Chính phủ vừa yêu cầu SCIC chọn thời điểm thích hợp để báo cáo Thủ tướng, quyết định việc thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn.
Đây là văn bản được Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký, trả lời Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) về việc nắm giữ vốn, đầu tư dài hạn đối với 19 doanh nghiệp tại đề án tái cơ cấu doanh nghiệp này.
Theo đó, SCIC sẽ tiến hành thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp, bao gồm những đơn vị niêm yết lớn trên sàn chứng khoán như Vinamilk, FPT, Bảo hiểm Bảo Minh...
Tính theo thị giá cổ phiếu ngày 13/10, vốn hóa thị trường của 10 doanh nghiệp này khoảng 7 tỷ USD, riêng phần SCIC đang sở hữu có giá trị khoảng gần 3 tỷ USD. Riêng với 45,1% cổ phần sở hữu, Vinamilk luôn được coi là "con gà đẻ trứng vàng" trong danh mục đầu tư với giá trị thị trường 2,46 tỷ USD.
Cũng theo quyết định này, SCIC tiếp tục được nắm giữ vốn dài hạn tại 9 doanh nghiệp, gồm Công ty Đầu tư SCIC (SIC), Công ty Khai thác và Chế biến đá An Giang; Công ty Cảng Vũng Áng Việt Lào, Công ty Đầu tư Bảo Việt - SCIC, Tập đoàn Bảo Việt, Công ty Đầu tư thương mại Tràng Tiền, Công ty Traphaco, Công ty Dược Hậu Giang, Công ty Xuất nhập khẩu y tế Domesco.
Văn bản chưa đưa ra lộ trình thoái vốn, song yêu cầu SCIC chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định tại 10 doanh nghiệp trên, nhằm đạt được lợi ích cao nhất.Nếu tái cơ cấu thành công danh mục đâu tư trên, Nhà nước có thể thu về hàng tỷ đôla Mỹ cho ngân sách.
Tuy nhiên với SCIC, đơn vị này sẽ mất đi khoản cổ tức hằng năm hàng nghìn tỷ từ các ông lớn như Vinamilk, FPT, FPT Telecom...Tính đến cuối năm 2014, tổng tài sản của SCIC đạt khoảng 69.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 31.000 tỷ. Công ty này đã bán vốn thành công tại 724 doanh nghiệp từ khi thành lập đến 31/12/2014, thu về 6.256 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với giá trị sổ sách.