Theo các chuyên gia, người dùng nên thận trọng khi mua các loại rượu ngâm ngoài thị trường vì chúng tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khỏe.
Thực trạng tạp nham rượu ngâm hiện nay đang tiềm ẩn không ít nguy hại, nhưng loại rượu này lại được ưu ái, tiêu thụ rất mạnh. Từ gốc rễ, cây cỏ, rắn, rết, bào thai động vật… không kể chủng loại nào, không cần biết tốt xấu ra sao, miễn “đặc sản”, thuốc quý… là nhiều người cho vào trong bình rượu.
Không ít người hiện nay có trào lưu "sùng bái" rượu ngâm và đặc biệt rượu càng lạ, càng độc đáo lại càng được ưa chuộng. Họ cho rằng mặt hàng này, không những thể hiện độ sành sỏi, mà uống rượu ngâm như một bài thuốc. Từ những hũ rượu rắn hổ mang, rượu bọ cạp, rượu anh túc… cứ nghe loại nào bổ, tốt, thần dược là người ta lại khoái sưu tầm, thưởng thức. Nhiều người còn lựa chọn đây là thứ quà biếu đầy giá trị và thể hiện độ chịu chơi.

Trên thị trường bán tràn lan các loại rượu ngâm. Ảnh: Lao động Thủ đô
Chính vì vậy, thị trường của loại rượu này nhộn nhịp, hỗn tạp như một loại “ma trận”. Từ tiệm phố, tiệm quê cho tới mạng xã hội, rượu ngâm được phủ sóng rộng khắp với đủ loại.
Trước thực tế trên, các chuyên gia về y học cổ truyền cho rằng, sai lầm của nhiều người là cứ nghe thấy con vật hay loài cây cỏ nào có công dụng bổ dưỡng, trị bệnh, tốt cho xương khớp là bê nguyên con, nguyên cây, nguyên củ quả cho vào ngâm rượu. Chẳng hạn, có người đã dùng nấm lim xanh để ngâm rượu vì nghĩ rằng sẽ rất bổ mà không biết rằng điều đó nguy hiểm, bởi nấm mọc trên cây lim xanh chứa nhiều độc tố.
Một loài vật được sử dụng nhiều để ngâm rượu là tắc kè, theo y học cổ truyền, tắc kè có công dụng tốt cho sinh lý, chữa đau nhức phong thấp nhưng mắt của con vật này lại có chứa độc tố nguy hiểm. Vì vậy, trước khi ngâm rượu cần làm sạch tắc kè, bỏ hai con mắt và lục phủ ngũ tạng, nướng sơ qua. Điều nguy hiểm hơn nhưng ít người biết với các con vật, nếu sử dụng rượu 40 độ hay thấp hơn để ngâm rồi uống thì sẽ rất bẩn và độc. Bởi với nồng độ đó, rượu không những không làm chín con vật mà còn khiến con vật bị phân hủy và sinh ra độc tố.
Đối với rượu ngâm an toàn cần tuân thủ 2 yếu tố, đó là rượu phải rõ nguồn gốc, đúng độ và nguyên liệu ngâm rượu phải rõ ràng, đúng tên, đúng loại, có nguồn gốc, không chứa độc tố. Với rượu ngâm động vật phải có độ cồn từ 45 đến 55 độ. Còn rượu ngâm dược liệu có độ cồn thấp hơn, khoảng 40-50 độ.
Tuyệt đối không dùng rượu công nghiệp không rõ nguồn gốc để ngâm. Việc ngâm rượu từ thực vật cũng như động vật cũng phải có công thức, có sự chỉ định của các bác sĩ Đông y.