Hai nhà đầu tư đã vượt qua vòng tuyển hồ sơ, bất ngờ giờ chót một công ty khác cũng "lọt" qua. Chính điều này đã đặt ra nhiều nghi vấn!
Vừa qua, Pháp luật Plus nhận được nhiều phản ánh xung quanh nội dung có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động tổ chức lựa chọn nhà thầu tham gia đấu giá cổ phần thoái vốn Nhà nước tại Pisico Bình Định. Theo đó, Công ty TNHH Thương mại Ánh Vy (ở TP Quy Nhơn, Bình Định) có dấu hiệu không đủ điều kiện tham gia đấu giá nhưng vẫn được UBND tỉnh cho vào danh sách một trong ba nhà đầu tư tham gia.
Bán 86% phần vốn Nhà nước tại Pisico Bình Định
Được biết, ngày 30/6 tới đây, UBND tỉnh Bình Định cùng các đơn vị trực thuộc có liên quan sẽ tổ chức buổi đấu giá bán 86% phần vốn nhà nước còn lại tại Tổng Công ty Pisico Bình Định. Đây là công ty được thành lập từ năm 1985, vốn điều lệ là 275 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 30/11/2016, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký văn bản số 5488/UBND-TH về việc thực hiện thoái vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Pisico – Công ty Cổ phần (gọi tắt là Pisico).
|
Trụ sở Pisico Bình Định. |
Tại văn bản này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thống nhất các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư theo các tiêu chí mà Sở Tài chính đã thẩm tra.
Một trong các tiêu chí quan trọng mà UBND tỉnh yêu cầu, đó là nhà đầu tư phải có năng lực tài chính. Năng lực tài chính của nhà đầu tư thể hiện ở việc:
“Có vốn chủ sở hữu tại thời điểm đăng ký đạt tối thiểu 300 tỷ đồng (căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán), tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần tại thời điểm 30/6/2016, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh có lợi nhuận sau thuế dương trong 3 năm liên tiếp trước khi đăng ký làm nhà đầu tư.
Không bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận về tình hình tài chính không lành mạnh. Chứng minh nguồn tài chính để mua cổ phần theo giá trị tối thiểu bằng mệnh giá cố phần đăng ký mua của cấp có thẩm quyền (trường hợp là nhà đầu tư cá nhân). Phải đặt cọc ngay 10% giá trị cổ phần theo mệnh giá của số lượng cổ phần đăng ký mua".
Trên cơ sở các tiêu chí này, từ ngày 7/4/2017 đến ngày 9/4/2017, Tổng Công ty Pisico đã đăng tải trên báo chí về việc tìm đối tác mua phần vốn Nhà nước tại Tổng Công ty và đồng thời đăng thông báo và các tài liệu liên quan trên website của Pisico, Quỹ Đầu tư, Sở Tài Chính…
Sau 10 ngày nhận hồ sơ thì có 3 nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đăng ký bao gồm: Công ty CP Xuất Nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (trụ sở ở quận 1, TP HCM); Công ty CP Đầu tư và phát triển Đức Quân (ở TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) và Công ty TNHH Thương mại Ánh Vy (ở TP Quy Nhơn, Bình Định).
Để thực hiện xét các hồ sơ của các nhà đầu tư nói trên, người được UBND tỉnh ủy quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Pisico (ông Nguyễn Tấn Binh – Giám đốc Tổng Công ty Pisico) đã thành lập Tổ xét thầu và chào giá cạnh tranh để thực hiện thoái vốn Nhà nước tại Pisico.
Ngày 26/4, Tổ xét thầu đã tổ chức xét hồ sơ của của các nhà đầu tư tham gia mua phần vốn Nhà nước tại Pisico. Kết quả, Tổ xét thầu đã chọn được hai nhà đầu tư đảm bảo tiêu chí tham gia mua phần vốn Nhà nước tại Pisico, đó là Công ty CP Xuất Nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đức Quân.
