Buổi sáng thức dậy, cả gia đình anh Vủi tá hỏa phát hiện bộ tranh quý đã "bốc hơi".
Những thương lái lạ
Chính vì sự quý giá của những bộ tranh cổ của người Dao mà về sau có rất nhiều kẻ dòm ngó rồi có hàng loạt những vụ trộm tranh đã diễn ra, điển hình như vụ trộm ở gia đình anh Phàn Văn Vủi (SN 1991), ở thôn Ông Hạ, xã Thông Nguyên (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang).
|
Anh Vủi kể về ngày nhà mình mất tranh. (ảnh: Phàn Giào Họ) |
Vụ trộm để lại sự nuối tiếc khi gia đình anh phải mất vài con trâu cà để thuê họa sỹ vẽ. Điều đó cũng là lí do mà Vủi cho là căn nguyên của những hậu vận không may về sau.
Nói nguồn gốc của bức tranh quý này, bà Triệu Mùi Chản (90 tuổi, bà nội của Vủi-PV) cho biết, bộ tranh mà gia đình bà từng sở hữu vốn được vẽ bởi bàn tay tài hoa của một họa sỹ người Trung Quốc.
Khi về làm dâu gia đình họ Phàn bà nghe ông nội của chồng kể rằng, họ phải bán 3 con trâu để đổi lấy đồng bạc thuê tay họa sỹ kia vẽ .
“Ông nội chồng tôi nói, ban đầu chỉ có duy nhất một gia đình ở xã Nậm Ty (huyện Hoàng Su Phì) thuê người vẽ tranh thờ, sau đó bỗng rộ lên phong trào vẽ tranh.
Hầu hết những nhà có điều kiện đều thuê họa sỹ giỏi về vẽ . Gia đình ông nội tôi cũng nằm trong số được cho là khá giả, thuê vẽ hẳn bộ Mùi Mủi, bộ tranh được cho là đắt giá nhất buổi ấy”, bà Chản nói.
Theo bà Chản, tranh của gia đình bà bao gồm 18 bức . Để hoàn thành tác phẩm "độc" này, nhà bà phải mời họa sỹ về nuôi ông ta ăn ở tại nhà và phải vẽ mất gần 1 tháng mới xong.
Nhắc đến vụ trộm tranh từng trở thành câu chuyện bàn tán của dư luận miền rẻo cao, anh Vủi tiếc nuối: "Bộ tranh ấy nhà tôi bao năm cố gắng gìn giữ, nhưng nào ngờ. Thời điểm mất tranh là tháng 8 năm 2008,".
Anh Vủi cho rằng, có hai người đến nhà anh tìm mua trâu. Buổi đó ở làng không có nhà nào định bán trâu cả, rồi một người vào nhà anh nói nhà xa, trời tối nên không về kịp, muốn được ngủ nhờ.
Một người khác đi cùng lúc đó được cho là đã đi nhà khác ngủ, rằng để tránh nhiều người lại làm phiền gia chủ.
Theo miêu tả của gia đình anh Vủi, hai tên trộm khoảng ngoài 30 tuổi, vẻ ngoài điềm đạm. Vốn thật thà, buổi đó Vủi bắt gà mổ, rồi múc chum rượu đãi khách thịnh soạn.
Tiếc nuối vì mất tranh quý
Anh Vủi cho biết, trước đó đã từng có nhiều đoàn người ở xuôi lên mua tranh của gia đình anh, họ thổi giá xấp xỉ cả trăm triệu đồng bộ tranh của gia đình anh.
Nhưng vì là vật vô giá, lại mang nhiều màu sắc linh thiêng, huyền bí nên gia đình anh đã quyết không bán nhưng nào ngờ giữ không được.
|
Bà Chản một mực cho rằng con trai bà chết là vì gia đình làm mất tranh. (ảnh: Phàn Giào Họ) |
Kể về ngày bức tranh "bốc hơi", anh Vủi rầu rĩ: “Người đàn ông ấy tên Thiên. Trông ông ấy hiền hậu, lại nghĩ thương ông ấy vì đường xa nên mời ở lại ăn cơm và cho ngủ. Trong bữa cơm đêm đó, ông ấy nói không uống được rượu nên tôi không ép, có điều ăn xong cơm người này kêu mệt nên xin phép ngủ luôn.
Bản thân tôi rượu say quá, nên ăn xong cơm bò lên giường ngủ một mạch đến sáng. Đêm hôm đó, chúng tôi không hề biết chuyện gì đã xảy ra”, anh Vủi kể.
Vủi bảo, đến khi mặt trời đã lên đến chóp núi, anh mới mắt nhắm mắt mở nghe tiếng hét thất thanh của mẹ mình rằng những bức tranh đang treo xung quanh bàn thờ đã không cánh mà bay.
Anh bật dậy, trong bụng nghĩ ngay đến người lạ kia , rồi vội vàng ngó vào giường dành cho khách thì người đàn ông tên Thiên đã biết mất.
Buổi đó cả gia đình Vủi nghi ngờ rằng, rất có thể trước lúc trộm tranh cả nhà đã bị gã người lạ đánh thuốc mê. Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ khả năng gã đã lên kế hoạch từ trước và có hỗ trợ tẩu thoát nhanh từ bên ngoài nên cả nhà không ai phát hiện.
Vụ trộm tranh bấy giờ đã gây xôn xao cả một vùng, để tránh những hậu vận không hay từ vụ mất tranh, gia đình Cuối đã cất công xuống đến tận huyện Quang Bình để thuê một người khác vẽ lại loại tranh này với giá lúc đó là 7 triệu đồng.
Nói là giá đó, nhưng lúc đó cũng phải bán hai con trâu mới mua được bộ này.
Vủi bảo, bộ về sau gia đình anh thuê chỉ có 8 bức, không đầy đủ như bộ trước. Sau khi đưa tranh về, gia đình Vủi đã thuê thầy cúng giỏi nhất về cúng báo cho tổ tiên về sự mất cắp không đáng có.
Đồng thời, gia đình cũng xin được thờ một bộ tranh mới và mong rằng mọi chuyện sẽ êm xuôi nào ngờ nhiều tai ương sau đó ập đến.
Tuổi già, xương cốt cứ đi là kêu cọt kẹt, hàng ngày bà Chản chỉ quanh quẩn trong ngoài nhà rồi tựa vào chiếc ghế gỗ để ngoài cửa nhìn xa xăm.
Song nói về ngày con trai bà lâm bệnh nặng bà vẫn nhớ như in và khăng khăng cho rằng nguyên nhân ấy là do lỗi mất tranh.
Bà Chản vẫn còn nhớ, thuở con trai ốm bà cùng cháu trai xách con gà đi hỏi thày bói thì người ta phán con bà bị ma phạt nên toàn thân không thể cử động.
Cả nhà sau đó cũng đi nhiều nơi cắt thuốc nam, đưa đi bệnh viện điều trị nhưng bệnh liệt toàn thân vẫn vận vào người.
Buổi trưa nọ, mọi chuyện càng khó tin khi bố Vủi (tức con bà Chản-PV) đang nằm liệt bỗng đứng phốc dậy, đi đi lại lại quanh nhà.
Mọi người thấy thế mừng rơn, về sau thấy không bình thường nên cả nhà súm lại ôm chân ông.Có điều cả chục người ôm cũng không giữ nổi một người liệt, sau đó người đàn ông này vào rừng và chết bên gốc cây.
Theo gia đình bà Chản, kể từ đó đến nay nhà bà thường không nuôi được gia súc gia cầm. Hoặc hễ cứ nuôi được lớn thì dịch bệnh ào đến cuốn sạch. Nhiều thày mo lại cho rằng chỉ có cách tìm lại những bức tranh đã mất thì vận rủi mới hết ám gia đình.
Khi tìm hiểu về gốc tích của loại tranh đầy bí ẩn này, chúng tôi mới hiểu không chỉ riêng gì gia đình anh Vủi mới bị trộm nhắm tới, mà có hàng loạt những vụ trộm khác cũng được thực hiện một cách tinh vi và trót lọt.
Chính những vụ trộm này đã khiến dư luận miền núi bất bình và gây hoang mang cho những gia đình đang sở hữu những bộ tranh quý này.
Kỳ tới: Những kỳ án trộm tranh ở Hà Giang (kỳ 3): Nghi án đánh thuốc mê, trộm 2 bộ tranh trị giá gần tỷ đồng