Nhiều trường hợp người lao động vay tín chấp ngân hàng qua lương nhưng chậm thanh toán, hoặc không còn khả năng trả nợ nên lo lắng hành vi của mình đã phạm tội lừa đảo hoặc chiếm đoạt tài sản.
Anh Trần Thanh Long (40 tuổi, ở Hà Nội) cho biết đã vay tín chấp bằng bảng lương của tôi ở ngân hàng A, trong suốt mấy tháng liền vẫn đóng đều nhưng thời gian gần đây công ty cắt giảm nhân sự nên anh Long bị mất việc, ảnh hưởng tới tài chính, chưa có khả năng trả nợ theo tháng cho ngân hàng. Anh Long đã trình bày với ngân hàng về khó khăn của mình, có cam kết sẽ đóng tiếp khi kiếm được việc làm nhưng ngân hàng không cho. Họ nói nếu không đóng sẽ kiện anh Long ra tòa vì tội: “Lừa đảo”.
 |
Vay tín chấp qua lương có thể trở thành tội phạm nếu "bùng" không trả nợ! |
Khi nào nợ ngân hàng trở thành quá hạn?
Căn cứ theo Điều 463, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản, như sau:“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Đối với hợp đồng vay tài sản khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Theo đó, đối với hợp đồng vay tài sản khi đến hạn thì bên vay có nghĩa vụ thanh toán tiền gốc và tiền lãi theo hợp đồng vay.
Khi thỏa thuận ký kết hợp đồng vay, trong các điều khoản về nghĩa vụ của bên vay bao giờ cũng sẽ quy định rõ thời hạn thanh toán đầy đủ, đúng hạn toàn bộ nợ gốc và lãi cho ngân hàng.
Nợ quá hạn là việc người đi vay không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Theo quy định tại Điều 20, Thông tư 39/2016/TT-NHNN, tổ chức tín dụng chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn.
Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn.
Như vậy, khi đến ngày trả nợ và lãi vay, nhưng người vay không thể trả gốc và lãi đúng theo thỏa thuận ghi nhận tại hợp đồng cho vay, thì khoản nợ này trở thành nợ quá hạn.
Nợ ngân hàng bao lâu thì bị khởi kiện?
Dưới góc độ pháp lý cũng như thực tiễn, khi vay nợ ngân hàng quá hạn thì người vay có thể bị ngân hàng kiện ra tòa yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận tại hợp đồng đã ký kết cùng nhau.
Pháp luật không quy định cụ thể đó là thời hạn bao lâu kể từ khi chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ và trong hợp đồng cho vay cũng không ghi nhận cụ thể về thời điểm phát sinh quyền này, mà phụ thuộc vào thiện chí giải quyết vấn đề của bên vay.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật tại Điều 429, Bộ luật Dân sự 2015, về thời hiệu để yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng, thời hạn sẽ là 3 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Hay theo quy định tại Điều 186, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, về quyền khởi kiện vụ án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Như vậy thì, nếu cá nhân và tổ chức nợ quá hạn ngân hàng trong vòng 3 năm kể từ ngày đến hạn thanh toán mà không trả nợ, cá nhân và tổ chức đi vay sẽ bị ngân hàng khởi kiện để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận trong hợp đồng khác.
Nên làm gì khi nợ quá hạn ngân hàng?
Về bản chất, quan hệ vay ngân hàng là quan hệ dân sự, được xác lập trên cơ sở tự nguyện của bên vay và bên cho vay. Do vậy, việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng cũng hoàn toàn trên cơ sở tự thỏa thuận của hai bên.
Khi nợ ngân hàng biến thành nợ quá hạn, thì ngoài nghĩa vụ trả nợ sẽ phát sinh thêm nhiều khoản lãi khác như quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Nếu bên vay không thực hiện nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận, dẫn đến nợ quá hạn và xâm phạm lợi ích của ngân hàng thì ngân hàng có quyền khởi kiện dân sự tại tòa.
Trong trường hợp đến hạn trả nợ mà người vay cố tình không trả mặc dù có khả năng trả nợ, hoặc có hành vi bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản, hoặc do đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp… dẫn đến không có khả năng thanh toán nợ, bên vay có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Và khi đó, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khả năng bên nợ quá hạn ngân hàng sẽ phải chịu án phạt tù, đồng thời cũng sẽ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Do vậy, nên làm gì khi nợ quá hạn? Tùy vào hoàn cảnh, khả năng tài chính của người vay, để có thêm thời gian trả nợ, bên vay nên chủ động thương lượng với ngân hàng để được ngân hàng áp dụng các biện pháp như điều chỉnh lại kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, giảm trừ nợ… tránh để nợ xấu và tránh bị khởi kiện để lại lịch sử tín dụng xấu sẽ khó khăn, thậm chí không được duyệt cho vay trong tương lai.