"Hành vi chặt tay, chân thuê cho người khác là hành vi nguy hiểm cho xã hội, cần phải bị xử lý bằng chế tài hình sự". - Luật sư Cường nói.
Như đã đưa tin, ngày 23/8, từ trình báo của người dân về vụ tai nạn giao thông đường sắt, cơ quan điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã lần ra vụ việc tự thuê người chặt tay, chân nhằm lấy tiền bồi thường gần 3 tỷ đồng từ Bảo hiểm Nhân Thọ. Đây là vụ việc gây chấn động dư luận bởi tiền lệ chưa có sự việc tương tự xảy ra.
|
Hiện trường vụ tai nạn. |
Theo đó, ngày 24/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự do hành vi lừa đảo tiền của Bảo hiểm Nhân Thọ mới chỉ ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt.
Điều này đang làm dư luận tranh cãi, nhiều người băn khoăn rằng, liệu hành vi chặt tay chân thuê cho chị N. của D. có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, "hành vi thuê người gây thương tích cho mình của chị N. có thể không bị xem xét trách nhiệm pháp lý (vì chưa có chế tài để xử lý đối với hành vi này), vì thế, mọi thương tích, thiệt hại trong vụ việc này, người đó phải tự chịu thiệt hại...
"Tuy nhiên, hành vi của người được thuê chặt tay, chân là hành vi cố ý gây thương tích, hành vi này không thuộc một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự nên D. có khả năng sẽ bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 BLHS (sau khi có kết luận tỉ lệ thương tật của người thuê chặt tay chân).
Nếu không xử lý D. về hành vi cố ý gây thương tích thì trong vụ việc này có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Hành vi gây thương tích thuê, dù là thương tích cho bất kỳ ai thì cũng là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hành vi này cần phải bị xử lý bằng chế tài hình sự.". - Luật sư Cường nói.
Nếu như hành vi của chị N. là hành vi phạm tội chưa đạt thì hành vi "gây thương tích thuê" của D. lại là hành vi đã thực hiện, đã có hậu quả. Đối chiếu với quy định tại Thông tư liên tịch 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH thì hậu quả của việc chặt chân, chặt tay chắc chắn là thương tích trên 11%.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
D. biết rõ hành vi chặt tay chân thuê của mình có thể gây thương tích cho người đi thuê nhưng vẫn cố ý thực hiện. Trước câu hỏi của nhiều người về việc đối tượng thực hiện hành vi gây thương tích cho người khác khi được sự đồng ý, sai khiến, thuê mướn của họ, luật sư Cường cho rằng đó không phải là tình tiết định tội danh.
Hành vi của D. không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. D. đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và hành vi của D. là xâm phạm tính mạng, sức khỏe của chị N. Vì vậy, với thông tin mà cơ quan điều tra cung cấp thì đủ căn cứ để xử lý D. về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 BLHS.
Hành vi của D. rõ ràng là gây nguy hiểm cho xã hội, gây hậu quả xấu cho cộng đồng xã hội và thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe của chị N. Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh, "thỏa thuận gây thương tích giữa D. và N. là thỏa thuận trái pháp luật, không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Tội cố ý gây thương tích cũng không đòi hỏi là nạn nhân có đồng ý hay không. Vì vậy, việc không khởi tố D. là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, có thể tạo tiền lệ không tốt trong xã hội".
Thiết nghĩ, nếu như không xử lý những vụ việc như vậy thì e rằng sẽ tạo nên những tiền lệ không tốt cho xã hội. Các đối tượng sẽ thỏa thuận với nhau về các vụ tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp... tự mình gây thương tích cho mình hoặc gây thương tích cho nhau rồi qua mặt cơ quan chức năng để đòi hỏi quyền lợi từ các đơn vị bảo hiểm...
Đêm 5/5/2016, cảnh sát được tin báo từ một thanh niên về vụ tai nạn tại đường sắt qua khu Hà Đông - Phú Diễn, địa phận quận Bắc Từ Liêm. Nạn nhân là chị L. T. N. (30 tuổi, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội), bị đứt rời 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái. Chị N. được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 19/8 và đã được bác sĩ nối liền các phần bị đứt. Bốn ngày sau, nạn nhân xin chuyển đến Bệnh viện Việt Đức và bác sĩ tại đây buộc phải tháo bỏ phần thi thể đứt rời do vết thương bị hoại tử... Làm việc với công an, chị N. khai buồn chuyện gia đình nên đi lang thang và bị tàu hút vào. Lúc bị tàu nghiến tay, chân, có thanh niên đi qua, thiếu phụ đã kêu cứu và may mắn thoát chết. Tuy nhiên, quá trình điều tra, cảnh sát xác định thiếu phụ này và thanh niên báo tin quen biết nhau từ trước. Sau hơn 3 tháng, cảnh sát làm rõ là vụ tai nạn trên không có thật. Theo trình bày của chị N., chị ta mua ba gói Bảo hiểm Nhân Thọ. Do khó khăn về kinh tế, người này nghĩ ra chiêu tự hại thân thể mình để được thanh toán bảo hiểm. Sau đó chị N. đã bàn với thanh niên quen biết trên và thuê chặt tay, chân của mình, để được Bảo hiểm Nhân Thọ thanh toán số tiền gần 3 tỷ đồng. |