Tham gia buổi thực hành diễn tập có 296 học sinh thuộc khối 8 Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành do Viện Khoa học giáo dục an toàn Việt Nam phối hợp hướng dẫn thực hành, thời gian thực hành bắt đầu từ 13h và đến hơn 17h30 kết thúc.
Ngoài các học sinh tham gia thực hành tại trường thì cũng có rất đông đảo phụ huynh có mặt tại đây để theo dõi và học hỏi thêm phần nào cách phòng tránh tai nạn thương tích, cũng như phương pháp dạy con ra sao để các con không dính vào các loại chất gây nghiện.
Trước khi diễn ra buổi thực hành về cách phòng chống tai nạn thương tích, các chuyên gia của Viện Khoa học giáo dục an toàn Việt Nam đã lên lớp cho các học sinh về phân biệt các loại chất gây nghiện làm ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe và tính mạng của mỗi cá nhân khi dính vào những loại chất gây nghiện này.
Hàng trăm em học sinh ngồi nghe về các loại chất gây nghiện và cách phòng tránh. |
Cụ thể các loại chất ma tuý như: Heroin, ma tuý đá, thuộc phiện, cần sa, thuốc lắc, Shisa, cỏ mỹ, thuốc lá điện tử, bóng cười…những loại chất gây nghiện này đã dần dần tấn công giới trẻ, đặc biệt phổ biến bây giờ mà các học sinh hay sử dụng là thuốc lá điện tử, bóng cười, Shisa.
Việc giảng dạy được Viện Khoa học giáo dục an toàn Việt Nam trình chiếu trên màn hình cỡ lớn lần lượt các loại chất gây nghiện, kèm theo video của những học sinh hư khi dính vào những loại ma tuý này khổ sở, vật vã và không làm chủ được mình như thế nào, chính những cách giảng dạy thực tế như vậy, hàng trăm học sinh mới biết rõ hơn tác hại của chất gây nghiện để biết còn phòng tránh và tuyệt đối không sử dụng những chất gây nghiện này.
Hướng dẫn cách sử dụng bình cứu hoả khi xảy ra cháy. |
Sau buổi diễn thuyết và trình chiếu về tác hại của các loại ma tuý là đến phần thực hành cách phòng chống tai nạn thương tích.
Cụ thể, các em được các chuyên gia hướng dẫn về cách thoát thân khi trong ngôi nhà bị cháy, khi bị đuối nước, tai nạn giao thông để các em có thể sinh tồn trong những thời điểm khó khăn nhất. Đồng thời có kỹ năng cứu người khi gặp phải tình huống tai nạn giao thông đến với người khác.
Tất cả được tạo dựng hiện trường như thật từ việc đưa các em vào lớp học, sau đó lớp bị cháy thì để khỏi bị ngạt khí hay khỏi bị chết cháy thì cần thực hiện các phương pháp gì để thoát thân.
|
Ngoài ra, các em cũng được thực hành cách sơ cứu người khi bị tai nạn giao thông, cách nổi trên mặt nước, cách sử dụng bình cứu hoả nếu bị đuối nước, hay ngôi nhà bị cháy được các chuyên gia trực tiếp “cầm tay chỉ làm” để học sinh thực hiện một cách nhanh nhạy và thông thạo.
Sau buổi thực hành rất thiết thực này, khi trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, anh Nguyễn Hùng Mạnh, là phụ huynh có con học tại Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành bay tỏ: “Đây là một buổi thực hành vô cùng cần thiết và ý nghĩa đối với học sinh, bởi lẽ, hiện các em vẫn chưa có kỹ năng để phòng tránh cũng như cách thoát thân khi xảy ra sự cố như cháy nổ hay đuối nước, sau buổi học này, các em đã trang bị được cho mình phần nào kiến thức cũng như khả năng để sinh tồn lỡ may khi gặp phải các tình huống tương tự xảy ra”.
|
Còn em Nguyễn Anh Tuấn, một học sinh khối 8 của Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành thì chia sẻ: “Mặc dù hơn 4 tiếng vừa nghe, vừa thực hành các tình huống phòng chống tai nạn thương tích cũng như kỹ năng sinh tồn em rất mệt, nhưng em lại rất vui vì qua buổi học và thực hành này, em đã trang bị được nhiều kiến thức để phòng tránh những điều không may có thể đến với mình, đồng thời có khả năng hỗ trợ hoặc cứu người khác khi họ gặp nạn, em rất cảm ơn nhà trường đã tổ chức cho chúng em buổi thực hành này”.
|
Có thể nói, đây là một buổi thực hành về cách phòng tránh tai nạn thương tích rất thiết thực vì các em được thực hành trực tiếp chứ không chỉ ở trên sách vở, chính vì vậy các em mới có thể bảo vệ được mình, thậm chí có thể bảo vệ được người khác khi chẳng may gặp sự cố, điều này sẽ giảm phần nào thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản cho các gia đình và xã hội, những buổi học và thực hành như vậy rất cần được nhân rộng đến tất cả các trường trên địa bàn cả nước.
Tags: