Cuộc sống bấp bênh của lao động nữ phi chính thức
Tổ chức Lao động quốc tế ILO cho biết, tính đến năm 2021, trong nhóm lao động nữ tại Việt Nam, lao động phi chính thức chiếm tới 65%.
Lao động phi chính thức (PCT), theo định nghĩa của ILO, là những lao động có việc làm phi chính thức, có thể hiểu đơn giản là những công việc lao động tự do trong xã hội như làm nông nghiệp, bán hàng rong, thu gom phế liệu...
Số lao động này hầu hết có trình độ chuyên môn thấp, làm các công việc thiếu bền vững, bấp bênh với mức lương trung bình vào khoảng 4,4 triệu đồng/tháng, chỉ bằng một nửa thu nhập của lao động chính thức, đến 47% lao động phi chính thức có mức thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Đặc biệt, sau sự bùng phát của dịch Covid-19, tỷ lệ lao động phi chính thức có chiều hướng tăng lên. Đồng thời, thu nhập bình quân của lao động nữ phi chính thức cũng giảm hơn 100 nghìn đồng/tháng.
Bên cạnh thu nhập bấp bênh, họ cũng không được hệ thống an sinh xã hội bảo vệ vì không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không được công ty, tổ chức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Họ phải đối mặt với tình trạng không bảo đảm về việc làm khi có rủi ro xảy ra, yếu thế trong thỏa thuận tiền lương, không được hưởng các chế độ phúc lợi và không được bảo đảm đầy đủ các điều kiện lao động.
Đặc biệt, không được chủ lao động đóng bảo hiểm xã hội đồng nghĩa với việc họ không được hưởng các quyền lợi thai sản cơ bản dành cho người mẹ và con nhỏ sau sinh.
Công việc của họ không hề được đảm bảo duy trì sau khi nghỉ việc vì sinh con. Họ cũng không hề nhận được bất kỳ một khoản hỗ trợ nào trong một vài tháng đầu sau kỳ sinh sản để đảm bảo an toàn kinh tế cơ bản.
Lao động nữ phi chính thức có nhiều rủi ro đối mặt với nguy cơ nghèo đói vì sinh con |
Khó khăn chồng khó khăn
Về cơ bản, lao động nữ phi chính thức có nhiều rủi ro đối mặt với nguy cơ nghèo đói vì sinh con. Trong khi đó, người mẹ sau sinh và trẻ mới sinh là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, cần nhận được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của gia đình cũng như xã hội, đặc biệt là người mẹ có thu nhập thấp và trẻ em sơ sinh có nhu cầu chăm sóc đặc biệt.
Theo báo cáo của dự án Alive & Thrive, mỗi năm có khoảng hơn 800.000 trẻ sinh ra có mẹ không được hưởng bất kỳ chế độ thai sản nào (chiếm 50% số trẻ sinh ra hàng năm).
Bà Caroline Nyamayemobe, Quyền Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam nhận định: “Khi đối mặt với nghèo đói hoặc khó khăn về tài chính, phụ nữ có thể không nghỉ thai sản hoặc họ sẽ đi làm lại sớm hơn so với thời gian nghỉ được khuyến cáo về mặt y tế”, điều này trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ.
Đặc biệt, việc người mẹ không được nghỉ thai sản hoặc nghỉ ít dẫn tới hệ quả cai sữa sớm, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng cũng như bệnh tật cho trẻ.
WHO khuyến cáo nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 06 tháng đầu để đảm bảo cho trẻ nhỏ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh.
Song khi không có các chính sách hỗ trợ, người mẹ bị đặt vào tình thế phải lựa chọn giữa đảm bảo thu nhập hay đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho con.
Việc phải đối mặt với nguy cơ nghèo đói vì sinh con cũng làm giảm mong muốn có con của họ, đặc biệt trong bối cảnh nữ giới ngày càng có xu hướng kết hôn và sinh con muộn hơn.
Trong số 69% người trả lời “không có nhu cầu tham gia chế độ thai sản", lý do chính được đưa ra là do họ không/chưa có nhu cầu sinh con.
Chị Vân (44 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) là một trong hàng triệu phụ nữ lao động ở khu vực phi chính thức phải đối mặt với thực tế khó khăn khi sinh con mà không có chế độ thai sản hỗ trợ. Chị là mẹ đơn thân, sinh ba, chi phí sinh hết gần 20 triệu.
Không có chế độ thai sản hỗ trợ, chị Vân phải bán xe máy nhưng chỉ đủ chi trả một phần nhỏ. Hiện tại, công việc chính của chị là lái xe ôm công nghệ, ngày nào chị cũng làm việc từ sáng đến tối muộn.
Rất khó để lao động nữ phi chính thức có thể nhận hỗ trợ thai sản
Việt Nam là một trong số các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có chính sách thai sản với nhiều ưu điểm về thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng. Tuy nhiên, diện bao phủ của chế độ thai sản nước ta vẫn còn thấp, đặc biệt là với nhóm lao động nữ phi chính thức.
Mặc dù đã có bước tiến trong chính sách thai sản khi dự thảo Luật BHXH ngày 20/3/2023 bổ sung trợ cấp thai sản một lần cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện, chính sách thai sản vẫn chưa hỗ trợ được nhiều cho những khó khăn của phụ nữ trong nhóm lao động phi chính thức.
Thứ nhất, mức trợ cấp thai sản một lần 2 triệu đồng/trẻ vẫn là không đủ hấp dẫn để thu hút nhóm lao động nữ phi chính thức tham gia. Mức trợ cấp này còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho người mẹ sinh con.
Trong khi đó, thu nhập trung bình của họ quá thấp để có thể dành ra gần 30% thu nhập để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Khả năng tài chính eo hẹp nhưng quyền lợi nhận được cũng không hấp dẫn khiến họ không “mặn mà” tham gia BHXH.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, có đến 97,8% lao động phi chính thức không tham gia vào bất kì một loại hình bảo hiểm nào. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động tăng rất chậm trong nhiều năm qua.
Việc phải đối mặt với nguy cơ nghèo đói vì sinh con cũng làm giảm mong muốn có con. |
Cũng vì không được hưởng chế độ thai sản, nhiều phụ nữ buộc phải rút BHXH một lần, dùng tiền an sinh xã hội dài hạn để đáp ứng các nhu cầu ngắn hạn, cụ thể là để trang trải chi phí nuôi con nhỏ.
Đây là một trong những lý do khiến thời gian đóng BHXH bình quân của lao động nữ ở Việt Nam (11 năm), ít hơn 4 năm so với lao động nam giới (15 năm), dẫn đến việc phụ nữ sẽ được hưởng ít chế độ và quyền lợi từ bảo hiểm xã hội hơn so với nam giới.
Thứ hai, lao động nữ phi chính thức không tham gia BHXH tự nguyện vẫn không nhận được hỗ trợ gì từ chính sách thai sản. Theo ước tính của Alive & Thrive, mỗi năm vẫn còn tới hơn 769.972 trẻ sinh ra mà bố mẹ không có được trợ cấp đảm bảo về thu nhập để không rơi vào cảnh nghèo đói.
Cải thiện chính sách thai sản không chỉ là điều cần thiết mà còn có tính cấp bách, để mọi bà mẹ đều có thể an tâm dành thời gian chăm sóc con nhỏ, và mọi trẻ nhỏ đều được đảm bảo quyền trẻ em về điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc tốt nhất.
Báo cáo chính sách của Alive & Thrive khuyến nghị: Mức trợ cấp thai sản một lần tăng lên mức 7 triệu đồng cho một trẻ, tương đương 3,5 tháng nghỉ thai sản được hưởng mức chuẩn nghèo thành thị. Mức trợ cấp này cũng tương đương với chính sách đang được áp dụng tại Trung Quốc. Theo phương án này, mỗi năm kinh phí nhà nước cần chi 214 tỷ đồng, và dự kiến lên tới mức 1.073 tỷ đồng vào năm 2030. Lý tưởng nhất, khuyến nghị mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp thai sản này cho mọi phụ nữ sinh con bất kể có tham gia BHXH hay không. Điều đó sẽ đảm bảo toàn bộ trẻ em sinh ra tại Việt Nam sẽ có một khởi đầu tốt không bị rơi vào nghèo đói và hưởng dinh dưỡng tối ưu trong những tháng đầu đời. Mỗi năm nhà nước sẽ cần chi từ 3.594 tỷ đồng với phương án thấp nhất (hưởng theo mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn, trong vòng 3,5 tháng) tới 13.352 tỷ đồng với phương án cao nhất (hưởng theo mức lương tối thiểu vùng 4 trong vòng 6 tháng). Chi phí cho chính sách vẫn thấp hơn tổn thất về sức khỏe bà mẹ, trẻ em khi lao động nữ không được nghỉ thai sản và duy trì bú mẹ được ước tính là 2 tỷ đô la (0,54% GDP) mỗi năm.
|