Từng được trả gía hơn 200 trăm triệu đồng bộ tranh, nhưng gia đình ông Trình vẫn kiên quyết không bán, song hiện tại đang phải hoang mang sợ mất cắp.
LTS: Những bộ tranh dân tộc có niên đại hàng trăm năm được vẽ bởi những họa sỹ tài ba thời xưa đã trở thành món hàng có giá trị “khủng”. Chính bởi thế, đã có rất nhiều bộ tranh bỗng dưng biến mất một cách kỳ lạ, đặc biệt nhiều lời đồn thổi cho rằng ở đâu đó có những tên trộm có khả năng "tàng hình" đang rình rập hòng trộm những bộ tranh này.
Bí ẩn dòng tranh quý
Những già làng người Dao đỏ ở Hà Giang kể rằng, tranh thờ cúng của dân tộc này trước đây vốn được người xưa thuê họa sỹ giỏi bậc nhất vẽ, có người lắm của cải còn thuê hẳn họa sỹ Trung Hoa sang.
Người ta truyền tai, để có những bức tranh tài hoa như thế mỗi gia đình phải mất vài con trâu cà để thuê họa sỹ, hoặc thậm chí bỏ hết gia sản là đồng bạc, trang sức bạc để được sở hữu loại tranh "độc" này.
|
Một trong những bức họa nằm trong bộ tranh quý của người Dao. (ảnh: Phàn Giào Họ). |
Theo ông Phàn Chòi Nhàn, trú tại thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) thì loại tranh thờ chuẩn của người Dao hiện tại còn lại không còn nhiều.
Những bộ tranh đầy đủ có thể có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng.
Có điều người ta vẫn ngã giá thế, nhưng dòng tranh này vốn mang màu sắc linh thiêng được thờ trong các ngày lễ trọng đại nên ít khi được dân bán, mặc dù vẫn có người hỏi.
Chúng tôi tìm gặp ông Triệu Văn Trình, ở thôn Nà Khao, xã Yên Thành (huyện Quang Bình, Hà Giang), gia đình ông Trình là một trong những hộ hiếm hoi còn lưu giữ lại những bức tranh thờ được cho là chuẩn nhất, có niên đại lên đến hàng trăm năm.
Theo ông Trình tiết lộ, tranh thờ của gia đình ông đến hiện tại phải có tuổi gần ba thế kỷ, tuy nhiên thời gian không làm cho màu sắc của tranh thay đổi hay phai mờ mà vẫn giữ được vẻ nguyên vẹn như hồi mới vẽ.
Cụ Triệu Sùn Phây (85 tuổi, bố ông Trình-PV) cho biết, tranh của gia đình cụ có tất cả là 18 bức, người họa sĩ hồi đó được ông nội của Phây thuê vẽ có tên là Hãn Chiêu.
Sổ ghi chép tên ông ta là thế, chứ cụ Phây cũng lắc đầu nguầy nguậy chịu bó tay vì chưa từng biết mặt mũi người họa sỹ này, cũng không có ảnh khắc họa ông ta.
Chỉ biết nhiều người đến gia đình rồi đánh giá tranh mà gia đình ông cất giữ là quý giá bậc nhất.
Cụ Phây phân tích, tranh thờ của người Dao bao gồm hai loại mang sắc thái khác nhau: Một bộ có hình ảnh đa chiều phản ánh độ sâu của văn hóa đồng bào miền núi, người Dao gọi là bộ Mùi Mủi ( ý là tranh đàn chị-PV), còn một loại nữa là tranh đàn em, số lượng ít hơn gọi là bộ Mùi Nái (tức tranh đàn em -PV).
“Hiện tại gia đình tôi đang sở hữu là bộ Mùi Mủi, bao gồm 18 bức, còn một loại nữa gọi là Mùi Nái thì chỉ có 6 bức. Theo quan niệm của người Dao chúng tôi, chỉ khi làm lễ cấp sắc, hoặc tiễn vong linh người chết mới dùng đến những bộ tranh này. Đây cũng là hai tục lệ quan trọng nên mới dùng đến chúng”, cụ Phây nói.
Tuy nhiên, cũng có thời điểm dư luận vùng cao tranh cãi rằng, vẫn có những bộ tranh dân gian của người Dao.
Nhưng lại chỉ có 12 bức, người ta từng thành lập hội đồng các già làng để so sánh và kết luận mơ hồ rằng, rất có thể tranh được chia làm 3 bộ.
Mặc dù vẫn chưa có một nghiên cứu nào rõ ràng, song thực tế cho thấy có rất nhiều kẻ đang rình rập để được sở hữu những bộ tranh cổ này.
Nỗi lo mất tranh
Theo nhiều người Dao ở Hà Giang, vào khoảng thời điểm năm 2006, tranh thờ của người Dao dường như rộ lên cơn sốt bởi nhiều kẻ lùng tìm.
Người ta kể lại, buổi đó có rất nhiều nhóm người đã đi xe máy vào từng bản làng xa xôi của đồng bào để tìm kiếm loại tranh cổ này. Có điều chẳng ai chịu bán, nhưng ngặt nỗi không bán thì...mất.
Ông Triệu Văn Trình cho biết, đến thời điểm hiện tại, vì có quá nhiều vụ trộm diễn ra nên gia đình ông vô cùng hoang mang.
Ông Trình cho biết, năm 2006 từng có một nhóm người vào làng ông lùng xục tìm tranh và tạt vào nhà ông hỏi, thậm chí ra giá 200 triệu nhưng gia đình vẫn nhất quyết không bán.
|
Ông Trình lo sợ tranh của gia đình bị đánh cắp. (ảnh: Phàn Giào Họ). |
“Đây là loại tranh hiếm và quý, lại là của hồi môn thời của các cụ để lại nên chúng tôi tuyệt đối không mang ra bán. Bình thường không có việc gì dùng đến thì người nhà không dám mở cả. Gần đây, có người đến nhà hô với giá vượt ngưỡng 200 triệu đồng và đòi xem tranh nhưng chúng tôi không đồng ý”, ông Trình nói.
Cũng trong buổi trò chuyện, người viết đề nghị được "mục sở thị" bộ tranh, song cũng bị ông Trình từ chối.
Ông lý giải: “muốn xem được tranh cần phải mời thày mo về cúng mới mở được, hoặc mở đúng ngày mùng 6/6 (âm lịch) mới được, bởi vì dân tộc mình cực kỵ”.
Ông Trình khẳng định như đóng đinh rằng, hiện nay ở cả xã Tân Thành không có người thứ hai sở hữu bộ tranh như ông nữa.
Vào những dịp lễ, người làng thường mượn tranh của ông đi thờ, mỗi lần mượn như thế họ đều cho người nhà một miếng thịt lợn.
Có điều, vì lo sợ mất tranh những ngày như thế gia đình ông đều phải cử người nhà thay nhau trông coi.
Nhiều lời đồn trong cộng đồng người Dao cho rằng, cách đây vài năm, có một đoàn nhà khảo cổ học và đài truyền hình huyện đã lên xã Nậm Ty xin được quay phim bộ tranh và thanh kiếm báu được cho là gốc tích duy nhất còn sót lại của dòng tộc này, nhưng vì không cúng bái.
Nên sau đó, gia đình này đã gặp phải rất nhiều tai ương, đẩy những thành viên trong gia đình này vào hoản cảnh dở khóc dở cười.
Kỳ tới: Những kỳ án trộm tranh ở Hà Giang (kỳ 2): Phi vụ đánh cắp tranh quý núp bóng thương lái buôn trâu.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Mạnh Hùng, phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Mê cho biết: “trên địa bàn huyện chúng tôi cũng có khá nhiều đồng bào người Dao đỏ sinh sống. Quả thực nhiều lần quan sát đồng bào ở đây làm lễ cấp sắc, tôi thấy người ta hay treo loại tranh thờ có hình hài ghê rợn này. Tôi cũng đoán đây chắc chắn là tài sản rất quý của người dao, phòng Văn hóa huyện vẫn luôn tích cực góp ý cho người dân trên địa bàn nên bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần lâu đời”. |