Kỷ lục mới của ngành Du lịch Việt Nam, vượt qua con số gần 2 triệu lượt khách quốc tế vào tháng 01/2025.
Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thông tin lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 01/2025 đạt gần 2,1 triệu lượt, tăng 18,5% so với tháng trước và tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Đây là kỷ lục mới của ngành Du lịch Việt Nam, vượt qua con số gần 2 triệu lượt khách quốc tế vào tháng 01/2020. So với cùng kỳ năm 2019 thời điểm trước dịch, lượng khách tháng 01/2025 cao hơn đến 37,8%.
 |
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam cao kỷ lục trong tháng đầu năm 2025. (Ảnh minh hoạ) |
Trung Quốc đã quay trở lại là thị trường gửi khách số 1 của du lịch Việt Nam với 575 nghìn lượt, chiếm 27,7%.
Con số này cao hơn nhiều so với cùng kỳ tháng 01/2029 (đạt 373,5 nghìn lượt),tăng 54%.
Hàn Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 417 nghìn lượt (chiếm 20,1%). Campuchia xếp thứ 3 (100 nghìn lượt), Mỹ xếp thứ 4 (93 nghìn lượt), Đài Loan xếp thứ 5 (91 nghìn lượt). Tiếp theo là Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan.
Trong dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ, hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi trên khắp các điểm đến trên toàn quốc với nhiều sản phẩm du lịch mới thu hút du khách trong nước và quốc tế, cả nước đón và phục vụ 12,5 triệu lượt khách du lịch trong 9 ngày nghỉ Tết.
Việc đón lượng khách kỷ lục gần 2,1 triệu lượt ngay trong tháng đầu năm 2025 là kết quả của những nỗ lực của toàn ngành Du lịch Việt Nam trong suốt thời gian qua, trong bối cảnh ngành du lịch châu Á phục hồi ở mức thấp hơn so với các khu vực khác trên thế giới.
Trong đó, dấu ấn nổi bật là công tác tham mưu xây dựng thể chế, chính sách. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản, nghị quyết tạo thuận lợi cho du lịch phát triển.
Cùng với đó là nỗ lực đổi mới xúc tiến, quảng bá du lịch cả về thị trường, nội dung, phương thức, quy mô, khai thác tốt cơ chế hợp tác công tư, sự tham gia tích cực của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp.
Phát triển các sản phẩm mới phù hợp tiềm năng thế mạnh của đất nước và nhu cầu, thị hiếu của du khách sau dịch như du lịch nông nghiệp, du lịch đường sắt, du lịch ban đêm, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng...
Công tác truyền thông quảng bá trên nền tảng số tiếp tục được đẩy mạnh góp phần lan tỏa thương hiệu du lịch, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Việc mở rộng hợp tác trong các cơ chế hợp tác song phương và đa phương cũng là một điểm nhấn góp phần tăng cường sự hiện diện của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Công tác quản lý nhà nước được tăng cường nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch, chất lượng sản phẩm dịch vụ, an toàn an ninh cho du khách yên tâm tham quan, trải nghiệm ở Việt Nam.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh khu vực dịch vụ, du lịch là một trong hai nhóm động lực chính cần tập trung thúc đẩy.