Riêng Công ty TNHH Thương mại Ánh Vy không đảm bảo tiêu chí tham gia mua. Lý do là vì, báo cáo tài chính các năm 2014, 2015, 2016 của doanh nghiệp này chưa được kiểm toán.
Ngoài ra, điều lệ tổ chức hoạt động của Công ty Ánh Vy chưa sửa đổi bổ sung phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới nhất (vốn điều lệ).
Cú lội ngược dòng ngoạn mục
Câu chuyện khiến cho nhiều Sở, ngành tại tỉnh Bình Định như rơi vào ma trận bắt đầu từ cú lội ngược dòng ngoạn mục của Công ty Ánh Vy.
Ngày 28/4, Pisico đã có văn bản (số 129/TCT – TCKT) báo cáo UBND tỉnh Bình Định về kết quả xét hồ sơ của của các nhà đầu tư với nội dung như đã nói ở trên.
Sau khi Pisico báo cáo chỉ có 2 trong 3 nhà đầu tư đủ điều kiện, thì tới ngày 19/5, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định ban hành Thông báo (số 95/TB-UBND) truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng tại cuộc họp Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về công tác thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp năm 2017.
Đáng chú ý, tại văn bản này, có nội dung yêu cầu Người đại diện quản lý vốn Nhà nước tại Pisico phối hợp với các đơn vị liên quan “xét chọn ít nhất 3 nhà đầu” tư để tham gia đấu giá.
Thực hiện chỉ đạo của ông Phan Cao Thắng, ngày 29/5, một cuộc họp về việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia mua cổ phần vốn Nhà nước tại Pisico đã được tổ chức tại Văn phòng Tổng Công ty Pisico.
Theo biên bản cuộc họp thì ông Lê Trung Hậu là người duy nhất có ý kiến đề nghị cho Công ty Ánh vi bổ sung hồ sơ để đủ điều kiện tham gia đấu giá.
“Về Công ty TNHH Thương mại Ánh Vy trước đây đã tham gia 40% vồn đầu tư vào Công ty CP Nông nghiệp Bình Định (BIDINA) tại bên Lào là Công ty mà Pisico sở hữu 50% vốn và sau đó là nhà đầu tư mua sở hữu 10% vốn tại Pisico khi Pisico cổ phần hóa.
Theo quy định về kiểm toán Báo cáo tài chính thì đối với Công ty TNHH Thương mại Ánh là đối tượng không bắt buộc.
Do đó, đề nghị cho Công ty TNHH Thương mại Ánh Vy bổ sung hồ sơ để tham gia chào mua phần vốn Nhà nước tại Pisico,” biên bản cuộc họp ghi lại lời Phó Giám đốc Quỹ Đầu tư và Phát triển tỉnh Bình Định.
Trái với ý kiến của ông Hậu, hầu hết những thành viên còn lại tại cuộc họp đều cho rằng, cần phải thực hiện theo đúng tiêu chí nhà đầu tư do UBND tỉnh quy định từ đầu và không ủng hộ việc cho Công ty Ánh Vy được bổ sung hồ sơ.
“Tiêu chí nhà đầu tư do UBND tỉnh quy định phải thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh,” bà Đặng Thu Hương, Phó Giám đốc Sở Tài chính nêu quan điểm.
Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Huyện, Chủ tịch HĐQT Pisico khẳng định, về công tác triển khai thoái vốn thực hiện là rất chặt chẽ, chắc chắn như về hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, niêm phong hồ sơ của nhà đầu tư…
“Tại cuộc họp ngày 21/4, đã thống nhất về hồ sơ nộp là không được bổ sung hồ sơ sau khi kết thúc thời gian nộp hồ sơ. Việc cho bổ sung hồ sơ là sai tiêu chí của Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành và có khả năng xảy ra rủi ro tiềm tàng,” ông Huyện nói.
