![]() |
Con cái dần trở nên xa cách cha mẹ. (Ảnh: minh họa) |
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng chỉ cần cho con được ăn ngon, mặc đẹp thì họ chính là những cha mẹ tuyệt vời.
Trên thực tế, đó là sự đáp ứng nhu cầu vật chất chứ không phải tình cảm của trẻ.
Việc ngày càng có nhiều trường hợp con cái trở nên xa cách và không tìm đến cha mẹ để xin ý kiến, thường là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang gặp vấn đề.
Vấn đề nằm ở chỗ có thể chính những hành vi của cha mẹ đang vô tình đẩy con ra xa.
Dưới đây là 10 lý do phổ biến giải thích vì sao con cái càng lớn càng trở nên xa cách bố mẹ.
10 lý do phổ biến giải thích vì sao con cái dần trở nên xa cách cha mẹ:
1. Cha mẹ nóng vội chỉ trích:
Không ai thích bị chê trách, kể cả trẻ em.
Khi trẻ tìm đến bạn để xin lời khuyên, con đang mở lòng và chia sẻ những điểm yếu của mình.
Nếu sự chân thành ấy lập tức vấp phải lời chỉ trích, con sẽ cảm thấy tổn thương.
Lời phê bình mang tính xây dựng rất quan trọng cho sự tiến bộ.
Tuy nhiên, ranh giới giữa hướng dẫn và chỉ trích lại rất mong manh.
Nếu phản ứng đầu tiên của cha mẹ luôn là vạch ra những lỗi sai, dần dần, trẻ sẽ không còn muốn tìm đến bạn để xin lời khuyên nữa.
2. Bạn bắt đầu câu với "Nếu", và "Tại sao":
Khi làm bố, làm mẹ, chúng ta thường có tâm lý “con nên nghe theo lời bố mẹ vì bố mẹ chỉ muốn tốt cho con".
Đôi lúc vì suy nghĩ này mà chúng ta áp đặt con của mình phải làm theo những gì mà mình yêu cầu.
Con phải học trường này, con không được mặc quần áo kia….
Sự áp đặt quá mức của bố mẹ đôi khi sẽ phản tác dụng, khiến con cái không còn cảm nhận được tình thương của bố mẹ mà bắt đầu cảm thấy sợ hãi về những yêu cầu của bố mẹ, dần dần khiến con trở nên xa cách với bố mẹ của mình.
Nếu con không nghe lời bạn luôn áp đặt con theo dạng các câu hỏi áp đặt "Nếu - thì"; "Tại sao?''; ''Thế nào?''.
3. Không lắng nghe trẻ:
Trẻ em rất nhạy cảm với điều này. Khi cảm thấy không được lắng nghe, trẻ sẽ tự nhiên xa lánh bạn và tìm đến những người thực sự chú tâm khi chúng nói.
Vậy nên, nếu con không còn tìm đến bạn để xin lời khuyên, hãy tự hỏi "Mình có thực sự lắng nghe khi con nói không?".
4. Vội vàng giải quyết thay con:
Phụ huynh thường có xu hướng muốn giải quyết mọi vấn đề cho con.
Tuy nhiên, không phải lúc nào con cũng cần cha mẹ đưa ra giải pháp ngay lập tức.
Điều con thực sự cần là cha mẹ ở bên cạnh, cùng con đối diện với khó khăn, thấu hiểu những gì con đang trải qua và cảm nhận được sự đồng hành, không đơn độc.
Nếu cha mẹ vội vàng đưa ra giải pháp, con có thể cảm thấy mình không được lắng nghe, cảm xúc của con không quan trọng bằng việc giải quyết vấn đề.
5. Bỏ qua ý kiến của con:
Việc bỏ qua ý kiến của con cái sẽ khiến chúng cảm thấy mình được không được coi trọng.
Ngược lại, nếu cha mẹ hỏi ý kiến hoặc lời khuyên từ con, trẻ sẽ thấy những suy nghĩ và cảm xúc của chúng có giá trị, không chỉ với riêng chúng mà còn với cả cha mẹ.
Khi trẻ nhận ra rằng ngay cả người lớn đôi khi cũng cần lời khuyên, rào cản về vai vế giữa cha mẹ và con cái sẽ dần biến mất, tạo ra một kênh giao tiếp hai chiều cởi mở hơn.
6. Con ngoan, con học giỏi bố/mẹ mới yêu:
Tình yêu của bố mẹ dành cho con mà gắn với điều kiện như vậy sẽ khiến trẻ hiểu nhầm rằng thành tích sẽ đổi được đồ chơi, quần áo và tình yêu từ bố mẹ.
Trẻ luôn yêu bố mẹ vô điều kiện. Vì vậy, dù là trong lời nói, bố mẹ cũng đừng bao giờ lấy tình yêu của mình ra làm điều kiện trao đổi.
Tình yêu của bố mẹ không phải là đích để con vươn tới, nó phải là bàn đạp và bệ đỡ để con vươn tới thành công.
7. Tại bố mày đấy/Tại mẹ mày đấy:
Bạn đã bao giờ gặp một người không bao giờ có lỗi chưa?
Bất kể trong hoàn cảnh nào họ cũng là nạn nhân, mọi chuyện là tại người khác hết, đối phương luôn là người sai.
Những người này là chuyên gia đổ tội và chối tội, bạn sẽ chẳng bao giờ nghe thấy họ nói lời xin lỗi.
Cha mẹ tốt luôn có những hành vi đúng mực để làm gương cho con cái, bao gồm cả việc thừa nhận khi họ làm sai.
8. Không tạo đủ không gian riêng cho con:
Cha mẹ thường có xu hướng can thiệp và giúp con vượt qua mọi khó khăn.
Tuy nhiên, đôi khi, hành động yêu thương nhất là lùi lại một bước.
Trẻ cần có khoảng thời gian riêng để tự mình suy nghĩ và giải quyết vấn đề.
Việc trao cho trẻ cơ hội để học hỏi thể hiện sự tin tưởng của cha mẹ vào khả năng của con.
Hiểu điều này, con sẽ cảm thấy tự tin hơn. Và khi thực sự cần lời khuyên, con sẽ tìm đến cha mẹ vì biết rằng sự tự chủ của mình được tôn trọng.
9. Không chia sẻ khó khăn của bố mẹ:
Con cái luôn nhìn vào cha mẹ. Nhưng nếu cha mẹ luôn tỏ ra hoàn hảo và mạnh mẽ tuyệt đối, con sẽ cảm thấy phải cố gắng đạt đến một tiêu chuẩn không thực tế.
Việc chia sẻ những khó khăn và điểm yếu của bạn không hề khiến bạn trở nên yếu đuối.
Ngược lại, nó còn mang lại tác dụng tích cực.
Điều này cho trẻ thấy rằng không ai có thể biết hết mọi thứ.
Việc mắc sai lầm là điều bình thường và quan trọng nhất là con có thể tìm kiếm lời khuyên khi cần.
10. Bạn không thực hiện những gì bạn rao giảng:
Nếu cha mẹ nói một đằng làm một nẻo, con trẻ dễ bối rối, thậm chí mất lòng tin.
Ví dụ, bạn dạy con phải trung thực, nhưng con lại thấy bạn nói dối về một chuyện nhỏ nhặt.
Điều này sẽ gửi đến con thông điệp rằng nói dối cũng không sao. Về lâu dài, con có thể sẽ không còn tin tưởng và tìm đến bạn để xin lời khuyên nữa, vì chúng cảm thấy lời nói của bạn không đáng tin cậy.
Kết lại:
Trong suốt quãng đường từ nhỏ đến khi trưởng thành, với những đứa trẻ, lời nói của cha mẹ là ánh đèn soi sáng đường các con bước.
Chúng có thể khiến trẻ tổn thương hoặc khích lệ trẻ sống hạnh phúc, tự tin.
Nhiều người nghĩ rằng, lời nói thoảng gió bay không ảnh hưởng gì đến con trẻ.
Nhưng hãy nhớ lại xem, có phải đôi khi chính những người lớn chúng ta cũng mãi không quên được một câu nói tổn thương dù vô tình hay cố ý nào đó?
Vết thương thể xác sẽ có ngày lành da, vết thương từ tinh thần đôi khi đeo bám mãi.
Bởi vậy, ngay cả một câu nói phổ biến có vẻ an toàn cũng có thể vô tình chạm vào lòng tự trọng của một đứa trẻ và khiến chúng cảm thấy bất an.
Thử thay đổi cách nói với con, cha mẹ sẽ nhận ra được sự thay đổi rõ rệt và tích cực từ những đứa trẻ trong gia đình mình.