Nội dung thanh tra gồm việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Thực hiện thanh tra ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng
Ngày 17/5, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 324/QĐ - TTGSNH2 thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng.
Theo đó, nội dung thanh tra gồm việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
 |
Ngân hàng Nhà nước thanh tra hoạt động kinh doanh vàng từ năm 2020 đến nay (Ảnh minh họa - tác giả Lê Hải). |
Đồng thời, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Nội dung của quyết định nêu rõ, thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.
Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành: Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Thời gian thanh tra 45 ngày và đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra theo đúng quy định của Luật Thanh tra và các qui định có liên quan.
Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các phiên đấu thầu bán vàng miếng nhằm tăng cung trên thị trường.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã thực hiện công bố rộng rãi các thông tin liên quan đến việc đấu thầu, kết quả đấu thầu vàng miếng.
Từ 19/4/2024 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 07 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC với tổng khối lượng trúng thầu là 27.200 lượng (tương đương khoảng 1,02 tấn).
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng vào các ngày 21/5/2024 và 23/5/2024. Khối lượng vàng đặt thầu tối thiểu ở mức 500 lượng và khối lượng đặt tối đa là 4.000 lượng. Khối lượng vàng đấu thầu vẫn ở mức 16.800 lượng.
Giá vàng trong nước giảm, giá thế giới tăng
Mở cửa sáng ngày 17/5, giá vàng SJC niêm yết tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC đang ở mức 87,5 – 90,0 triệu đồng/lượng (theo chiều mua vào – bán ra).
Ghi nhận giá vàng miếng SJC niêm yết ở các thương hiệu lớn khác cũng đang dao động quanh mức 90 triệu đồng/lượng.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC đang được niêm yết ở mức 87,45 – 89,5 triệu đồng/lượng (theo chiều mua vào – bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng theo chiều mua vào so với phiên mở cửa ngày hôm trước.
Tại PNJ, giá vàng SJC đang được niêm yết ở mức 87,5 – 89,9 triệu đồng/lượng (theo chiều mua vào – bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng theo chiều mua vào so với phiên mở cửa ngày hôm trước.
 |
Giá vàng niêm yết tại SJC sáng 18/5. |
Trong khi đó, tại Doji, giá vàng SJC đang được niêm yết ở mức 87,4 – 89,5 triệu đồng/lượng (theo chiều mua vào – bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng theo chiều mua vào so với phiên mở cửa ngày hôm trước.
Trên thị trường thế giới, sau khi đi ngang hồi đầu tuần, nhưng đang trên đà tăng mạnh vào giữa tuần. Vào lúc rạng sáng 16/5 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 2.413,1 USD/ounce.
Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới hiện có giá 74,0 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Như vậy, so với giá vàng thế giới, giá vàng miếng SJC đang cao hơn khoảng 15,9 triệu đồng/lượng còn giá vàng nhẫn SJC đắt hơn khoảng 3,5 triệu đồng/lượng.
Các chuyên gia nhận định giá vàng vẫn tăng trong thời gian tới nhờ được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng USD. Thêm vào đó, giá vàng cũng được hỗ trợ thêm bởi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4 vừa công bố tăng ít hơn dự kiến, làm tăng khả năng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Về trung và dài hạn, Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, nhu cầu nắm giữ kim loại quý tại một số ngân hàng trung ương và hoạt động gia tăng của các quỹ đầu tư, giá vàng thế giới trong tương lai sẽ còn đi lên.