Trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động vẫn được trả lương trừ trường hợp pháp luật quy định.
Tin nên đọc
Tham gia bảo hiểm y tế tại nơi tạm trú được không?
Mang thai tháng thứ 7 liệu đã được hưởng chế độ bảo vệ thai sản
Đăng ký tạm trú hết bao nhiêu tiền?
Thôi việc khi bị điều chuyển công việc không đúng chuyên môn
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: CafeF). |
Bạn đọc có địa chỉ email [email protected] gửi email câu hỏi tới địa chỉ [email protected].
Pháp luật Plus xin trích đăng nội dung câu hỏi như sau: “Công ty của tôi sắp tới sẽ tạm ngừng hoạt động để sửa chữa lại máy móc, trang thiết bị trong công ty và dự định sẽ cho một số lao động nghỉ việc. Vậy tôi muốn hỏi những lao động được nghỉ làm có được chi trả tiền lương và mức phụ cấp hay không?”
Tòa soạn Pháp luật Plus cùng các Văn phòng luật xin trả lời câu hỏi:
Việc một số người lao động bị tạm ngừng việc trong trường hợp này là do lỗi của công ty.
Căn cứ Điều 98 Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định về tiền lương ngừng việc như sau:
“Điều 98. Tiền lương ngừng việc
Trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương;
2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.”
Do đó, trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động vẫn được trả lương trừ một số trường hợp như: Do lỗi của người lao động; sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Theo đó, tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động được xác định theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động:
“Điều 26. Tiền lương làm căn cứ để trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương, tạm ứng tiền lương và khấu trừ tiền lương
1. Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong thời gian ngừng việc tại Khoản 1 Điều 98 của Bộ luật Lao động là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động khi người lao động phải ngừng việc và được tính tương ứng với các hình thức trả lương theo thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định này.”
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về tiền lương như sau:
“Điều 90. Tiền lương
1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.
Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.”
Như vậy, khi người lao động phải ngừng việc do công ty ngừng hoạt động để sửa chữa máy móc, thiết bị trong công ty thì người lao động được trả đủ lương theo hợp đồng lao động, bao gồm phụ cấp và các khoản bổ sung khác.