Ông Nén không đồng ý, tranh chấp xảy ra cần căn cứ quyết định số 01/QĐ-CA ngày 16/1/2017 của TAND Bình Thuận giải quyết bồi thường để giải quyết tranh chấp.
Sau khi Phapluatplus.vn đăng thông tin về việc ông Huỳnh Văn Nén có đơn kêu cứu vì bị chiếm đoạt tiền bồi thường.
Để có thêm thông tin khách quan về vụ việc, phóng viên Phapluatplus.vn có cuộc phỏng vấn Luật sư Nguyễn Đình Hải - Công ty luật Hải Châu, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai là người được ông Huỳnh Văn Nén yêu cầu trợ giúp pháp lý cho ông Nén trong việc giải quyết tranh chấp đối với số tiền bồi thường vừa qua.
|
Luật sư Nguyễn Đình Hải - Công ty luật Hải Châu, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai. |
Thưa luật sư, được biết trước đây ông Nén đã nhờ một số Luật sư nhưng tại sao các luật sư đó không tiếp tục bảo vệ cho ông Nén mà ông Nén lại tìm đến đề nghị ông trợ giúp pháp lý?
Luật sư Nguyễn Đình Hải: Trước hết, xin xác nhận thông tin ông Huỳnh Văn Nén đã đến văn phòng của tôi xin trợ giúp pháp lý về việc tranh chấp số tiền bồi thường oan sai.
Trước khi nhận lời ông Nén, tôi hỏi ông Nén tại sao không tiếp tục nhờ các luật sư tham gia bảo vệ cho ông trong giai đoạn thương lượng, sao không yêu cầu họ tiếp tục bảo vệ cho ông?
Ông Nén trả lời tôi việc trước đó trong quá trình kêu oan và các buổi thoả thuận bồi thường có nhờ một số Luật sư khác nhưng tại lần thương lượng cuối cùng vào ngày 12/1/2017 thì các Luật sư đều vắng mặt.
Khi biết số tiền của mình đã bị mọi người trong gia đình rút ra chia nhau, ông Nén có gọi cho các Luật sư nhưng không liên lạc được, có người thì nói là đã hoàn thành nhiệm vụ do vậy ông Nén mới tìm đến tôi.
Với tư cách là người nhận trợ giúp pháp lý cho ông Nén, Luật sư có nhận xét gì về việc ông Nén tố cáo những người thân có dấu hiệu chiếm đoạt tiền bồi thường của ông?
Luật sư Nguyễn Đình Hải: Do tôi mới chỉ được nghe thông tin một chiều từ phía ông Nén nên không thể đưa ra nhận định gì về việc này.
Nhưng với tư cách là người trợ giúp pháp lý, ông Nén có quyền đưa ra các nghi vấn của mình nhưng các nghi vấn đó có cơ sở hay không phải chờ cấp có thẩm quyền giải quyết trên cơ sở các tài liệu chứng cứ của vụ việc.
Sau khi Phapluatplus.vn đăng thông tin phản ánh sự việc, tôi thấy có quá nhiều thông tin nhiễu loạn khác nhau nên việc kết luận vấn đề hiện nay là quá sớm.
Theo thông tin từ ông Huỳng Trung Nghĩa (anh rể ông Nén) thì ông Nén hiện nay đang bị trầm cảm nặng và khi tiếp xúc với ông Nén, ông nhận thấy ông Nén có biểu hiện tâm thần hay không?
Luật sư Nguyễn Đình Hải: Qua tiếp xúc với ông Nén những ngày qua tôi nhận thấy ông Nén hoàn toàn tỉnh táo và có trí nhớ rất tốt.
Khi hỏi về các mốc thời gian bị bắt, bị tạm giam ở trại nào, đình chỉ điều tra ngày nào và các lần thương lượng ra sao ông đều trả lời rất rõ ràng và chính xác.
Theo tôi thì thông tin cho rằng ông Nén bị tổn thất về tâm thần là là hoàn toàn không chính xác vì trong biên bản thương lượng bồi thường ngày 12/01/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã viện dẫn bản kết luận số 329/SK-BT ngày 28/6/2016 của trung tâm pháp lý- Sở y tế Bình Thuận thì tỷ lệ giảm sút sức lao động của ông Nén là 63% chứ không phải là tổn thất về tâm thần như một số thông tin đã nêu.
Vậy theo ông thì việc Tòa án Bình Thuận chấp thuận bồi thường cho người thân thích của ông Nén trong giai đoạn thương lượng có đúng pháp luật hay trái pháp luật?
Luật sư Nguyễn Đình Hải: Để kết luận Tòa án Bình Thuận có làm đúng hay làm trái pháp luật thì cần phải có quy định của pháp luật quy định rõ về việc này làm cơ sở.
Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành không có quy định về việc bồi thường thiệt hại cho thân nhân của người bị thiệt hại ngoại trừ trường hợp người bị thiệt hại đã chết.
Việc Tòa án đưa người thân thích của ông Nén ra xem xét khi thương lượng bồi thường là việc làm có tính “đột phá” và không có căn cứ để kết luận là “đúng” hay “trái” pháp luật.
Trong trường hợp ông Nén không đồng ý và tranh chấp xảy ra thì vẫn phải căn cứ vào quyết định số 01/QĐ-CA ngày 16/01/2017 của Tòa án nhân tỉnh Bình Thuận về việc giải quyết bồi thường để giải quyết tranh chấp.
Theo luật sư, những người trong đơn ông Nén trình bày đã rút tiền bồi thường ra chia nhau có trái pháp luật không?
Luật sư Nguyễn Đình Hải: Việc tòa án ghi tên ông Truyện, bà Hường, bà Cẩm và ba người con ông Nén vào biên bản thương lượng thành ngày 12/01/2017 với số tiền cụ thể ghi là “tiền bồi thường uy tín, danh dự nhân phẩm” dẫn đến những người này nghĩ rằng đây là số tiền mà được tòa bồi thường cho họ nên họ rút ra và chia nhau. Do đó, nếu kết luận họ đã có hành vi “chiếm đoạt” là chưa đủ cơ sở.
Theo luật sư thì trong việc tranh chấp này, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận có lỗi gì không?
Luật sư Nguyễn Đình Hải: Theo nhận thức của tôi thì trong trường hợp này Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã thiếu chặt chẽ trong thủ tục bàn giao tiền bồi thường thiệt hại dẫn đến việc tranh chấp.
Lẽ ra, khi quyết định về việc chuyển số tiền bồi thường thiệt hại của ông Nén vào tài khoản đứng tên ông Truyện và bà Ngân thì Tòa án yêu cầu mọi người liên quan có cam kết cụ thể về việc quản lý và sử dụng số tiền này.
Tức là Tòa án có quyền buộc ông Truyện và bà Ngân và ông Nén phải ký cam kết về việc rút tiền và bàn giao số tiền bồi thường cho ông Nén đồng thời phải phối hợp với Ngân hàng Viettinbank – Chi nhánh Bình Thuận về việc bàn giao số tiền đầy đủ và đúng đối tượng.
Xin cám ơn luật sư!