Chiều ngày 23/12, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Lãnh đạo Bộ đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp nhận người, tài sản, dự án đầu tư chuyển tiếp từ các Cục Quản lý thị trường.
Tại buổi tổng kết, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ: Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo hoàn thành xây dựng Đề án về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ, báo cáo Bộ Nội vụ thẩm định, trình Chính phủ.
Theo đó, tổ chức bộ máy của Bộ giảm từ 28 đơn vị xuống còn 23 đơn vị, giảm 5 đơn vị, tương ứng 17,8%; trong đó, đặc biệt là việc đề xuất kết thúc mô hình tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường và chuyển các Cục Quản lý thị trường ở địa phương về UBND các tỉnh, thành phố quản lý theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo Chính phủ.
Tổng cục Quản lý thị trường (thuộc Bộ Công Thương) được thành lập năm 2018, trên cơ sở nâng cấp từ Cục Quản lý thị trường. Hiện cơ cấu của lực lượng này được tổ chức theo ngành dọc. Cụ thể, các cục quản lý thị trường tỉnh, thành phố sẽ chịu quản lý trực tiếp của tổng cục. Các đội ở cấp huyện, quận... do cục tại địa phương quản lý.
|
Quang cảnh một phiên họp của Bộ Công Thương vào tháng 12/2024. |
Ngoài bỏ mô hình tổng cục, theo Đề án về sắp xếp, tinh gọn bộ máy được Bộ Công Thương trình Chính phủ, số đầu mối của cơ quan này sẽ giảm từ 28 đơn vị xuống còn 23, giảm 5 đơn vị, tương ứng 17,8%.
Ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, đây là việc khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng không thể không làm và không thể làm chậm trễ hơn.
Theo Bộ trưởng, việc sắp xếp bộ máy là cần làm ngay nhưng phải đảm bảo khách quan, dân chủ, khoa học. Việc này nhằm bảo đảm bộ máy tinh gọn, hiệu quả, thay vì chỉ sắp xếp cơ học.
Đây là chủ trương nhằm giảm sự chồng chéo, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị. "Các đơn vị tuyệt đối không mất đoàn kết nội bộ, so bì, lơ là trong thực thi công vụ", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý cấp dưới về xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công và chuyển tiếp quản lý các dự án đầu tư trong quá trình sắp xếp. Bên cạnh đó, các đơn vị phải chủ động rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp với bộ máy mới để bảo đảm "mô hình này phải tốt hơn cũ".
Việc này cần thực hiện rất khẩn trương theo đúng tiến độ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để mô hình mới của lực lượng Quản lý thị trường sớm đi vào hoạt động ổn định, bảo đảm duy trì thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn quản lý.
Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, thị trường hàng hoá sẽ rất sôi động, dễ phát sinh những sai phạm trong sản xuất, kinh doanh nếu công tác kiểm tra, giám sát thị trường bị buông lỏng.
Năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã thanh, kiểm tra 68.280 vụ, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023. Lực lượng phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm, giảm 10% so với cùng kỳ 2023.
Cùng với đó, 178 vụ có dấu hiệu tội phạm được chuyển cơ quan điều tra. Qua xử lý vi phạm, quản lý thị trường thu nộp ngân sách trên 541 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.