"Kỷ vật lớn nhất trong đời làm nghệ thuật của tôi là những bút tích mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành tặng", tôi luôn khắc khi trong tâm trí mình. Đó là lời tâm sự của nhà thơ Vũ Lệ Thu, người tiếp xúc và lưu giữ nhiều bút tích của vị Tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.
Những kỷ niệm đi cùng năm tháng
Tôi gặp nhà thơ Vũ Lệ Thu tại nhà riêng ở Đội Cấn, Hà Nội, trong buổi sáng đầu đông se lạnh. Cùng thưởng thức ly cafe ấm áp, nhà thơ Vũ Lệ Thu trò chuyện với PV về chuyện đời, chuyện nghề. Chị thổ lộ: Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nam, khi đất nước còn trong chiến tranh. Tôi trốn gia đình, làm đơn tình nguyện tham gia du kích.
Có lẽ vì tuổi đời và vóc dáng của tôi khi đó còn quá nhỏ, nên lãnh đạo quân sự ở Nam Định không đồng ý cho tôi tham gia.
Tuy nhiên, bù lại tôi được vào Công ty xây lắp thủy lợi làm việc. Tại nơi này tôi làm việc rất chăm chỉ, hăng say. Bản thân tôi có chút năng khiếu hát chèo từ nhỏ, nên cơ quan có tổ chức văn nghệ là tôi tham gia nhiệt tình. Thấy tôi có năng khiếu, lãnh đạo cử cho tôi đi học lớp đạo diễn 18 tháng.
|
Với nhà thơ Vũ Lê Thu được gặp Đại tướng, lưu giữ những bút tích của Đại tướng sẽ là những kỉ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời của bà |
Khi tôi ra trường, với khẩu hiệu “cất tiếng hát làm át tiếng bom”. Tôi được vình dự cử đi biểu diễn hát dân ca để phục vụ các chiến sĩ tại Quân khu V, đặc biệt là buổi biểu diễn cho những thương bệnh binh, tại tỉnh Bắc Ninh.
Khi tôi vừa cất tiếng hát, bên cạnh tôi có một anh thương binh rất nặng. Tối hôm đó, tôi đi da ở con sông Đáy, tôi thấy cô y tá đẩy anh thương binh này trên chiếc xe, tôi đã nhận ra người thương binh này.
Tới gần tôi, anh cất tiếng chào và chủ động nói lời xin lỗi: “Anh xin lỗi, vì lúc em hát do vết thương của anh quá đau đớn, nên anh đã nói những lời không được đẹp trước mặt em”.
Thời gian gặp anh rất ngắn ngủi, nhưng cho mãi tới bây giờ hính ảnh người lính bị thương nặng luôn in đậm trong tâm trí của tôi. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tôi trở về địa danh cũ để tìm lại người thương binh này, nhưng không tìm thấy anh…”. Kể đến đây, nhà thơ Vũ Lệ Thu bật khóc.
Đưa tay lên gạt đi những giọt nước mắt lăn trên gò má, chị lặng người đi trong giây lát. Tôi im lặng rất lâu, để những phút giây xúc động của chị qua đi nhẹ nhàng…
Nghệ thuật dân ca là bản sắc dân tộc
Không chỉ đam mê nghệ thuật hát dân ca, nhà thơ Vũ Lệ Thu còn sáng tác nhiều bài thơ hay, trong đó có bài được giải huy chương vàng được đăng trên tập thơ “Khúc nhạc tình xuân” đó là bài: “Chuyện Kiều trong khúc hát ru”.
Bên cạnh những tài năng nghệ thuật, nhà thơ Vũ Lệ Thu còn tham gia nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội khác. Theo nhà thơ Vũ Lệ Thu, cũng chính vì yêu nghệ thuật dân ca mà chị có cơ hội được tiếp xúc với vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.
|
Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Nhà thơ Vũ Lệ Thu cho hay: Tôi cảm ơn nghệ thuật, vì thông qua đó mà tôi có dịp được tiếp xúc với vị Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Từ việc là người biểu diễn, ngâm thơ tại gia đình Đại tướng và các đoàn đại biểu tới thăm Đại tướng, tôi có một may mắn, là người đưa được nhiều đoàn đại biểu tới thăm Tướng Giáp.
Mỗi lần như vậy, tôi lại có dịp lưu giữ những bút tích của Đại tướng. Một trong những ấn tượng sâu sắc nhất, đó là năm 2000, tôi đưa một đoàn đại biểu là các nhà giáo ưu tú đi tham quan và báo công với Bác Hồ (tại khu di tích lịch sử K9, Đá Trông, Sơn Tây, Hà Nội) Tôi đã đọc bài thơ “Dâng người khúc hát dân ca”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe xong rất xúc động.
Sau đó, đích thân tôi đã tới gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp xin chỉ thị của Đại tướng về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bút tích của Đại tướng. Dứt lời nhà thơ Vũ Lệ Thu mở chiếc cặp da đen đưa cho tôi xem bút tích của Đại tướng.
Cầm bút tích của Đại tướng trên tay, nhà thơ Vũ Lệ Thu nói: “Đây là kỷ vật lớn nhất của tôi trong cuộc đời làm nghệ thuật. Tôi luôn khắc ghi hình ảnh, khi Đại tướng đưa cho tôi bút tích với lời dặn dò: “Mong các cháu hợp lực, cố gắng học tập, phát huy và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam ta”chi tiết này khiến tôi rất xúc động và cả niềm tự hào”.
Chính những lời dặn của Đại tướng là nguồn động lực lớn lao giúp chị hăng say làm việc và chị thường nhắn nhủ với bản thân mình: “Người làm nghệ thuật không chỉ có năng khiếu mà còn phải có tâm và cảm xúc thật sự xuất phát từ trái tim”.
Theo chia sẻ của nhà thơ Vũ Lệ Thu: “Tôi có một ý tưởng là, làm thế nào để đưa được những khúc hát dân ca vào sách tiểu học, vì những khúc hát ru là những bài học đầu đời của con trẻ. Và làm thế nào để được nói chuyện dân ca với các tầng lớp trong xã hội, để mọi người yêu nghệ thuật dân ca như lời Bác Hồ căn dặn trước lúc Người đi xa”. Hiện nhà thơ Vũ Lệ Thu là Trưởng phòng Giáo dục Văn hóa truyền thống, Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam. Ngoài công tác chuyên môn, thời gian rảnh chị còn đi dậy miễn phí cho tất cả những ai yêu thích môn nghệ thuật dân ca. Với nhà thơ Vũ Lệ Thu, sống là sự cho đi không điều kiện… |