Giáp Tết là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm của các làng nghề bởi đây là khoảng thời gian bước vào vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm.
Tin nên đọc
Xuống phố ngày Tết với cây cảnh 'độc lạ'
Chào xuân Plus 2018: Độc đáo, cây tượng trưng cho "mâm ngũ quả" tròn đầy trong ngày Tết
Vén màn bí mật những vị “tổ tiên” xuất hiện trong lễ khấn ngày tết của người Mường
Bản tin Bất động sản Plus: Rộn ràng không khí đón tết tại các khu chung cư
Làng làm hương Cao Thôn (Bảo Khê, Hưng Yên)
Chúng tôi về làng hương thôn Cao Thôn, xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên vào một ngày đầu Đông. Dưới cái nắng hanh hao trên con đường làng, đâu đâu cũng thấy phủ kín các phên tre phơi hương, mùi thơm của các loại thảo mộc - thành phần làm hương quyện vào gió quẩn mãi không tan.
Giáp tết là thời điểm bận rộn nhất của người dân làng nghề làm hương thôn Cao Thôn. Để có được những cây hương chất lượng tốt, mùi thơm đặc trưng, hình thức đẹp và đặc biệt là cháy đều lại đậu tàn, người dân nơi đây phải cực kỳ cẩn trọng trong khâu chọn và pha trộn nguyên liệu làm "thịt" hương.
Tùy từng cách pha chế thảo mộc của người thợ cộng với bí quyết gia truyền mà mỗi hộ gia đình có loại hương cho mùi thơm đặc trưng. Tuy nhiên, nguyên liệu chính để tạo nên thương hiệu hương Cao Thôn vẫn là các loại cây thảo mộc được nghiền nhỏ như hồi, quế, trầm, tùng bạch chỉ, đinh hương, trắc bách diệp...
Vừa tiếp chúng tôi, cô Hường liên tục bận rộn với các cuộc điện thoại đặt hàng từ các đầu mối, cô cho biết: "Những ngày thường, nhà tôi chỉ cần từ 5-8 nhân công, nhưng vào dịp cận tết, mùa lễ hội, số nhân công phải thuê tăng lên gấp 3, thậm chí là gấp 4 mới kịp làm hàng giao cho các đầu mối".
Hiện nay, phần lớn các hộ gia đình làm hương ở Cao Thôn đã sử dụng máy móc vào một số công đoạn làm hương. Ngay cả công đoạn se "thịt" hương vào tăm hương cũng đã chuyển sang làm bằng máy để tránh bị hỏng và tiết kiệm thời gian, duy chỉ có hương vòng là vẫn làm bằng tay.
Nghề làm hương ở Cao Thôn với lịch sử hơn 200 năm đã trở thành một trong những làng nghề làm hương truyền thống lớn và lâu đời nhất cả nước. Hiện cả làng có gần 100 hộ gia đình tham gia sản xuất hương, sản phẩm chủ yếu của làng là hương quế, hương đen và hương vòng, xét về mùi thơm và khả năng đậu tàn thì hiếm nơi nào sánh được.
Quất cảnh Văn Giang (Hưng Yên)
Những ngày này, người dân ở các xã Tân Tiến, Phụng Công...thuộc huyện Văn Giang đang tất bật với những công đoạn chăm sóc cây cảnh cuối cùng để phục vụ nhu cầu chơi tết của người dân Thủ đô và các tỉnh thành lân cận. Mặt hàng chủ lực của vùng này là cây quất với diện tích gieo trồng lên đến hàng trăm ha.
Những vườn quất cảnh ở đây rất hút khách, một phần vì các nhà vườn nằm ngay mặt đường lớn, thuận tiện cho việc vận chuyển. Mặt khác, quất cảnh ở đây quả to, sai chĩu chịt, màu vàng óng, thế cây đẹp nên được nhiều thương lái "chọn mặt gửi vàng". Tuy còn hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán nhưng một số vườn quất cảnh đẹp đã được các thương lái chào mua với giá cao.
Là một nông dân trồng quất cảnh quy mô lớn tại xã Tân Tiến, huyện Văng Giang, anh Nguyễn Văn Liệu tâm sự: "Công việc chăm sóc cây cảnh hết sức vất vả, tốn kém, và phải là người giàu kinh nghiệm đặc biệt là 2 tháng trước tết, lúc nào cũng phập phồng nỗi lo như đánh bạc. Nếu thời tiết ủng hộ thì không sao, còn nắng quá thì cây sẽ héo, quả nhỏ và chín sớm, chỉ cần sơ suất trong việc tưới và chăm bón là có thể mất trắng cả vụ".
Nắm bắt được xu thế thị trường, ngoài quất cảnh thì mấy năm trở lại đây, một số chủ vườn tại làng cây cảnh Văn Giang đã đưa giống bưởi, quýt vào trồng và chăm sóc.
"Trung bình, giá mỗi cây bưởi "thế" to, đẹp có giá dao động từ 35-50 triệu đồng cho hình thức bán, 15-25 triệu đối với hình thức thuê. Còn những cây bưởi nhỏ, 2-3 năm tuổi thì có giá bán "mềm" hơn rất nhiều (khoảng 4-8 triệu)" anh Vũ Văn Quang (sinh năm 1983), chủ vườn bưởi cảnh ấp Đa Phúc, xã Tân Tiến cho biết.
Theo nhiều chủ vườn, giá thuê và bán quất cảnh, bưởi cảnh năm nay không chênh lệch nhiều so với năm ngoái.