“Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh.”
Chiều, đi trong lòng phố Huế, thả hồn theo ca khúc “Như cánh vạc bay” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lòng tôi chợt bâng khuâng khó tả…
Không biết tự bao giờ, tôi yêu các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và mến mộ người nhạc sĩ tài hoa này. Nói về nhạc Trịnh, ắt hẳn đã tốn rất nhiều giấy mực. Riêng tôi, Trịnh là cõi lòng sâu kín, là những nỗi niềm không tên, bỗng dưng chạm tới đáy tâm hồn.
Gia tài âm nhạc của Trịnh có hơn 600 ca khúc đi vào lòng người và lưu danh hậu thế. |
Gia tài âm nhạc của Trịnh có hơn 600 ca khúc đi vào lòng người và lưu danh hậu thế. Mỗi ca khúc là một câu chuyện về tình yêu, về quê hương, về thân phận con người. Giai điệu trong nhạc Trịnh nhẹ nhàng, sâu lắng và sang trọng. Ca từ mộc mạc, gần gũi và đầy triết lý, nhân văn. Điều đặc biệt, Trịnh có nhiều ca khúc viết về Huế, mang tính cách, âm hưởng và hơi thở của Huế dù rằng không hề có một từ “Huế” nào trong các ca khúc ấy.
Không chỉ tôi mà tất cả những người đã sinh ra và sống ở Huế khi nghe các ca khúc ấy sẽ nhận ra “Huế” hiển hiện trong đó. Huế trong “Diễm xưa” với hình ảnh người con gái mỏng manh, ngày ngày ngang qua hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường. Hay hình ảnh “Chiều một mình qua phố (cầu Tràng Tiền ) để âm thầm nhớ nhớ tên em” qua ca khúc “Chiều một mình qua phố”. Và Huế vào hạ trong “ Hạ trắng” khi “ gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay”, cả hình ảnh “đường Phượng Bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau” trong ”Mưa hồng”…
Trịnh có nhiều ca khúc viết về Huế, mang tính cách, âm hưởng và hơi thở của Huế. |
Có lẽ, chính khoảng thời gian gắn bó với Huế khiến Huế tự nhiên đi vào lời ca của Trịnh mà không cần gượng ép. Thế nên, nghe Trịnh, ta âm thầm nghe chất Huế trầm mặc, ưu tư trong đó. Bởi vậy, không khó để hiểu rằng, người Huế rất yêu Trịnh, yêu bằng thứ tình cảm chân chất dành cho nơi mà họ đã sinh ra và lớn lên.
Giữa những ngày mùa hạ, trong tiết trời nắng nóng, Huế vẫn giữ được nét trầm mặc. Lang thang ngang qua thành nội, tản bộ dưới hàng cây xanh thắm, nghe tim mình bình yên quá đỗi. Vô tình, tôi ghé một góc nhỏ du dương lời Trịnh, đó là một không gian yên tĩnh, có tên Cafe Chiều. Vào những chiều cuối tuần, tôi thường lặng lẽ đến đây một mình. Bên tách café, đắm mình trong những ca từ của Trịnh, cảm giác như bao bộn bề, lo toan đã ở lại đằng sau. Quán café tọa lạc trên đường Đặng Thái Thân mang phong cách xưa gắn liền với những bản nhạc Trịnh Công Sơn. Hẳn những tâm hồn yêu Trịnh sẽ nhớ đến quán café Chiều khi một lần ghé chân nơi đây.
Ngoài Cafe Chiều, tôi còn có dịp ghé thăm nhiều quán cafe nhạc Trịnh khác. Đa số những quán này được bài trí mộc mạc và ấm cúng, song mỗi quán đều có một phong cách riêng. Ví như: Cafe Thiên Trúc (đường Ông Ích Khiêm) lãng mạn nghiêng mình trên thượng thành nội, Cafe - Gallery Chiêu Ê (đường Minh Mạng) với cách bài trí tinh tế và trang nhã qua đôi mắt của họa sỹ nổi tiếng Hoàng Đăng Nhuận, Cafe Xưa (đường Trần thúc Nhẫn), Café Đời nghiêng (đường Hàn Mạc Tử)... Ở đây, tôi bắt gặp những tâm hồn yêu nhạc Trịnh. Cũng như tôi, họ đều đến và coi đây như một chốn hẹn hò, nơi tìm lại cho mình sự bình thản trong tâm hồn hay chỉ đơn giản là được đến với nhạc Trịnh theo cách thích hợp nhất với mình.
Góc Trịnh ở Huế không chỉ là những quán cafe có tên tuổi, mà có thể là những quán cafe cóc ven đường hay trong những ngôi nhà nhỏ trên phố cũng cất lên những bản tình ca của Trịnh. Đi đâu ở Huế cũng dễ bắt gặp những hình ảnh thân quen trong lời ca của Trịnh cũng như những ca khúc của Trịnh vẫn tự nhiên ngân nga khắp ngõ nhỏ ở nơi đây.
Có người bảo tôi rằng “nghe nhạc Trịnh Công Sơn giống như là nhấm nháp từng ngụm cafe hay từng ngụm trà nhỏ, từng ngụm nhỏ thôi, để nghe được cái hương vị đậm đà chầm chậm, từ từ thấm vào đầu lưỡi. Nghe nhạc Trịnh Công Sơn là phải nghe trong những lúc thư thả, không bận rộn, nghe “không cần vội vã”, nghe với “trái tim thật thà”, để thấm từng câu, từng chữ, từng lời nhạc khe khẽ, nhẹ nhàng len lỏi, luồn lách vào mọi ngóc ngách trong cơ thể, thấm vào từng mạch máu, chạm khẽ đến trái tim".
Góc Gác Trịnh ở đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Huế. |
Nhắc đến những góc Trịnh ở Huế, không thể không nhắc đến "Gác Trịnh", là căn nhà cũ mà nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã sống và sáng tác những bản nhạc đầu tiên của mình trong thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước. Căn gác nhỏ chất chứa nhiều kỷ vật và hoài niệm về người nhạc sĩ tài hoa này. Tọa lạc tại số 203/19 ở đường Nguyễn Trường Tộ, nơi các bạn bè thân thiết của Trịnh Công Sơn thường lui tới. Tạp chí Sông Hương và Ban tổ chức Gác Trịnh thường phối hợp để tổ chức nhiều chương trình tưởng nhớ Trịnh. Mỗi lần đi ngang Gác Trịnh, tôi thường đi chậm lại để nhìn lên căn gác, ngước lên hai hàng cây long não và mường tượng đến “Diễm xưa”, tưởng như vừa nghe mưa bay qua nơi này.
Vào những buổi chiều muộn, khi hoàng hôn buông xuống trên dòng Hương, tản bộ trên con đường mang tên Trịnh Công Sơn, nhìn ra bờ sông, nghe đâu đó ngân vang tình khúc Trịnh, một cảm giác lâng lâng, ma mị khó diễn tả thành lời. Huế là nơi đầu tiên có con đường mang tên cố nhạc sĩ tài hoa ấy, điều này như một lời tri ân dành cho người đã khiến Huế vốn đẹp đẽ càng đẹp đẽ hơn.
Thấm thoắt hơn nửa đời người đi qua, tôi cũng tập chiêm nghiệm và nhìn đời nhẹ nhàng như lời Trịnh từng nói. “Cuộc sống là một niềm an ủi vô bờ. Cuộc sống chỉ cho ta mà không cần lấy bớt đi. Cuộc sống cho ta tất cả và mỉm cười khi thấy ta dại dột …”.
Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc người bạn của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tặng kỷ vật cho Gác Trịnh năm 2015. |
Bén duyên với Huế hơn 30 năm, chừng ấy thời gian sống ở Huế khiến tôi cứ ngỡ như mình đã sinh ra ở đây. Từng con đường, cây cầu, góc phố, hàng cây…đều rất đỗi thân quen. Tôi nhớ cả mùi ẩm thấp của những bức tường rêu cũ kỹ, mùi của cơn mưa dầm dề dai dẳng, mùi ngai ngái của cỏ còn đậm sương đêm...để mỗi lúc đi xa tôi luôn nhớ về Huế và những góc Trịnh nơi tôi thường đến.
Phải nói rằng, Huế có nhiều góc nhỏ Trịnh và Trịnh chiếm một phần không nhỏ trong trái tim tôi. Nói lời yêu thương dành cho Trịnh và Huế, tôi không thể nói hết được lòng mình, bởi những cảm xúc, yêu mến là vô hạn. Biết rằng, Huế và những góc Trịnh nơi đây không thể thiếu vắng trong hồn tôi.
Tags: