Thấm sâu, lan tỏa trong đời sống xã hội
Theo đại diện Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, 30 năm qua, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” của thành phố đã được phát động, triển khai đồng bộ, nghiêm túc, kịp thời với nhiều biện pháp và nội dung phù hợp. Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của phong trào, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, giúp phong trào phát triển rộng khắp, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố.
Cụ thể, Hội Cựu chiến binh thành phố đã gắn với phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”; Hội Nông dân gắn với phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng Nông thôn mới”; Hội Liên hiệp Phụ nữ gắn với phong trào xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu - sáng tạo - đảm đang - thanh lịch”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”...; Liên đoàn Lao động gắn với phong trào “Sáng kiến - Sáng tạo”; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh gắn với phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tôi yêu Hà Nội...
Đến nay, phong trào “Người tốt việc tốt” TP Hà Nội ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, đi sâu vào các mặt đời sống xã hội. Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, phong trào đã tạo khí thế sôi nổi trong sản xuất, kinh doanh. Phong trào góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế- xã hội hằng năm. Điển hình, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” gắn với “Phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới” đã đưa Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước với 15/18 huyện, thị xã và 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Trong lao động sản xuất đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, có đóng góp tích cực xây dựng, phát triển nông thôn và nâng cao đời sống nông dân. Tiêu biểu như bà Đinh Thị Tình ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất đã tự nguyện hiến khoảng 700m2 đất để xây dựng và mở trộng trường Tiểu học B, xã Tiến Xuân, góp phần nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Hay bà Đinh Thị Bằng ở thôn Trần Phí, xã Minh Cường, huyện Thường Tín đã ủng hộ xây dựng các công trình văn hóa, công ích, cơ sở hạ tầng của thôn, xã với số tiền hơn 23 tỷ đồng...
Trong lĩnh vực an sinh xã hội, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” gắn với các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”... đã huy động được sự vào cuộc của toàn thể nhân dân. Phát huy tinh thần đoàn kết của cộng đồng trong thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, Hà Nội tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Nội chỉ còn 3.612 hộ, chiếm tỷ lệ 0,16%, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, 9 quận huyện không còn hộ nghèo.
Đáng kể, phong trào “Người tốt, việc tốt” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã để lại dấu ấn nổi bật khi trong gian khó, người dân Hà Nội vẫn thật đoàn kết, yêu thương. Thi đua người người giúp nhau, nhà nhà giúp nhau, biết bao cháu bé mổ lợn tiết kiệm ủng hộ quỹ vắc xin, bao nhiêu bà con cô bác quyên góp mớ rau con cá tặng lực tượng tuyến đầu chống dịch. Rất nhiều doanh nghiệp tuy khó khăn vẫn ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng cho thành phố phòng chống dịch... Từ khi dịch bùng phát đến nay, Trung ương, thành phố Hà Nội đã kịp thời khen thưởng, biểu dương nhiều các điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt thuộc TP Hà Nội trong phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động cho 6 tập thể; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen 112 tập thể, 56 cá nhân; Chủ tịch UBND TP tặng Bằng khen 1.682 tập thể, 1.833 cá nhân…
Đột phá về cả chất và lượng
Trong những năm gần đây, Hà Nội thể hiện rõ quyết tâm chỉ đạo đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thi đua khen thưởng nói chung, phong trào “Người tốt, việc tốt” và công tác tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, góp phần tạo nên sức sống và động lực thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô.
Từ các nhà khoa học, nhà giáo, kỹ sư, công nhân, nông dân, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên, đến văn nghệ sĩ, doanh nhân, người khuyết tật, người lao động tự do, người nước ngoài... qua các phong trào thi đua đều trở thành những “bông hoa đẹp” của Thủ đô. Điều này đã có tác dụng định hướng dư luận, yếu tố quan trọng đẩy lùi cái xấu, nhân lên việc làm tốt trong cộng đồng. Tất cả đều tận tâm, tận lực góp công sức cho vườn hoa việc tốt Thủ đô thêm ngát hương, tỏa sáng.
Trải qua 30 năm, kể từ khi TP Hà Nội phát động triển khai phong trào “Người tốt, việc tốt” (1992-2022), đã có gần 29.000 gương “Người tốt, việc tốt” được thành phố biểu dương, khen thưởng; trên 350.000 gương được các ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã, đơn vị thuộc thành phố khen thưởng. Đặc biệt, phong trào này ngày càng được triển khai rộng rãi ở tất cả các mặt của đời sống xã hội, trở thành dấu ấn đẹp trong phong trào thi đua yêu nước của Thủ đô.
Cùng đó, tính chất tốt đẹp ở các góc độ xã hội được phát hiện, tôn vinh đã đồng đều hơn. Trước chủ yếu là gương làm thiện nguyện (giúp người yếu thế, nhặt được của rơi, hiến máu…), nay lan tỏa nhiều ngành, với nhiều gương hơn: Đó là cô giáo ngoài giờ lên lớp còn nhận đỡ đầu học sinh hoàn cảnh khó khăn và tham gia các hoạt động xã hội từ thiện; là anh chiến sĩ kịp thời cứu hỏa, công chức tham gia hoạt động hướng về cộng đồng; là tăng ni tích cực tham gia hoạt động ở địa phương... cũng được đề nghị khen thưởng. Sở NN&PTNT vừa đề xuất khen thưởng một người nước ngoài có nhiều hoạt động tích cực hỗ trợ Trung tâm bảo vệ động vật hoang dã huyện Sóc Sơn.
Đáng chú ý, một trong những nét đặc thù tạo nên dấu ấn riêng trong phong trào “Người tốt, việc tốt” của thành phố Hà Nội là việc xét tặng và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”. Qua 13 năm thực hiện (2010-2022) đã có 129 cá nhân tiêu biểu được tôn vinh. Trong đó, nhiều cá nhân đến nay vẫn phát huy thành tích, có ảnh hưởng tích cực ở địa phương, đơn vị và tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 570 - 600 người tốt việc tốt được khen cấp thành phố và đang phấn đấu đưa con số này lên khoảng 800 người tốt việc tốt trở lên được khen thưởng...
Theo Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội, một yếu tố quan trọng để duy trì bền bỉ hiệu quả phong trào “Người tốt, việc tốt” là công tác tuyên truyền. Tính từ năm 1992 đến nay, các cơ quan báo chí trên địa bàn Thủ đô đã tuyên truyền hàng vạn tin, bài về phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” và các gương điển hình tiên tiến. Thành phố và các cấp, ngành cũng tổ chức nhiều hoạt động biểu dương, giao lưu, tọa đàm… kịp thời tôn vinh, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt.
Từ cuốn sách “Những bông hoa đẹp” TP Hà Nội tập I xuất bản ngày 9/10/1994 đến nay, thành phố đã biên tập, xuất bản và hình thành tủ sách “Những bông hoa đẹp” với 28 tập và 1 tuyển tập (xuất bản năm 2013) chào mừng kỷ niệm 65 năm Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Các cuốn sách giới thiệu khoảng 2.000 gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực, vừa có ý nghĩa ghi nhận, biểu dương, vừa có tính lan tỏa rộng rãi.
Có thể nói trải qua 30 năm, phong trào “Người tốt, việc tốt” TP Hà Nội đã trở thành một “nét riêng” không thể thiếu trong phong trào thi đua yêu nước của Thủ đô, trở thành “nếp văn hóa” hằng ngày của người dân, góp phần phát huy những giá trị cao đẹp và phẩm chất của người Hà Nội./.
Nam Khánh - Theo Đảng Cộng sản Việt Nam
Tags: