Chiều 31/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 26/2024/NĐ-CP ngày 1/3/2024 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp. Đến dự và phát biểu khai mạc có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc.
Đồng chí Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp và đồng chí Phạm Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ đồng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, trên cơ sở các định hướng của Đảng và Pháp luật của Nhà nước, công tác hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp đã có nhiều sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Sự hợp tác này phát triển ở cả trên bình diện song phương, khu vực và đa phương, ở cả cấp độ Trung ương và địa phương, cho tới các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp khác nhau.
|
Toàn cảnh Hội nghị. |
Thông qua sự hợp tác này, các cơ quan, tổ chức và người dân Việt Nam có được cơ hội để chia sẻ, học hỏi có chọn lọc các kinh nghiệm tốt, phù hợp của các nước; đồng thời giúp cộng đồng quốc tế hiểu được những chính sách pháp luật của Việt Nam và nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong xây dựng pháp luật, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và xây dựng môi trường thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, hợp tác quốc tế là một quá trình vừa hợp tác lại phải vừa đấu tranh, vừa phải thúc đẩy lại vừa phải bảo đảm đúng định hướng nguyên tắc, quan điểm của Đảng, quy định pháp luật Việt Nam và các nguyên tắc nền tảng của pháp luật quốc tế, như bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
|
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc. |
Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2024/NĐ-CP sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hợp tác quốc tế của các cơ quan, tổ chức Việt Nam về pháp luật và tư pháp cũng như là quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Để tổ chức thực hiện tốt các nội dung của Nghị định số 26/2024/NĐ-CP, Thứ trưởng đề nghị đại diện các cơ quan, tổ chức tham dự Hội nghị nghiên cứu kỹ nội dung Nghị định này và cùng trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp trình bày bối cảnh ban hành và những nội dung chính của Nghị định số 26/2024/NĐ-CP.
|
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp Nguyễn Hữu Huyên. |
Đồng chí cho biết, trong suốt một năm rưỡi qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ các phương án hoàn thiện nội dung quản lý nhà nước đối với các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.
Đến ngày 01/3/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2024/NĐ-CP về quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.
Nghị định số 26/20024/NĐ-CP sẽ khắc phục các tồn tại, hạn chế của công tác quản lý nhà nước trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc đề xuất, triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp; tăng cường biện pháp đảm bảo các hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực này đúng định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
|
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp Đào Quý Lộc. |
Bên cạnh đó, Nghị định sẽ làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan có liên quan và thực hiện phân cấp, phân quyền cho các cơ quan, chính quyền địa phương trong quyết định, thực hiện và quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp phù hợp với thực tiễn.
Đồng chí Đào Quý Lộc, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp cho biết, để triển khai và đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Nghị định số 26/2024/NĐ-CP trong phạm vi lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý, các cơ quan, đơn vị cần lưu ý một số điểm như:
Thứ nhất, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, công văn triển khai Nghị định; qua đó xác định đầy đủ các nội dung công việc cần thực hiện, nhất là những nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, thời hạn hoàn thành cũng như trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong tổ chức thi hành Nghị định.
|
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ Phạm Thu Hằng. |
Thứ hai, xác định hợp lý một đầu mối giúp quản lý các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp trong phạm vi bộ, ngành, địa phương để đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu trong lĩnh vực này.
Thứ ba, thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước; bố trí nguồn lực đảm bảo thực hiện tốt các chức năng này; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu để thương xuyên cập nhật, nắng vững các quy định pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Đảng đối với công tác này.
Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị cơ quan, tổ chức, địa phương thống nhất cách hiểu và áp dụng một số quy định của Nghị định; báo cáo tình hình thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp hàng năm;….
Ngoài ra, các đại biểu cũng được nghe đồng chí Phạm Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ đề xuất một số giải pháp tăng cường quản lý các tổ chức hội trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo đồng chí, cần thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, quản lý để nhắc nhở, chấn chỉnh hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức, hoạt động và chấp hành pháp luật và điều lệ.
Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan cũng cần phối hợp, trao đổi thông tin khi thẩm định hồ sơ của các hội, quỹ đề nghị phê duyệt các khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài…