Ca sĩ Quang Hào tin tưởng hoạt động văn hóa nghệ thuật tại Đà Nẵng sẽ phát triển tương xứng, song hành với du lịch của thành phố.
Sau khi phối hợp Trung tâm Nghệ thuật Uijeongbu (Hàn Quốc) tổ chức chương trình "K-Cultural Show - Hai ngôi sao tình yêu", nghệ sĩ Trần Quang Hào tiếp tục đảm nhận vai trò chỉ đạo nghệ thuật cho chương trình liveshow "Bằng Kiều - Để nhớ một thời ta đã yêu" tại TP Đà Nẵng vào 20h tối 26/8 ở Nhà hát Trương Vương.
Trao đổi cùng Pháp Luật Plus, quyền Giám đốc Nhà hát Trương Vương ông Trần Quang Hào chia sẻ về sự kiện ấp ủ của anh trong thời gian tới.
- Bí quyết nào giúp anh đưa Trung tâm nghệ thuật nổi tiếng hàng đầu Hàn Quốc đến TP Đà Nẵng biểu diễn chương trình "K-Cultural Show - Hai ngôi sao tình yêu”?
Giám đốc Trần Quang Hào: Phải nói là do chữ "Duyên". Đầu tiên, chương trình được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (1992-2017). Sau thời gian thăm dò từ khắp cả nước, phía bên Hàn Quốc quyết định chọn Nhà hát Trương Vương Đà Nẵng là nơi biểu diễn.
Chúng tôi đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của phía bạn, cũng như họ ấn tượng trước dịch vụ, cung cách làm việc, phục vụ của chúng tôi nên đưa ra quyết định. Trước khi chốt hợp đồng, tôi cùng lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng đã có chuyến làm việc trực tiếp tại Hàn Quốc và thực sự ấn tượng trước hiệu ứng của chương trình và nhìn nhận để quảng bá chương trình một cách tốt nhất.
|
Chương trình "K-Cultural Show - Hai ngôi sao tình yêu" gây tiếng vang, bởi chất lượng nghệ thuật và công nghệ 3D tiên tiến, hiện đại. |
- Điều anh ấn tượng nhất về chương trình "K-Cultural Show - Hai ngôi sao tình yêu” là gì?
Giám đốc Trần Quang Hào: Sau khi nhận nhiệm vụ tại nhà hát, tôi mong muốn từng ngày đổi mới, mang về những chương trình văn hóa nghệ thuật (VHNT) ngày càng tốt hơn. Khi tìm hiểu, tôi thấy K-Pop tạo hiệu ứng sôi động, hấp dẫn cho thị trường âm nhạc, nghệ thuật nói chung và các bạn trẻ nói riêng.
Hiệu ứng K-Pop được nhiều bạn trẻ trên thế giới đón nhận và chương trình này có sự kết hợp giữa truyền thống, hiện đại, nội dung giáo dục sâu sắc, chất lượng nghệ thuật cao, cùng công nghệ điện ảnh hiện đại. Nó tập hợp những tinh túy nhất của văn hóa đương đại Hàn Quốc và là sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao.
- Anh có tiếc hay không khi việc họp báo công bố chương trình quá sát ngày biểu diễn, khiến nhiều khán giả tiếc nuối không theo dõi được chương trình?
Giám đốc Trần Quang Hào: Do sự ràng buộc thủ tục cấp phép, thị thực... nên việc triển khai công tác truyền thông cho sự kiện đặc biệt này bị chậm trễ. Nhiều khán giả tiếc nuối khi không có cơ hội vào khán phòng theo dõi trực tiếp vở nhạc kịch kể trên.
Điều tôi vui nhất là khán giả vào xem thực sự ấn tượng, hiểu được sâu hơn về K-Pop không đơn thuần chỉ là những clip ca nhạc chiếu trên truyền hình, mà ẩn sau là cả văn hóa của Hàn Quốc.
Họ đánh giá cao về chất lượng, hình ảnh lẫn về mặt nghệ thuật mới là điều tôi vui nhất. Các bạn Hàn Quốc cũng hẹn sẽ có thêm nhiều chương trình nghệ thuật hay đến với nhà hát, với Đà Nẵng ở những lần tiếp theo.
|
Nghệ sĩ Quang Hào có những chia sẻ thẳng thắn về nghệ thuật cũng như những tham vọng ấp ủ trong công việc. |
- Vừa làm người nghệ sỹ trên sân khấu, lại vừa quán xuyến vai trò quản lý nhà hát, lo chuyện "cơm, áo, gạo, tiền" cho cả mấy trăm con người là chuyện không dễ?