Như vậy, đa số các thành viên Tổ xét thầu và chào giá cạnh tranh về thực hiện thoái vốn Nhà nước tại Pisico đều không đồng ý cho Công ty Ánh Vy được bổ sung hồ sơ sau ngày đóng hồ sơ vì cho rằng điều này là không hợp lý.
Bỏ ngoài tai những ý kiến trong buổi họp ngày 29/5, ngày 1/6, ông Lê Hoàng Nghi – Giám đốc Sở Tài chính đã ký văn bản (số 1490/STC-TCDN) gửi UBND tỉnh về việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia mua cổ phần thuộc phần vốn Nhà nước tại Pisico.
Tại văn bản này, Sở Tài chính có nêu ra ý kiến của Người đại diện là ông Nguyễn Tấn Binh, đồng thời cũng nêu ý kiến của Quỹ Đầu tư và Phát triển tỉnh như đã nói ở trên. Cũng theo nội dung văn bản thì Sở Tài Chính ủng hộ ý kiến của Quỹ Đầu tư và Phát triển tỉnh. Trên cơ sở đó, Sở Tài chính nêu ý kiến đề xuất với UBND tỉnh rằng, việc đưa Công ty TNHH Ánh Vy vào danh sách sơ tuyển là hợp lý.
Không những vậy, Sở Tài Chính còn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo bổ sung “thêm một tiêu chí mới” đối với các nhà đầu tư tham gia đấu giá. Tiêu chí mới này là: “Nhà đầu tư có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng đối với khoản tiền trúng đấu giá mua cổ phần sau khi trừ tiền đặt cọc.”
Trên cơ sở báo cáo của Sở Tài chính nói trên, ngay ngày hôm sau, 2/6, ông Phan Cao Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã thay Chủ tịch UBND tỉnh ký văn bản số 2752/UBND-TH gửi Sở Tài chính, Quỹ Đầu tư và Phát triển tỉnh và Tổng Công ty Pisico. Văn bản này nêu rõ, trên cơ sở đề nghị của Sở Tài chính, tại Văn bản số 1490 về việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia mua cổ phần vốn nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến như sau:
“Thống nhất chọn 3 nhà đầu tư (đáp ứng các tiêu chí theo thông báo số 95/TB-UBND ngày 19/5/2017 của UBND tỉnh), gồm: Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex), Công ty CP Xuất Nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Saigon) và Công ty TNHH Thương mại Ánh Vy tham gia đấu giá mua cổ phần vốn Nhà nước hiện còn tại Pisico theo phương thức giao dịch thỏa thuận trên sàn UPCOM.
|
ông Lê Trung Hậu - Phó Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển Bình Định |
Trao đổi với Pháp luật Plus, ông Lê Trung Hậu - Phó Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển Bình Định cho hay: Bản thân hội đồng đề xuất các tiêu chí này là có sơ suất. Tôi thừa nhận điều đó. Bản thân tôi không nghiên cứu kỹ. Khi tư vấn đưa ra là mình chấp nhận, mình không có bàn cụ thể đối tượng nào. Nếu như bàn các đối tượng cụ thể rồi thì việc quy định của tỉnh là rất thuận lợi. Cái này là cái sai sót của bên tôi.
Mình làm thì mình đâu có quen. Tư vấn làm chứ mình đâu có làm. Cả quy trình này là do tư vấn làm, chứ mình đâu có làm. Không biết cách của họ như thế nào, nhưng quan điểm của chúng tôi trong quá trình làm là rất tin tư vấn. Tôi bỏ tiền tôi thuê anh mà, tôi phải tin các anh chứ. Chính vì vậy, trong việc ban hành tiêu chí này mình không lường hết.
Mà ở đây, có kiểm toán hay không kiểm toán, tới giờ phút này, tôi cho rằng không quan trọng nữa. Vì anh có vô đi nữa, tiếp tục một quy định ngặt nghèo hơn, đó là anh phải có chứng thư bảo lãnh thanh toán của ngân hàng thì lúc đó tôi mới tin anh có năng lực".
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.