dụng trong điều kiện hiện nay và những năm tiếp theo.
Kết luận tại buổi kiểm tra, ông Mai Văn Tuất ghi nhận hiện trạng và những kiến nghị của các địa phương đối với công tác phòng chống thiên tai cũng như các công trình đang được đề xuất, kiến nghị xây mới, sửa chữa, đồng thời nhấn mạnh, đây là các công trình quan trọng vừa phục vụ công tác phòng chống thiên tai, vừa là công trình hạ tầng thiết yếu phụ vụ sản xuất, giao thông và tạo điểm nhấn cảnh quan cho các địa phương; giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, các địa phương và các cơ quan chức năng của tỉnh có liên quan tiến hành rà soát, đánh giá lại hiện trạng, tính cấp bách của công trình, đề xuất phương án cụ thể để tham mưu, báo cáo UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh sẽ đánh giá thứ tự ưu tiên của các công trình để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo.
Đối với các công trình thuộc phân cấp nguồn vốn do Bộ Nông nghiệp và Môi trường là chủ đầu tư, các ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, sớm đưa dự án vào phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai ở địa phương. Các ngành, địa phương căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ nêu cao tinh thần trách nhiệm rà soát các điểm xung yếu, nhất là trên các tuyến đê. Chủ động xây dựng, hoàn thiện phương án ứng phó đảm bảo vận hành an toàn các công trình với các diễn biến bất thường của thiên tai trong mùa mưa bão 2025, an toàn về người và tài sản cho Nhân dân.