Một dự án phục vụ dân sinh được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đang được triển khai tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, nhiều dấu hỏi nghi vấn về sự khuất tất của chủ đầu tư xuất hiện ngay từ những ngày đầu thực hiện dự án, nhưng cho đến nay UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan chức năng tỉnh này vẫn chưa có câu trả lời khiến dư luận không khỏi nghi ngờ có sự bao che, làm ngơ trước sai phạm?
Chấp nhận vi phạm luật định, không phát hành hồ sơ thầu?
Báo Pháp luật Việt Nam điện tử ngày 3/4/2017 có bài viết “Quảng Nam: Những dấu hỏi về gói thầu QN-CW-01 tại Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam”, phản ánh việc công ty này cố tình “găm” hồ sơ mời thầu (HSMT) gói thầu trên, không phát hành hồ sơ cho các nhà thầu nơi khác đến mua theo như thông báo khiến các nhà thầu bức xúc gửi đơn tới các cơ quan báo chí, UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết.
Gói thầu QN-CW-01: Cung cấp thiết bị và xây lắp Trạm bơm nước thô, tuyến ống nước thô, Nhà máy xử lý nước của 2 hợp phần Điện Nam - Điện Ngọc và Tam Hiệp có giá trị hơn 183 tỷ đồng là gói thầu khá lớn đối với ngành nước. Chủ đầu tư là Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam đăng thông báo phát hành HSMT từ ngày 06/12/2016, đóng thầu và cũng là thời điểm mở thầu vào lúc 9:00 ngày 06/01/2017.
Ở những gói thầu tương tự, chủ đầu tư thường tổ chức Hội nghị tiền đấu thầu nhằm giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của các nhà thầu, đồng thời tổ chức đưa các nhà thầu đi khảo sát hiện trường. Thế nhưng, không chỉ gây khó dễ cho các nhà thầu khi họ đến mua hồ sơ, Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam còn bỏ qua những quy trình trên (?)
Giải quyết đơn thư, kiến nghị của các nhà thầu, ngày 27/12/2016 Tổ kiểm tra, giám sát đấu thầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam đã gửi công văn (số 04/CV-TKTGSĐT) đề nghị Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam bán HSMT theo đúng luật định. Thế nhưng, mặc dù đã nhận được văn bản chỉ đạo từ trên, công ty này vẫn trốn tránh việc bán HSMT khiến các nhà thầu tiếp tục gửi đơn thư, kiến nghị ... (?!)
Vi phạm giằng dai khiến Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam liên tiếp phải gia hạn bán hồ sơ và lùi ngày mở thầu (lần thứ nhất gia hạn đến 16/01/2017, lần thứ hai đến 03/02/2017).
Trước những thông tin cùng với những biểu hiện “thông thầu” ở gói thầu trên, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã đi sâu tìm hiểu về dự án. Trong quá trình thâm nhập, khảo sát hiện trường vào ngày 28/12/2016 (trước ngày mở thầu), phóng viên đã ghi lại hình ảnh hàng nghìn mét khối đất đồi khu vực phía dưới đập xả nước hồ Phú Ninh đã được san ủi. Một người dân sống trong khu vực đã dẫn đường và cho biết nhà máy nước sẽ được xây dựng tại vị trí đó.
|
Hàng nghìn mét khối đất đồi đã được san ủi. Ảnh cắt từ clip, ngày 28/12/2016 - PV |
Vậy là, thông tin việc gói thầu QN-CW-01 đã được thi công trước khi mở thầu là hoàn toàn có cơ sở, và phải chăng, việc chủ đầu tư không thể phát hành HSMT, buộc phải liên tiếp gia hạn ngày mở thầu là bởi gói thầu trên đã được nhà thầu “sân sau” thi công từ trước đấy nhiều ngày ?
Bằng chứng sai phạm?
Nhằm kiểm chứng và củng cố chứng cứ về dự án trên, ngày 23/01/2018 vừa qua nhóm phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã quay trở lại hiện trường và ghi nhận thực tế: Công trình Trạm bơm nước, Nhà máy xử lý nước Điện Nam - Điện Ngọc và Tam Hiệp đang được thi công ở vào đúng vị trí đã được thi công, cụ thể là hàng nghìn mét khối đất đồi đã được san ủi, di dời để lấy mặt bằng trước khi gói thầu này được mở nhiều ngày (ảnh trên) .
|
Dự án được thực hiện đúng ở vị trí đã được thi công trước lúc mở thầu |
Trước những thông tin, hình ảnh mà Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh, đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cùng các cơ quan chức năng Trung ương thanh, kiểm tra lại gói thầu trên, làm rõ câu hỏi: Đơn vị nào đã thực hiện việc san ủi hàng nghìn mét khối đất đồi trước khi gói thầu QN-CW-01 được mở? Có hay không việc kê khống khối lượng, hạng mục của gói thầu gây thất thoát khoản tiền quốc tế tài trợ cho dự án trên?
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục theo đuổi vụ việc.
Điều 222. Bộ luật Hình sự 2015. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng: 1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: (a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; (b) Thông thầu; (c) Gian lận trong đấu thầu; (d) Cản trở hoạt động đấu thầu; (đ) Vi phạm quy định của Nhà nước về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; (e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; (g) Chuyển nhượng thầu trái phép. 2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt từ 03 năm đến 12 năm: (a) Vì vụ lợi; (b) Có tổ chức; (c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; (d) Gây thiệt hai về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. 3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |