Ngày 15/12, cư dân đã mua nhà tại Dự án 8B Lê Trực một lần nữa gõ cửa Bộ xây dựng, khẩn thiết cầu cứu.
Ngày 15/12, cư dân đã mua nhà tại Dự án 8B Lê Trực một lần nữa gõ cửa Bộ xây dựng, thẩn khiết cầu cứu cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng sớm có biện pháp xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc tại đây để cư dân vào sinh sống trong căn nhà của mình.
Trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Trung và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, cư dân 8B Lê Trực tiếp tục khẳng định: “Nhà chúng tôi đã mua bằng giao dịch hợp pháp, đúng quy định của Pháp luật. Chúng tôi đã chắt chiu công sức lao động cả đời để mua nhà, những mong có cuộc sống tốt đẹp hơn.
|
Cư dân 8B Lê Trực tiếp tục gửi đơn kêu cứu khắp nơi. |
Chúng tôi mua nhà tại công trình xây dựng có giấy phép, xây dựng đúng với quy hoạch chi tiết được UBND thành phố phê duyệt. Nhưng 2 năm qua, chúng tôi vẫn không nhận được nhà mà luôn sống trinh tình trạng lo âu, chờ đợi, vô cùng bức xúc nhưng chẳng biết kêu ai”.
Những cư dân đứng đơn cũng cho rằng, họ đã từng rất hi vọng vào những động thái trước đây của TP Hà Nội và Bộ Xây dựng, khi các cơ quan này bày tỏ thái độ kiên quyết xử lý dứt điểm những sai phạm tại đây. Nhưng lần lượt các mốc thời gian được coi là thời hạn giải quyết đã trôi qua, đến nay, công trình vẫn đắp chiếu tại chỗ trong khi người dân thì vạ vật ở thuê, còn nhà thì vẫn chưa được tận mắt nhìn thấy.
“Ông Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã nhiều lần đối thoại với cư dân mua căn hộ tại Tòa nhà 8B Lê Trực (năm 2015, 2016), đã hiểu rất rõ những sai phạm của công trình đã từng có ý kiến: Việc vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực trong đó có lỗi của Chủ đầu tư, đồng thời cũng có lỗi của cơ quan quản lý Nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội nhưng Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội xử lý vi phạm không minh bạch, không xem xét một cách có trách nhiệm trước những tiếng kêu cứu do bị thiệt hại về tiền bạc, tài sản, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của người dân, nên việc xử lý sai phạm này đã nhiều năm không có hồi kết".
Các cư dân 8B Lê Trực cũng cho rằng việc xử lý sai phạm tại dự án này đang có dấu hiệu bị “trù úm”, bằng chứng là: “Hiện nay, trên địa bàn TP hà Nội có hàng nghìn dự án sai phạm, thậm chí có nhiều dự án xây dựng chưa có giấy phép nhưng vẫn tồn tại ngang nhiên; trong khi sai phạm tại 8B Lê Trực có cả lỗi của các cơ quan quản lý Nhà nước, công trinh đủ điều kiện được tồn tại theo Nghị định số 121/2013/NĐCP thì việc xử lý lại kéo dài một cách phức tạp”.
Cùng với những ý kiến này, cư dân 8B lê Trực tiếp tục đề nghị được giải đáp cho 3 vấn đề mà họ cần được làm rõ gồm:
- Khi nào cư dân được vào ở trong tòa nhà ?
- Công khai kết quả thanh tra của Bộ Xây dựng về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc cấp Giấy phép xây dựng của TP Hà Nội.
- Khi nào có kết luận về phương án cuối cùng để xử lý sai phạm tại công trình 8B Lê Trực.
Trực tiếp nhận đơn kêu cứu của cư dân, đại diện Thanh tra Bộ xây dựng cho biết: “Chúng tôi khẳng định không có lợi ích nhóm. Nhưng chủ đầu tư khi làm thì địa phương quyết định hết chứ Bộ Xây dựng có quyền gì đâu? Bộ Xây dựng chỉ quản lý chung, hoạch định đưa ra chính sách tham mưu với quốc hội. Quản lý trật tự xây dựng là từ phía địa phương. Câu chuyện không thể như con gà quả trứng cái nào có trước cái nào có sau.
|
Thanh tra Bộ xây dựng trực tiếp tiếp nhận đơn kêu cứu của cư dân 8B Lê Trực. |
Nếu Sở Xây dựng Hà Nội gửi phương án xử lý về mặt kĩ thuật thì Bộ Xây dựng sẽ tập hợp các chuyên gia đầu ngành để bàn bạc phương án xử lý. Nhưng nếu Hà Nội chưa gửi lên thì Bộ Xây dựng không thể thẩm đinh, vì thẩm định phải có hồ sơ. Bây giờ chưa gửi lên thì chưa xử lý được, nếu gửi hồ sơ trình phương án tháo dỡ thì Bộ Xây dựng sẽ xử lí, thẩm định ngay. Bộ cũng ghi nhận và đồng cảm với người dân, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến và sẽ kiến nghị lên trên”.
Chia sẻ với phóng viên Pháp luật Plus, đại diện cư dân 8B Lê Trực ngậm ngùi bày tỏ: “Sau khi bán nhà để dồn tiền mua căn hộ tại đây, chúng tôi đã phải đi thuê nhà ở tạm. Đến nay, hợp đồng thuê nhà thời hạn 2 năm đã hết. Chủ nhà đang đòi lại nhà để sửa sang. Chỉ còn 2 tháng nữa là Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc, nghĩ đến cảnh chưa biết Tết này ở đâu, con cái ở xa về sum họp chỗ nào, chúng tôi chỉ biết nén lòng mà thở dài. Chỉ là về nhà mình đã mua để ở thôi, sao vất cả, gian nan đến thế?”.