Giám đốc Trần Quang Hào: Ngày mới chân ướt chân ráo nhận nhiệm vụ lãnh đạo thành phố trao, tôi còn nhiều bỡ ngỡ trong công tác quản lý tài chính, quản lý nhân sự. Tuy nhiên, điều ấy tôi cũng dự trù trong đề án trình lên lãnh đạo thành phố và Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng, trước khi làm lãnh đạo nhà hát.
Điều quan trọng là sự nhạy cảm, nhạy bén trong công tác biểu diễn nghệ thuật đến khi làm quản lý. Cứ làm nghệ thuật tử tế, chất lượng cao ắt sẽ kéo được khán giả đến với mình. Có làm được việc ấy, nhà hát mới sống, cán bộ nhà hát mới sống được.
Điều tôi mong muốn là có thêm nhiều sự kiện, hoạt động VHNT tại TP Đà Nẵng và nhất là đưa khán giả trẻ đến với nhà hát Trương Vương. Tôi muốn xóa bỏ quan niệm nhà hát chỉ phục vụ cho các hoạt động chính trị của thành phố, chỉ người trung niên, lớn tuổi mới đến nhà hát.
- Mô hình hoạt động mới của nhà hát sẽ ra sao thưa ông?
Giám đốc Trần Quang Hào: Nhà hát Trương Vương còn phải là nơi các bạn trẻ hào hứng đến và trở thành không gian hóa, trung tâm VHNT của thành phố. Tôi không thích làm nghệ thuật mà giá rẻ, mà cần những chương trình nghệ thuật chất lượng, giá trị về cả hai nghĩa. Việc Nhà hát Trương Vương tổ chức liveshow của ca sĩ Bằng Kiều, Lam Phương trong tháng 8 và tháng 9/2017 cũng vì lẽ ấy.
Cần những thay đổi, chuyển mình để Nhà hát Trương Vương vẫn "đỏ đèn" hoạt động cho đến tận 1-2h sáng, bằng việc phát triển các mô hình: điện ảnh, ca nhạc, phòng trà, thu âm, dịch vụ kèm theo... tại các khu vực còn trống ngay trong nhà hát.
|
Liveshow của Bằng Kiều có mặt ở Đà Nẵng cũng nhờ sự nỗ lực của Nhà hát Trương Vương. |
- Có ý kiến cho rằng giá thuê của nhà hát thời điểm này đắt hơn trước đó?
Giám đốc Trần Quang Hòa: Hiện tại, nhà hát Trương Vương đang trong quá trình tự chủ từ 100% hỗ trợ ngân sách, sang chỉ còn 50% hỗ trợ từ thành phố. Để phù hợp thời thế mới, thành phố đầu tư hỗ trợ mua thiết bị âm thanh chất lượng, thay vì đi thuê như trước đây.
Ngay như chiếc micro để ca sĩ biểu diễn trên sân khấu đã có giá hơn 170 triệu đồng. Điều ấy cho thấy chất lượng âm thanh, ánh sáng tại nhà hát đã lên tầm mới. Các đơn vị đến tổ chức sự kiện tại nhà hát cũng không phải đi thuê, giảm bớt giá thành, trong khi chất lượng chương trình lại nâng cao. Điều đó sẽ được thể hiện rõ qua chương trình liveshow của ca sĩ Bằng Kiều vào tối 26/8 tới đây.
- Anh đánh giá sao về thị trường VHNT TP Đà Nẵng vào thời điểm này?
- Giám đốc Trần Quang Hào: Tôi thấy Đà Nẵng là thị trường màu mỡ cho các nhà tổ chức sự kiện. Dù hiện tại hoản cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với nhịp độ phát triển du lịch của TP Đà Nẵng ngày càng cao, thì nghệ thuật có thể lên ngôi cùng, phát triển song hành với du lịch.
Hiện tại, dân Đà Nẵng có khoảng 1 triệu người, trong khi chúng ta tiếp đón khoảng 3,5 triệu lượt khách một năm. Đồng nghĩa, cứ 1 ngày 1 người dân Đà Nẵng lại tiếp đón 3,5 vị khách đến thành phố. Để thu hút du khách đến, ở lại và trở lại Đà Nẵng, chúng ta còn cần cả những hoạt động văn hóa, nghệ thuật bên cạnh các hoạt động du lịch, giải trí.
Với xu thế phát triển ấy, chúng ta càng cần sự đầu tư bài bản, dài hơn và hướng đến những sản phẩm chất lượng, bắt mắt cả về nội dung và hình ảnh, tôi tin rằng môi trường phát triển VHNT Đà Nẵng sẽ dần tiệm cận với Hà Nội và TP HCM.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!