Tại phiên họp của Quốc hội chiều 2/6, các đại biểu tập trung cho ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu tại phiên họp.
Trong phát biểu tại phiên họp, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn TP Hà Nội) và nhiều đại biểu khác cho rằng, trong các lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là trong quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công, tài nguyên khoáng sản… vẫn những còn vi phạm, sai sót ở những mức độ khác nhau, còn diễn ra tình trạng lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (đoàn Hòa Bình) nhất trí với kết quả đạt được đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (TK,CLP) năm 2021 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Tuy nhiên, theo đại biểu, thất thoát, lãng phí vẫn còn diễn ra trong tất cả các ngành, lĩnh vực; kỷ luật, kỷ cương, quản lý, sử dụng tài chính, quản lý ngân sách nhà nước không nghiêm dẫn đến còn nhiều thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn vốn này.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh về việc thực hành TK,CLP trong hoạt động mua sắm phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước.
Đề cập đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đại biểu nhận định, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này chưa được đồng bộ, còn nhiều vấn đề bất cập, phát sinh tiêu cực, lãng phí…
Có cùng nhận định, đại biểu Võ Thị Minh Sinh (đoàn Nghệ An) đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực hoạt động và dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực…
Với quan điểm bộ máy nhà nước vững mạnh là điều kiện không thể thiếu để phát triển đất nước cũng như trong thực hiện chủ trương thực hành TK,CLP, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) dẫn ý kiến nhiều cử tri và các nhà chuyên môn cho rằng, kết quả đổi mới về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong thời gian qua phần nhiều mới chỉ là thay đổi về lượng, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển biến về chất.
|
Đại biểu Đồng Ngọc Ba phát biểu tại phiên họp. |
Từ đó, đại biểu đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ ban hành các nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ làm cơ sở cho việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị; khẩn trương tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) cho rằng, thực hành TK,CLP trong quản lý, sử dụng công chức, người lao động không phải tiết kiệm về số lượng mà là sử dụng đúng người, đúng việc theo yêu cầu và vị trí việc làm.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cũng cho rằng, việc để xảy ra tình trạng kit test COVID-19 không đạt chuẩn được lưu hành; sử dụng cả cho tiêu dùng cá nhân và ở các Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, cơ sở y tế vừa qua đã gây ra sự lãng phí to lớn cho xã hội, thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Còn theo đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang), việc thực thi pháp luật chưa tối ưu được thời gian cho các tổ chức, cá nhân chính là sự lãng phí lớn nhất.
Do đó, đại biểu kiến nghị, để thực hành TK,CLP, cần giảm thời gian để tuân thủ các quy định của pháp luật cho các tổ chức, cá nhân trong chính cơ quan nhà nước cũng như toàn xã hội, như giảm thời gian thực hiện nộp tiền phạt vi phạm, thời gian nộp tiền qua trạm thu phí, thời gian làm thủ tục được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp đến những việc của cơ quan nhà nước…
Để công tác thực hành TK,CLP đạt hiệu quả cao, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý (đoàn Tây Ninh) đề nghị phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân, phải tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp nhân tham gia giám sát hiệu quả.
Một số ý kiến đề nghị rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật, cụ thể hóa quan điểm của Đảng về khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm bằng các chính sách cụ thể. Bảo An (Hà Dung)