Vào một ngày đầu tháng 4, chúng tôi tình cờ gặp một người bà con của anh Hồ Văn Mên, người kể cho tôi nghe về một huyền thoại sống của vùng đất An Thạnh, huyện Lái Thiêu, tỉnh Sông Bé (nay là phường An Thạnh, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Được biết, người Anh hùng, liệt sĩ Hồ Văn Mên (SN 1953, tại ấp Thạnh Lộc), trong một gia đình nghèo khó.
![]() |
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Văn Mên. |
Mới lên 6 tuổi, anh đã mồ côi mẹ, đến năm 10 tuổi, cha anh bị giặc bắt, tra tấn đến chết. Nỗi đau mất mát không làm anh gục ngã, mà trở thành động lực để anh sớm giác ngộ cách mạng, quyết tâm cầm súng đánh giặc, trả thù cho cha mẹ và bảo vệ quê hương.
Ở tuổi 13, anh đã có 3 năm tham gia chiến đấu, góp mặt trong 7 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt 79 tên địch, trong đó có cả lính Mỹ, ngụy và quân Pắc Chung Hy (lính đánh thuê từ Hàn Quốc).
Những chiến công vang dội của anh không chỉ khiến kẻ địch khiếp sợ mà còn trở thành niềm tự hào của quân dân Sông Bé.
Một trong những trận đánh nổi tiếng nhất là trận tập kích sòng bạc Phú Văn, nơi anh cùng đồng đội tiêu diệt hơn 59 sĩ quan và binh lính ngụy.
Với những thành tích xuất sắc, anh được phong tặng ba danh hiệu: “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới” và “Dũng sĩ diệt xe cơ giới cấp ưu tú”. Năm 1967, anh được ra miền Bắc thăm Bác Hồ và là đại biểu nhỏ tuổi nhất trong đoàn thiếu nhi dũng sĩ miền Nam.
Sau ngày giải phóng năm 1975, anh công tác tại Ty Thương nghiệp tỉnh Sông Bé. Tuy nhiên, vết thương ở sọ não trong một trận đánh trước đây tái phát, khiến anh qua đời ngày 5/3/1984, khi mới 31 tuổi. Năm 2005, anh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày nay, tại quê hương An Thạnh, có một con đường mang tên anh và giải thưởng “Hồ Văn Mên” dành cho học sinh nghèo học giỏi.
Hàng năm, vào ngày 5/3, lễ giỗ tưởng niệm anh được tổ chức trang trọng, là dịp để thế hệ trẻ tưởng nhớ và học tập tấm gương anh hùng của anh!