Có dịp đến nhiều lần, mới có thể cảm nhận hết nét tinh túy được những nghệ nhân lồng đèn nơi đây nâng niu bởi bàn tay tài hoa tài hoa của mình và để chiêm ngưỡng những chiếc đèn lồng rực rỡ từng có một thời huy hoàng làm nên kỳ tích nghề làm lồng đèn Việt.
Tuy nhiên, dường như độ “chuộng” lồng đèn “Ta” của người Việt không còn như trước. Sự hiện đại hóa và đa năng của lồng đèn “Tàu” đã chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Phố lồng đèn này dần dà nhạt nhòa và thưa thớt người theo nghề. Đó là câu chuyện đời thường đang ở con phố lồng đèn lớn nhất đất Sài Gòn – phố Lương Nhữ Học (Quận 5).
|
Phố lồng đèn chỉ đông dịp lễ tết. |
Phố đèn lồng lớn nhất đất Sài Gòn
Với rất nhiều người TP Hồ Chí Minh, nhất là giới trẻ, có lẽ con phố lồng đèn Lương Nhữ Học (Quận 5) luôn là lựa chọn số 1 vào những dịp Lễ Tết.
Bởi đến đây, bên cạnh chọn mua quà kỷ niệm cho người thân yêu, họ không những được say mình ngắm nghĩa những chiếc lồng đèn đa sắc lung linh mà còn được ghi lại những khoảnh khắc đẹp bên gia đình, người thân yêu của mình.
Khác với một số phố đèn lồng bị “Tàu hóa”, ở phố đèn lồng Lương Nhữ Học, mỗi chiếc lồng đèn mang một dấu ấn riêng, không lẫn vào đâu được, rất Việt Nam từ hình thức đến nội dung.
Tất cả đều là trí tuệ và tài hoa của người nghệ nhân lồng đèn thực thụ tự bao đời nay sống chết với nghề.
Theo những người lớn tuổi, tính đến nay, phố đèn lồng Lương Nhữ Học là con phố lồng đèn lâu đời nhất Sài Gòn, có tuổi “thọ” ngót 70 năm tại phố người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn.
Đây cũng là một con phố lồng đèn hiếm hoi ở Việt Nam chuyên sản xuất những chiếc lồng đèn thủ công thuần Việt cung cấp cho TP Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận và xuất khẩu.
|
Lồng đèn ngoại nhân cũng mọc lên nhan nhản. |
Những người nghệ nhân luôn xem mỗi sản phẩm là một “đứa con tinh thần” (lồng đèn). Họ hạnh phúc khi được tự tay người nghệ nhân chẻ, vốt, uốn, xé, dán, nặn, vẽ,… nên.
Dù là thủ công nhưng rất sắc sảo và đẹp mắt, chẳng thua kém gì máy móc tân tiến đúc ra. Những chiếc lồng đèn con tàu Hoàng Sa – Trường Sa mang hình hài Tổ quốc Việt Nam trên từng cột mốc biên giới, luôn vươn mình ra biển khơi, khẳng định chủ quyền, xây khát vọng lớn.
Hay lồng đèn ngôi sao “cờ đỏ sao vàng” hồn thiêng dân tộc. Lồng đèn cá chép đi ra từ cội nguồn văn hóa bản địa. Và quy mô và hoàng tráng trong từng chiếc đèn lồng kéo quân…
Nguy cơ thất truyền!
Một người dân thở dài khi nói về con phố lồng đèn, về nghề làm lồng đèn mà họ đã theo đuổi nhiều năm qua: “Chẳng biết nói sao nhưng khó mà bám níu với nghề khi cuộc sống không đảm bảo. Phố chỉ bán chạy vào dịp Lễ tết và hầu như nay bị “chết” về đầu ra. Trong khi đó giá cạnh tranh không bằng lồng đèn ngoại. Dù có đam mê bao nhiêu nhưng đời sống không đảm bảo thì khó có thể chuyên tâm để theo nghề.”
|
Những chiếc lồng đèn thủ công bây giờ hiếm hoi người mua, và chi phí đầu vào rất cao. |
Đó là nỗi niềm chung của những người dân theo đuổi nghề làm lồng đèn này nhiều đời. Với họ, niềm tự hào về con phố lồng đèn lớn nhất chỉ còn trong ký ức.
Khi vãng cảnh phố đi bộ lồng đèn Lương Nhữ Học vào những ngày này sầm uất nhất mới hiểu hết tâm sự của những người “giữ hồn dân tộc”.
Khi đến cận kề dịp Tết, ngày nào cũng vậy, bất kể ngày hay đêm, con phố lồng đèn này luôn nườm nượp khách ghé thăm.
Dòng người cứ nối đuôi nhau nhích từng bước chân, từng bước chân chậm chạp len lõi qua con phố nhỏ. Một không khí nhộn nhịp khác hẳn ngày thường.
Mới chạng vạng, mọi con đường hướng vào phố lồng đèn đều bị giới nghiêm. Cung đường ngắn nhỏ này trở thành con phố đi bộ độc đáo nhất TP Hồ Chí Minh.
Dòng người tìm đến với phố lồng đèn tay bắt mặt mừng, nụ cười giòn tan, khuôn mặt ai nấy cũng đều háo hức, phấn khởi.
Họ cố lựa chọn vài góc ảnh, thời điểm đẹp để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ tại phố lồng đèn mùa trung thu này.
Không những tụi trẻ nôn nao mà cả người lớn cũng cảm thấy rạo rực. Ai đến cũng đều cảm thấy hài lòng. Nhìn những chiếc lồng đèn treo lủng lẳng ký ức tuổi thơ lại ùa về từng hồi, từng hồi.
|
Lồng đèn Kéo Quân cũng nhạt dân nơi đây |
Hầu hết mọi người, nhất là giới trẻ, đến với phố lồng đèn chủ yếu để xem và chụp ảnh lưu niệm, còn chuyện mua rất hiếm.
Một người mẹ trẻ tuổi vừa ẵm con vừa cho biết: “Phố đẹp, đến mình cũng thích chớ nói gì lũ trẻ. Chủ yếu đến ngắm nghĩa, chụp hình, chớ giỏi lắm chọn 1 cái cho con trẻ, không nhiều. Bởi con chị không thích thú lắm với những chiếc lồng đèn giấy thủ công. Chúng bảo thích lồng đèn có điện.”.
Thông thường, giá một chiếc lồng đèn chỉ từ 10.000-100.000 đồng. So với lồng đèn điện, giá cũng ngang ngửa. Tuy nhiên theo nhiều phụ huynh: “Nếu bỏ tiền mua lồng đèn sẽ chọn mua lồng đèn điện, vừa bền, vừa đẹp, lại vừa dễ sài”.
Và thu nhập từ nghề này cũng khá bọt bèo. Mỗi chiếc lồng đèn lấy gốc vào đã đến trên 80% giá bán ra thị trường. Thế nhưng, đèn lồng thủ thông rất dễ rách, dễ hư, dễ cũ nếu không biết cách… “nâng niu”.
Nhưng do cuộc sống mưu sinh, hiện nay ở phố lồng đèn này vẫn có nhiều người nhập lồng đèn nước ngoài về bán. Bởi theo họ, bám lồng đèn “Ta” sẽ không thể sống nổi, họ còn mưu sinh.
Khi hỏi về giá chiếc lồng đèn sao cao ngất ngưởng, một người nghệ nhân làm lồng đèn lâu năm ở đây tiết lộ rằng do giá gia công đã cao rồi, nên không thể giảm được.
Không chỉ ở phố lồng đèn Lương Nhữ Học (TP Hồ Chí Minh) mà đó là thực trạng chung diễn ra ở nhiều phố lồng đèn danh tiếng cả nước như như Hội An, Hà Tây, Huế….
Nhiều nổ lực nhằm cứu tình trạng thoi thóp của “quốc hồn quốc túy” dân tộc trong từng chiếc lồng đèn đã được các cấp ban ngành quan tâm. Tuy nhiên, dường như, những biện pháp và động thái chưa thực sự mang lại nhiều hiệu ứng tích cực.
Trong mai sau, không biết bao lâu nữa, phố lồng đèn Lương Nhữ Học nói riêng và hàng chục phố lồng đèn nổi tiếng khác ở Việt Nam sẽ “xóa sổ”. Lồng đèn Việt đang chết, một câu chuyện đau đáu.
Nên chăng muốn giữ lại một phần quốc hồn quốc túy dân tộc thì nhà nước cần có những động thái, cụ thể là những giải pháp, chính sách ưu tiên, tích cực để lồng đèn Việt Nam còn đất sống mà “hồi sinh” giữa thời buổi cạnh tranh khắc nghiệt lồng đèn “Ta” và lồng đèn “Ngoại” đan xen này.
Và hơn ai hết, hãy biến mỗi người nghệ nhân thành một “đại sứ văn hóa” trong con mắt bạn bè quốc tế.